Những người thầy xuất chúng ở đội bóng Công an Hà Nội nửa thế kỷ trước

ANTD.VN - Mùa hè năm 1970 thế kỷ trước, đội bóng đá Công an Hà Nội tuyển lứa năng khiếu đầu tiên trên Sân vận động Hàng Đẫy. Hàng nghìn “chú choai” tham gia thi tuyển suốt cả một tuần.

Buổi gặp mặt lứa năng khiếu đầu tiên của đội bóng đá Công an Hà Nội

Phụ trách chính đội bóng đá Công an Hà Nội khi đó là thầy Lưu Đình Tòng và thầy Vũ Văn Hạc. Gần như cả đội bóng Công an Hà Nội ngày ấy đều đến xem giò cẳng của các đồng đội trẻ tương lai. Sau các màn kiểm tra sức khỏe, tốc độ di chuyển, kỹ thuật cá nhân là chia các đội hình thi đấu trên sân 11 người. 

Qua khe cửa hẹp của trận sát hạch

Thầy Tòng và thầy Hạc cầm cuốn sổ ghi chép nơi đường biên. Suốt một tuần, hai thầy đã “nhặt” đủ hơn 20 người để vào đợt sát hạch cuối cùng trên sân Quần Ngựa. Hôm đấy, thầy Tô Hiền - phụ trách Đội bóng đá Công an Hà Nội có mặt cùng thẩm định. Ông chỉ ngồi xem bọn trẻ thi đấu một lần mà sau trận sát hạch, ông đọc vanh vách ưu - khuyết điểm của từng đứa. Đợt sát hạch có 9 thí sinh (Nhã “tròn”; Thiết “quài”; Phúc Hùng; Phi Hùng; Việt “hổ”; Bình “mẩu”; Cường “ky”; Cường “kinh”, Vũ Dũng) lọt qua khe cửa hẹp, được về nhà chờ Sở công an làm quyết định tuyển dụng. Sau Tết, cả 9 người nhận giấy triệu tập, về đóng quân tại dãy nhà một tầng của Công an Cầu Giấy, sát vách với nhà của nhà thơ Tú Mỡ nổi tiếng.

Đến khi chuyển về địa chỉ số 116 phố Quán Thánh, đội hình dần bổ sung tới hơn 20 người. Thủ môn lúc đấy có Hòa, Hưởng, sau thêm Bình “già” và Trung “mán”. Cầu thủ có thêm Thọ “ô mai”; Thông “héo”; Dũng “xoăn”; Tuấn Sơn; Văn Hùng; Phương “tròn”; Hòa Cát Linh; Thành “bói”; Thành “dế”; Trần Hạnh; Bình “còng”; Hoành “bò kệu”; Khanh “ốc”; Lăng “ngựa”; Đông Thành, Bình (Phú Tí). Đội tập ở sân Quán Thánh rồi chuyển sang sân Quần Ngựa. Ngoại trừ Nhã “tròn” sớm được gọi lên đội 1, còn lại cả nhóm được thầy Tòng và thầy Hạc rèn giũa về kỹ thuật và “nhồi” thể lực. 

Các màn tâng bóng, chuyền bóng, đỡ bóng rồi đi bóng được lặp lại hàng ngày, xen kẽ với các buổi chèo thuyền trên Hồ Tây, bơi ở Quảng Bá hoặc chạy vắt qua núi Nùng trong vườn Bách Thảo. Từ đầu giờ sáng, cả đội nối đuôi nhau chạy không ngừng nghỉ, hết đường bằng rồi lại leo núi suốt cả buổi. Lên Quảng Bá, thầy Hạc thổi còi cho mọi người ngụp sâu trong nước, ai nhô lên sớm liền ăn ngay chiếc gậy gõ vào đầu.  

Đội lúc đó ăn ở nhà ăn của Sở. Đang thời chiến nhưng bữa nào của các vận động viên cũng được lo chu đáo với tiêu chuẩn cao. Vì vậy, ai cũng tự giác tập luyện và chấp hành tốt mọi nội quy sinh hoạt của đội đề ra. Các buổi tối, nếu không mệt nhoài nằm nghỉ thì rủ nhau đánh tú-lơ-khơ bôi râu hoặc mặc áo mưa, đội mũ sắt. Thông “héo” chơi kém, có lần bị phạt, chỉ được mặc mỗi cái áo tập dài trùm mông để đi bộ lên đầu phố mới được quay về. Mấy người đi theo giám sát về kể lại hình phạt này không ăn thua vì nó đi trên đường với mỗi cái áo mà dáng đi thấy rất hiên ngang, vừa đi lại vừa hát véo von.

Đội lúc đó do thầy Lưu Đình Tòng làm Huấn luyện viên trưởng, thầy Vũ Văn Hạc làm phó. Nhưng về Đảng, thầy Hạc lại là Chi ủy viên của Phòng Cảnh sát Trật tự, trong ban lãnh đạo chung của cả Đội bóng Công an Hà Nội. Thầy Hạc là người cực kỳ tế nhị. Thầy quản lý đám trẻ bằng tình thương của người anh lớn, và luôn tôn trọng tuyệt đối thầy Tòng. Ý thức đấy đã rèn giũa đội trẻ về đạo lý làm người, sống có trước sau và tôn trọng đàn anh trong nghề. Lúc đó tôi tham gia Đoàn Thanh niên, làm Phân đoàn trưởng kiêm Đội trưởng đội bóng, nhưng thực ra mọi việc quản lý và hướng dẫn các thành viên, thầy Hạc đều chủ động xắn tay vào làm. 

Việc chính của tôi thời gian đó chỉ là phân công trực nhật, ốp số chưa học hết phổ thông đi học ban đêm ở Ngõ Trạm và phát tiền ăn sáng, tiền ăn còn thừa cho các bạn. Cuối tuần, được phát tờ 10 đồng đỏ rực, đủ để mọi người đưa bạn vào quán xá bất kỳ ở Hà Nội mà không lo thiếu tiền. Thông “héo” - lại là nó. Đến bây giờ mỗi khi gặp mình đều nằng nặc đòi mình lại tiếp tục phát tiền đi ăn sáng.

Bọn tôi tập chay là chính, thỉnh thoảng mới được hai thầy dẫn đi thi đấu giao lưu ở mấy tỉnh ven Hà Nội như Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh…. Lần đi Thái Nguyên, ông Chu Thành là con ông Chu Văn Tấn theo đoàn từ lúc lên đến khi thi đấu xong. Được dẫn vào nhà khách Tỉnh ủy, nhìn chén trà trong veo, xanh nhàn nhạt so với màu nâu đậm đà thường uống ở nhà ăn tập thể của Sở tại Hà Nội, người nào cũng uống ừng ực và nhiều người bị say nước chè ngay lúc đấy.

Đội tuyển Việt Nam năm 1956 (ông Lưu Đình Tòng, đứng hàng đầu, thứ 4 từ trái sang)

“Đệ nhất hậu vệ” mọi thời đại của bóng đá Việt Nam và Hà Nội

Có một trận đá trên Sân vận động Hàng Đẫy hồi năm 1972. Bây giờ ân hận nhưng hồi đó chỉ biết sướng. Tổng Liên đoàn Lao động dự định thành lập đội tuyển đi giao lưu ở nước ngoài. Bọn tôi được lôi ra làm quân xanh. Không ngờ đám choai choai mới tập với nhau 1 năm đã đá cho đội của Tổng Liên đoàn “lên bờ xuống ruộng”. Nghe nói sau trận đấy, đội của Tổng Liên đoàn Lao động  bị giải tán.

Rất vinh dự khi hai thầy dạy bọn tôi những ngày đầu tiên đến với trái bóng tròn lại là hai hậu vệ trái và phải lừng danh của đội Công an Hà Nội. Riêng thầy Lưu Đình Tòng còn là tuyển thủ quốc gia. Với biệt danh Tòng “cháy”, ông là lá chắn thép của Đội Hoàng Diệu.

Về đá cho Đội bóng đá Công an Hà Nội và Đội tuyển Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong cuộc bầu chọn lần đầu tiên ngày 1-1-1960 của thể thao nước nhà do báo Thủ đô, sau hợp nhất với báo Thời mới thành Hà Nội mới tổ chức, ông Lưu Đình Tòng được vinh danh là số 1 tuyệt đối. Sau ông là các danh thủ Trương Tấn Nghĩa; Bùi Đức; Nguyễn Thành Đô; Diệp Phú Nàm; Trần Tương Lai; Ngô Xuân Quýnh…

Đội tuyển năm 1956 sang Trung Quốc đá giao hữu theo sơ đồ WM có các ông Đức Ba “xương” bắt chính, dự bị là hai ông Nghĩa “min” và Coóng. Hậu vệ là Te - Nghẽn - Tòng. Tiền vệ là Luyến - Thưởng - Nghĩa - Bảy - Tuất cùng hai tiền đạo Tiến và Ba Len. Nổi bật nhất đội hình là hai người đá cặp Nghẽn và Tòng. Một ông to cao, một ông nhỏ nhắn nhưng cực kỳ “ăn rơ” vì đều từ Công an Hà Nội lên tuyển. 

Giải bóng đá Việt - Trung - Triều - Mông năm 1960, trận gặp đội Trung Quốc vừa tập huấn tại Liên Xô về với những cầu thủ nổi tiếng như Trương Tuấn Tú; Niên Duy Tứ; Phương Nhuận Thu; Trương Hồng Căn… đội Việt Nam đã thi đấu ngang ngửa với họ. Phút 86, ông Tòng “cháy” đã sút tung lưới đội Trung Quốc từ quả phạt ngoài vòng 16,50m. Ông thuận chân trái nhưng lại sút phạt bằng chân phải. Bóng liếm cạnh dưới xà ngang, bật tung vôi kẻ khiến thủ môn Trương Tuấn Tú phải vào lưới nhặt bóng trong niềm thán phục.

Ông Tòng “cháy” đá hậu vệ biên nhưng hay về ứng cứu thủ môn. Những pha tung người móc bóng cứu thua ngay vạch cầu môn của ông đã thành thương hiệu, và được mọi người suy tôn là quái kiệt. Cú đá ấy, tiếng Pháp gọi là Ciseau, tiếng Brazil là Chilena hay Pele kick và tiếng Anh gọi là Bicycle kick, còn dân ta thì gọi là “xi-dô” hay “ngả bàn đèn”. Ông Tòng “cháy” có người con rể cũng là cầu thủ nổi tiếng, trung phong Lê Quang Ninh (Ninh “đen”) của Cảng Hải Phòng. “Siêu trọng tài” Huy Khôi, tức Khôi “kinh kông”, khi ấy là Phó Giám đốc Sở Thể dục - Thể thao Hà Nội đã thân mật nói với Ninh “đen”: “Cậu là tay săn bàn hạng nhất, đã gần bằng đám Hùng “xồm”, Hiển “coóc” rồi đấy, nhưng mà nếu cậu gặp phải tay hậu vệ nào như bố vợ cậu thì “chết” là cái chắc”. 

Thầy Lưu Đình Tòng của chúng tôi được mọi người trong giới thể thao tôn vinh là “Đệ nhất hậu vệ” mọi thời đại của bóng đá Việt Nam và Hà Nội!