World Cup 2018:

Nhìn khán giả Nhật, ngẫm về khán giả Việt

ANTD.VN - Hình ảnh cổ động viên Nhật Bản khóc rưng rức, nén nỗi đau thất bại để dọn rác trên khán đài sân vận động đã khiến nhiều người nể phục, báo chí quốc tế ngợi ca.

Thật ra việc dọn rác trên khán đài sau mỗi trận đấu đã được các cổ động viên Nhật Bản thực hiện từ các trận vòng bảng và báo chí đề cập. Thế nhưng ở trận thua Bỉ, hành động đẹp đó như nhân lên bội phần khi họ ở tâm thế của những người đang trải qua nỗi buồn thua trận cùng đội nhà.

Việc dọn rác trước khi rời đi khiến ngay cả những người phương Tây – vốn rất có ý thức vệ sinh nơi công cộng – cũng phải trầm trồ khen ngợi, và nay càng khiến người chứng kiến phải ngưỡng mộ khi người Nhật duy trì cử chỉ đẹp trong mọi hoàn cảnh.

Không riêng cổ động viên, các cầu thủ Nhật sau trận thua, dù rất buồn và mệt mỏi song không ai bảo ai, tất cả đã cùng nhau dọn dẹp sạch sẽ phòng thay đồ trong hầm sân vận động Samara Arena trước khi rời đi.

Khán giả Nhật dọn rác trước khi rời sự kiện

Điều đó cho thấy ý thức tự giác của người Nhật, chứ không phải là cách “làm màu”, “diễn” trước ống kính truyền thông như một số người hẹp hòi đặt ra khi báo chí quốc tế ngợi ca hành động của cổ động viên Nhật trên các khán đài nước Nga.

Người Nhật dọn rác một cách tự nguyện, như một phản xạ vô điều kiện của những con người được đào tạo cách ứng xử văn minh ngay từ nhỏ và cũng có thể nó xuất phát từ ý thức chủ quan khi muốn giữ gìn hình ảnh đẹp đẽ về con người Nhật Bản trong mắt bạn bè quốc tế. Song dù nghĩ theo cách nào vẫn cho ra một kết luận chung, ý thức và cử chỉ đẹp đẽ đó đã nâng tầm hình ảnh con người, văn hóa Nhật Bản lên một tầm cao mới, giữa sân chơi bóng đá được cả thế giới nhìn vào.

Còn khán giả Việt để lại "núi rác" sau một sự kiện

Từ hình ảnh cổ động viên Nhật, nhìn về cổ động viên Việt Nam thấy một khoảng cách quá lớn về ý thức.

Từ các trận đấu V-League cho tới các trận đấu quốc tế có đội tuyển Việt Nam tham dự, dù sân nhà hay sân khách thì hầu như một cảnh tượng thường thấy ở khu vực cổ động viên Việt Nam là những túi nilon, vỏ lon nước vứt la liệt sau trận đấu.

Một cách công bằng, cũng có một số lần hiếm hoi người ta chứng kiến những người có trách nhiệm trong Hội cổ động viên Việt Nam kêu gọi và một bộ phận tham gia hưởng ứng việc dọn rác trên khán đài sau trận, song việc này không thường xuyên và đặc biệt là khi đội nhà thất bại, người trong cuộc cũng quên luôn nhiệm vụ được giao.

Sau trận thua: cổ động viên Nhật Bản nuốt nước mắt vào trong để dọn rác trước khi rời đi (ảnh phải), còn cổ động viên Việt Nam bám theo ném vỡ kính xe chở đội Indonesia

Càng đáng ngẫm hơn, nếu so sánh hình ảnh cổ động viên Nhật Bản sau thất bại vẫn thể hiện thái độ ôn hòa và làm nghĩa vụ của một khán giả có ý thức, với hình ảnh những cổ động viên hay cầu thủ vì cay cú thua trận mà gây gổ, xô xát với cầu thủ, cổ động viên đối phương.

Thậm chí là một cảm giác xấu hổ, nếu nhớ lại cách một nhóm cổ động viên quá khích Việt Nam sau trận thua Indonesia tại bán kết lượt về AFF Cup 2016 đã bám theo và ném vỡ kính xe chở đội bạn trên đường từ sân Mỹ Đình về khách sạn. Hay câu chuyện cổ động viên Việt Nam ném chai chứa nước tiểu về phía cổ động viên đối phương sau một trận thua ở SEA Games mà một lãnh đạo Hội cổ động viên Việt Nam từng chia sẻ với sự xấu hổ.

Nhìn rộng ra ngoài phạm vi môn bóng đá, ý thức của khán giả Việt cũng rất kém. Gần như sau những lễ hội, sự kiện từ ngoài trời cho đến trong nhà, đều chung một cảnh tượng là các khán đài bừa rộn rác khi khán giả Việt rời đi. Ngay ở Hà Nội, Thủ đô của cả nước, gần như sau đêm Giao thừa nào qua đi cũng để lại “núi rác” trên các con phố quanh hồ Hoàn Kiếm, những cành cây bị bẻ gãy, những bãi cỏ bị giẫm nát bởi ý thức kém của người dân.

Nhìn khán giả Nhật được ngợi khen ở World Cup mà buồn, mà xấu hổ cho bộ phận khán giả Việt!