Nhiều câu hỏi lớn chờ VFF trả lời

ANTĐ - “Ông bầu” đội bóng Vissai Ninh Bình (đã giải thể hơn 1 năm sau vụ 9 cầu thủ bán độ tại AFC Cup 2014) - Hoàng Mạnh Trường vừa khiến làng bóng xôn xao khi tiết lộ “thỏa thuận miệng” giữa ông với lãnh đạo cấp cao Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF). 

Nhiều câu hỏi lớn chờ VFF trả lời ảnh 1Thỏa thuận (nếu có) giữa VFF và “bầu” Trường đi ngược Quy chế bóng đá chuyên nghiệp

Theo lời “bầu” Trường, để đi tới quyết định đưa chính vụ bán độ của đội bóng mình ra làm “án điểm” cho bóng đá Việt Nam, lãnh đạo VFF mà cụ thể là Chủ tịch Lê Hùng Dũng và Phó Chủ tịch chuyên môn Trần Quốc Tuấn đã hứa với ông sẽ bảo lưu suất V-League cho Vissai Ninh Bình ở mùa 2017. “Tôi sẽ đợi đến cuối năm 2015. Nếu lãnh đạo VFF không giữ đúng lời hứa, không để Vissai Ninh Bình đá V-League 2017, tôi sẽ chính thức cự tuyệt với bóng đá và không bao giờ trở lại nữa”, ông Hoàng Mạnh Trường tuyên bố.

Những tiết lộ của “bầu” Trường thực sự gây sốc. Bởi nếu thỏa thuận giữa lãnh đạo Vissai Ninh Bình và VFF là sự thật, rõ ràng đã đi ngược với Quy chế bóng đá chuyên nghiệp do chính VFF ban hành, trong đó quy định một đội bóng muốn lên chơi V-League phải lần lượt thăng hạng từ hạng Ba, hạng Nhì và hạng Nhất. Trong cuộc trao đổi với phóng viên, nhiều thành viên trong Ban chấp hành VFF cho biết họ không hề biết chuyện Vissai Ninh Bình được đặc cách bảo lưu suất V-League 2017. “Nếu có thì chỉ là thỏa thuận miệng giữa cá nhân với nhau, chưa hề thông qua Ban chấp hành. Điều này là không thể chấp nhận”, một Ủy viên Ban chấp hành VFF nêu quan điểm.

Một sự kiện “nóng” không kém là trong cuộc họp Ban chấp hành VFF cuối tuần qua, Phó Chủ tịch tài chính Đoàn Nguyên Đức đã phê phán về việc các trưởng phòng, ban trực thuộc VFF “có mà như không”, cũng như việc ông bị chính “người nhà” giấu nhẹm các thông tin liên quan đến VFF và theo quan điểm của ông Đức cần phải thay HLV Miura - HLV dở nhất 60 năm qua của bóng đá Việt Nam. Điều đáng nói là những ý kiến và yêu cầu của ông Phó Chủ tịch VFF đưa ra không một lãnh đạo VFF nào phản biện hay cho ý kiến. Vì thế, cuộc họp mang tính chất tổng kết năm của Ban chấp hành VFF chưa thu lại hiệu quả như kỳ vọng.

Cũng từ cuộc họp này, người ta cảm nhận được sự rạn nứt nhất định trong nội bộ VFF sau nhiều đồn đoán. Rõ nhất là quan điểm có hay không tiếp tục sử dụng các ông thầy Nhật. Sau khi Công ty VPF sớm chấm dứt hợp đồng với 2 chuyên gia người Nhật, đến lượt VFF thôi nhiệm vụ HLV trưởng ĐTQG nữ của ông Takashi sau 8 tháng dẫn dắt và tháng 4-2016 tới, rất có thể HLV người Nhật cuối cùng - Miura, cũng sẽ chia tay bóng đá Việt Nam. Không có một cuộc họp bàn nào giữa những người có trách nhiệm để tổng kết lại “chiến lược” sử dụng thầy Nhật thời gian qua hiệu quả hay bất cập điểm nào để rút kinh nghiệm, hay để bàn xem có hay không nên tiếp tục tin dùng HLV Miura và nếu không thì ai sẽ thay thế, quy trình tuyển chọn như thế nào… Tất cả đều chìm trong sự im lặng khó hiểu từ những người có trách nhiệm.

Năm 2015 đã gần hết nhưng lời hứa kiếm hơn 300 tỷ đồng/năm cho bóng đá Việt Nam của lãnh đạo VFF vẫn chỉ là “bánh vẽ”, dù nhiệm kỳ VII đã trôi qua non nửa. Những tuyên bố hùng hồn của Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng ngày nhậm chức gần như chưa được chuyển hóa thành hành động. Hai sự việc bị dư luận lên án là Ban Kỷ luật VFF áp bản án dân sự cho trường hợp phạm lỗi của Quế Ngọc Hải ở V-League 2015 và Phó Chủ tịch VFF đồng thời là Chủ tịch CLB HAGL Đoàn Nguyên Đức cố tình vi phạm quy định của VFF về việc mỗi CLB dự V-League phải có đủ 4 đội trẻ thi đấu trong hệ thống giải trẻ quốc gia năm 2015, cũng không được đề cập và đang có dấu hiệu “chìm xuồng”.

Rất nhiều câu hỏi lớn của bóng đá Việt Nam đang chờ VFF có câu trả lời thỏa đáng.