Những người anh hùng dành cho ngày chiến thắng...

ANTD.VN - Trời Hà Nội hôm nay tối sầm trong những ngày tháng 7 mưa ngâu. Mưa cả ngày không một chút nắng. Những giọt nước mắt, những tiếc nuối sẽ rơi cho hai lần liên tiếp thế hệ của Công Phượng, Quang Hải, Tiến Dũng... đã vấp ngã trước ngưỡng cửa chiến thắng. Thế hệ của Hồng Sơn, Huỳnh Đức vấp ngã tại Tiger Cup 1998 trong trận chung kết khi đó đã xấp xỉ tuổi 30. Và những giọt nước mắt ngày hôm nay của người hâm mộ dành cho tuyển Olympic Việt Nam sẽ là những giọt nước mắt của hy vọng và tương lai cho một thế hệ dù đã hai lần vấp ngã nhưng mới chỉ ngoài 20 tuổi...

Hà Nội, những ngày cuối năm 1946, trong những giai đầu gian khổ của cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, trước một đội quân nhà nghề thiện chiến và hiện đại, Vệ quốc quân trong tay hầu như chỉ có giáo, mác, gậy, một số ít súng... Và hình ảnh những người anh hùng của Trung đoàn Thủ đô bắt đầu trở nên huyền thoại từ thời điểm ấy. Đó là những người chiến sỹ cảm tử với quả bom ba càng.

Để mở màn cho một trận đánh, một cuộc phản công, chúng ta buộc phải tiêu diệt xe tăng của quân thù. Thế nhưng vào thời điểm đó, khi vệ quốc quân chưa có những hỏa lực mạnh để tiêu diệt xe tăng địch, chúng ta buộc phải lựa chọn những người chiến sỹ gan dạ nhất, dũng cảm nhất để sử dụng bom ba càng tiêu diệt xe tăng địch. Dùng bom ba càng sẽ hy sinh.

Hình ảnh lịch sử của những chiến sĩ Vệ quốc quân

Thế nhưng tất cả các chiến sỹ đều xung phong để được nhận lấy nhiệm vụ khốc liệt ấy. Người chiến sỹ vệ quốc quân với quả bom ba càng đã trở thành những người anh hùng đầu tiên của quân đội ta, những người anh hùng không được nhìn thấy ngày chiến thắng...

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng ta chiến đấu với những trang bị và vũ khí khá đầy đủ để đối phó với một trong những tập đoàn cứ điểm vững chắc nhất thế giới thời bấy giờ. Và để mở cửa mỗi một lô cốt trước một trận đánh, cần phải đặt bộc phá để dọn dẹp hết các hàng rào dây thép gai dày đặc mìn và hỏa lực địch để bộ đội xung phong...

Bộ đội ta xây dựng nên các tổ bộc phá. Đó là các tổ ba người, những người chiến sỹ dũng cảm nhất, nhanh nhẹn nhất có nhiệm vụ đưa bộc phá tới sát hàng rào, kích nổ để dọn dẹp vật cản cho bộ đội xung phong. Các chiến sỹ tham gia tổ bộc phá đều trở thành những người anh hùng không được nhìn thấy ngày chiến thắng. Đa số họ đã hy sinh cho tới khi mở được cửa đột phá cuối cùng...

Những người anh hùng không được nhìn thấy ngày chiến thắng ấy chính là niềm tự hào, điểm tựa xương máu để xây dựng nên truyền thống 70 năm của Sư đoàn 308, sư đoàn Quyết thắng, Anh Cả đỏ của Quân đội nhân dân Việt Nam. Để các thế hệ cán bộ, chiến sỹ tiếp nối những chiến công và nhìn thấy ngày chiến thắng.

Người Đức nổi tiếng trong làng bóng đá thế giới với tinh thần và ý chí sắt thép, họ được mệnh danh là cỗ xe tăng Đức. Và để đạt được biệt hiệu cỗ xe tăng ấy, bóng đá Đức cũng đã từng sở hữu một thế hệ cầu xuất sắc, thế hệ “vàng” nhưng chưa bao giờ đạt được huy chương vàng World Cup. Một thế hệ vàng của Harald Schumacher, Rumeniger, Uwe Seeler... chưa bao giờ chạm tay được vào cúp vàng World Cup.

Năm 1982, Đức thua tan nát Italia 3-1 trong trận chung kết. Năm 1986, Đức là đội thua sát nút 2-3 trước một Argentina của huyền thoại Diego Maradona... Những tưởng người Đức đã không thể gượng dậy sau hai lần thất bại liên tiếp. World Cup 1990, Đức trình làng một thế hệ cầu thủ mới, thay thế cho những huyền thoại chưa bao giờ chạm tay vào cúp vàng. Và họ đã thành công. Với kinh nghiệm dày dạn chơi các trận chung kết, người Đức đã lên ngôi vô địch thế giới và tiếp tục duy trì phong độ đỉnh cao với chức vô địch Euro 1996... Một thế hệ chưa bao giờ chạm tay vào cúp vàng đã trở thành điểm tựa để khai sinh ra một thế hệ vàng.

Bóng đá Việt Nam trong giai đoạn hội nhập đã sản sinh ra một thế hệ xuất sắc. Đó là thế hệ của Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Công Minh, Đỗ Khải... Một thế hệ xuất sắc đã giúp bóng đá Việt Nam hội nhập trở lại một cách tự tin với làng bóng đá Đông Nam Á. Thế hệ của các anh cũng trở thành một thế hệ “vàng” chưa từng chạm tay được vào huy chương vàng...

Hình ảnh đổ máu của cầu thủ Quang Hải trong trận đấu tứ kết môn bóng đá nam Asiad 2018 khiến nhiều người xót xa

Trận chung kết Tiger Cup 1998 tại Thủ đô Hà Nội diễn ra trong trời mưa tầm tã cách đây 20 năm đã kết thúc một cách không thể đau xót hơn khi chúng ta nhìn thấy đối thủ giành lấy cúp vàng Đông Nam Á, trong một ngày mà cả nước đã sẵn sàng để ăn mừng chiến thắng...

Thế hệ “vàng” đã đánh rơi vàng trong tay và không có cơ hội để nhận cúp vàng, nhưng các anh đã trở thành điểm tựa, thành niềm tự hào để 10 năm sau trận chung kết định mệnh ấy, cũng tại Hà Nội, chúng ta đã lên ngôi và có một thế hệ vàng thực sự sau chiến thắng trước Thái Lan tại AFF Cup 1998, thế hệ của Minh Phương, Tài Em...

Lại 10 năm sau nữa, 2018, ngày hôm nay, thế hệ “vàng” của chúng ta lại thua trước một đối thủ mạnh hơn, những nhà đương kim vô địch ASIAD. Đó là trận thua thứ hai sau thất bại tại Thường Châu. Nhưng chúng ta đã thua trên một đấu trường khác, một đấu trường đẳng cấp hơn và hội nhập sâu hơn, đấu trường châu Á chứ không còn là Đông Nam Á nữa.

Vẻ đẹp của các tuyển thủ U23 Việt Nam đi vào lịch sử bóng đá nước nhà

Những giọt nước mắt, những tiếc nuối sẽ rơi cho hai lần liên tiếp thế hệ của Công Phượng, Quang Hải, Tiến Dũng... phải dừng bước trước ngưỡng cửa chiến thắng. Thế hệ của Hồng Sơn khi vấp ngã tại Tiger Cup 1998 trong trận chung kết khi đó đã xấp xỉ tuổi 30. Và những giọt nước mắt ngày hôm nay của người hâm mộ dành cho tuyển Olympic Việt Nam sẽ là những giọt nước mắt của hy vọng và tương lai cho một thế hệ dù đã hai lần vấp ngã nhưng mới chỉ ngoài 20 tuổi.

Và chắc chắn thế hệ của các em sẽ không phải là một thế hệ không thấy ngày Chiến thắng như các thế hệ đàn anh. Các em là một thế hệ được sinh ra để dành cho ngày Chiến thắng...