Nhà vô địch SEA Games Nguyễn Thị Nụ: "Tôi chỉ hy vọng mình không bị liệt suốt đời"

ANTĐ - Từng được đánh giá là “cô gái Vàng” của thể thao Việt Nam, nhưng ở thời điểm này, nhà vô địch SEA Games 22 Nguyễn Thị Nụ đang phải đối mặt với nguy cơ tàn tật suốt đời.
Nhà vô địch SEA Games Nguyễn Thị Nụ: "Tôi chỉ hy vọng mình không bị liệt suốt đời" ảnh 1Nguyễn Thị Nụ khi đang là “cô gái Vàng” của TTVN tại SEA Games 22...

Từ một tượng đài…

Chúng tôi gặp lại Nụ vào một ngày mùa thu tháng 10-2015, trong một quán cà phê nhỏ bên ngoài sân Hàng Đẫy. Khuôn mặt sạm đen, hốc hác, thân hình tiều tụy của cô khiến tôi thực sự bị sốc và ám ảnh, sau 6 năm không gặp. Nụ tập tễnh bước đến với cái đầu gối chân phải bị bó bằng chiếc băng bó gối sơ sài. Hỏi ra mới biết, cô đã nghỉ công tác huấn luyện được hơn 1 tháng nay vì chân quá đau do tái phát chấn thương. Cùng thế hệ với Trương Thanh Hằng và Vũ Thị Hương, Nguyễn Thị Nụ từng được đánh giá đầy triển vọng và có thể trở thành một “tượng đài” của điền kinh Việt Nam với sải chân dài và tốc độ đáng kinh ngạc. 

Đến với điền kinh từ năm 2000, 3 năm sau Nụ đã là một thành viên trụ cột của ĐTQG và ở SEA Games 22 (2003) trên sân nhà, Nguyễn Thị Nụ đã cùng các đồng đội Nguyễn Thị Tĩnh, Vũ Thị Hương, Dương Thị Hồng Hạnh... bước lên bục cao nhất ở nội dung 4x400m. Sau đó, cô còn giành thêm 2 HCB nội dung 400m rào ở SEA Games 23 và 24, và 1 HCĐ 4x400m ở SEA Games 24. Đấy là còn chưa kể vô số những HCV và kỷ lục trong nước.

… Đến phận “đời thừa”

Sự nghiệp đang vô cùng suôn sẻ với VĐV sinh năm 1985 này thì ác mộng chấn thương bỗng

Lời tòa soạn: Hôm nay là 20-10, ngày của Phụ nữ Việt Nam, ngày mà “một nửa thế giới” được tôn vinh và nâng niu. Trong ngày này chúng tôi muốn viết về những VĐV nữ của thể thao Việt Nam, những người đã bỏ cả tuổi thanh xuân, đánh đổi nhan sắc để mơ ước, hy vọng, để cống hiến và đem những vinh quang làm giàu cho thành tích của thể thao nước nhà. Song, số phận thật nghiệt ngã, tuổi thanh xuân vốn ngắn ngủi, tuổi thi đấu lại càng ngắn ngủi hơn. Cuộc sống của nhiều VĐV phía sau hào quang là cả một cuộc vật lộn mưu sinh. Chúng tôi muốn nói về họ và nghĩ đến họ để không quên thời thanh xuân mà những người phụ nữ ấy đã hiến dâng.

đổ xuống. Với môn điền kinh, chấn thương là điều khó có thể tránh khỏi nhưng Nguyễn Thị Nụ không bao giờ có thể ngờ hai chữ “chấn thương” đã phá hủy sự nghiệp của cô từ sớm như thế.

Sau 4 lần lên bàn mổ để điều trị chấn thương dây chằng đầu gối phải, Nụ đã phải vĩnh viễn rời xa đường chạy. Thế nhưng, cơn bão cuộc đời của cô vẫn chưa dừng lại. Năm 2011, dư luận được một phen xôn xao, khi Nguyễn Thị Nụ bị trưởng bộ môn điền kinh khi đó giao cho nhiệm vụ… nhổ cỏ trên sân, thay vì công tác huấn luyện đúng với chuyên môn của cô khi đó.

Những hình ảnh Nụ bịt kín người từ đầu tới chân, ngồi nhổ cỏ trên sân giữa cái nắng gắt, không khỏi khiến người ta bàng hoàng và xót xa. Trong thời điểm quá uất ức, cô đã tự thốt lên rằng: “Đúng là cái nghề này bạc quá”. Sự vào cuộc mạnh mẽ của báo chí thời điểm đó đã giúp Nụ “thoát” được công việc ấy, nhưng cuộc đời và sự nghiệp huấn luyện của VĐV quê Đông Anh này vẫn không khá hơn.

Làm công tác huấn luyện các VĐV trẻ với hợp đồng ngắn hạn, nhưng lương “tậm tịt” không được trả đủ, may ra chỉ đủ trang trải tiền thuê nhà, cách đây hơn 1 tháng, chấn thương đầu gối của Nguyễn Thị Nụ bỗng dưng lại tái phát. Chúng tôi thắc mắc, vì sao sau 4 lần phẫu thuật, vẫn không điều trị dứt điểm chấn thương, Nụ nói: “Khi vừa chữa trị xong, thời gian hồi phục còn chưa hết, em đã bị ép tiến độ thi đấu giải, nên việc tái phát là chuyện dễ hiểu thôi”. Với cái đầu gối đau, Nguyễn Thị Nụ đã phải tạm dừng công tác huấn luyện. Cay đắng hơn, nếu điều này tiếp tục kéo dài, thậm chí cô sẽ phải đối mặt với việc bị sa thải do không đảm bảo yêu cầu chuyên môn. “Nghĩ cũng tủi lắm anh ạ, cái chân mình như thế, bây giờ không có tiền để phẫu thuật dứt điểm. Đi huấn luyện mà bị đau như vậy cũng không thể làm được. Thôi thì cứ ra sao thì ra vậy”, Nụ nói.

Nhà vô địch SEA Games Nguyễn Thị Nụ: "Tôi chỉ hy vọng mình không bị liệt suốt đời" ảnh 2... và giờ đang chịu cảnh “phế nhân”

Muốn buông tay trước số phận

Nụ ứa nước mắt chia sẻ tiếp: “Có những lúc em nghĩ hay  xin nghỉ hẳn để tìm công việc nào khác kiếm tiền. Đi bán trà đá chẳng hạn. Nhiều người vẫn động viên em tiếp tục, nhưng em nghĩ cứ thế này, mình không hoàn thành được nhiệm vụ chuyên môn, trước sau gì người ta cũng cho nghỉ thôi”. Với Nụ bây giờ, để kiếm ra mấy chục triệu đồng trang trải cho phẫu thuật là chuyện gần như không tưởng.

Hào quang quá khứ đã ở quá xa, bây giờ Nụ không biết làm thế nào để kêu gọi tài trợ giúp mình chữa bệnh. Đồng lương mà ngành TDTT trả lúc có lúc không, trong khi nhà vẫn phải đi thuê, phương tiện đi lại là “xe ôm” vì chiếc xe máy cà tàng duy nhất của Nụ đã bị trộm mất ngay ở sân nhà. Éo le hơn, nếu chấn thương đầu gối không được can thiệp mà cứ để như vậy, Nụ có thể phải đối mặt với nguy cơ bị liệt. “Cái đầu gối của em coi như vứt đi rồi. Giờ chỉ băng tạm để có thể di chuyển dễ hơn thôi. Em chỉ hy vọng mình không bị liệt suốt đời vì nếu thế thì mọi thứ cũng coi như chấm hết”, Nguyễn Thị Nụ chua xót nói.

Phụ nữ khi đến với thể thao đã là một thiệt thòi lớn. Họ cống hiến những năm tháng tươi đẹp nhất của cuộc đời cho thể thao nước nhà và chắc chắn không bao giờ nghĩ đến chuyện sau những ngày tháng đam mê đó, cái họ nhận về  là những cay đắng, tủi nhục. Song không chỉ có Nguyễn Thị Nụ mà còn rất nhiều VĐV nữ khác đang phải chịu  sự bạc bẽo gieo lên số phận mình.

>> Bài 2: Nữ đô vật Lê Thị Huệ-  Nối lại chiếc “cần gãy” để tiếp tục sống