Lỗi tại cầu thủ ngoại?
(ANTĐ) - Khi HLV Arsene Wenger công khai chỉ trích sự “soi mói” của người đồng hương Michel Platini, huyền thoại của bóng đá Pháp, đương kim Chủ tịch UEFA, thì người ta hiểu rằng, giữa họ có những bất đồng với nhau về quan điểm.
1. Nhìn ở phương diện cá nhân, họ là những cá thể độc lập, chẳng liên quan gì đến nhau và không có lý do để xung đột lợi ích. Tuy nhiên, xét trên cương vị công tác, từ ngày lên nắm quyền điều hành Tổ chức bóng đá lớn nhất châu Âu, Platini, với những ý tưởng đổi thay của mình, đã đôi lúc “chọc giận” tất cả, trong đó có Arsenal của Wenger.
Theo Platini, Arsenal giờ là đội bóng “hợp chủng quốc” nhất nước Anh, thậm chí số 1 châu Âu. Việc ở Emirates luôn có tới 10/11 cầu thủ nước ngoài ra sân ở đội hình xuất phát đã giết chết “bản sắc Anh” của CLB.
Nhìn Arsenal bay cao ở cả Premier League và Champions League mùa này, người ta thấy “thương hại” cho số phận của những người Anh ở Arsenal nói riêng và tuyển Anh đang bên bờ vực thẳm nói chung.
2. Cái điều khiến Wenger và Platini bất đồng đó đang được xem là vấn nạn của Premier League. Cuối tuần rồi, theo con số thống kê, chỉ khoảng 1/3 số cầu thủ ra sân vòng 13 giải Ngoại hạng là người Anh, số còn lại, họ đến từ khắp nơi trên thế giới.
Thực trạng đáng buồn ấy, đứng trong bối cảnh ĐTQG Anh đang gặp muôn vàn khó khăn ở vòng loại Euro 2008, đã khiến những người yêu mến họ phải nhập cuộc.
Hòa vào dòng người lên án làn sóng ngoại nhập gia tăng là đủ mọi thành phần của xã hội. Có Thủ tướng Anh Gordon Brown, Bộ trưởng Thể thao Gerry Sutcliffe, Chủ tịch FIFA Sepp Blatter, HLV Alex Ferguson, và giới cầu thủ với đại diện là Steven Gerrard…
Tất cả đều có chung quan điểm, rằng đã đến lúc phải hạn chế số cầu thủ nước ngoài ở cấp CLB. Vì rằng theo họ, sự gia tăng ồ ạt của “ngoại bang” khiến “nội binh” không có cơ hội thi đấu và phát triển. Các ĐTQG theo đó bị ảnh hưởng tiêu cực. Và hình ảnh xấu của tuyển Anh lúc này được lấy ra làm minh chứng.
3. ở một góc độ nào đó, không thể phủ nhận cái nhìn của họ là đúng đắn. Nếu những người như Blatter, Platini, Ferguson… có cùng một suy nghĩ, thì ắt hẳn nó đáng là điều cần bàn. Rõ ràng, người Anh đang thiếu tự tin trầm trọng ngay trên chính đất nước mình, mảnh đất được ghi nhận là cái nôi của bóng đá thế giới.
Lấy ngay trường hợp Arsenal làm ví dụ. Họ đang chơi quá hay, bằng triết lý tấn công quyến rũ, nhưng lại trên đôi chân của hầu hết ngôi sao nước ngoài. Theo Walcott, một niềm kỳ vọng của nước Anh, vẫn chỉ là tiền đạo dự bị thứ tư trong hàng công 4 người của The Gunners.
Một so sánh khác ở Inter Milan của Serie A. Đội bóng 28 người của Mancini chỉ có đúng 4 người mang quốc tịch Italia. Còn đội hình xuất phát, chỉ Materazzi là có tên.
Nhưng hiện anh đang chấn thương và người Italia bị xóa sổ trong danh sách thường xuyên ra sân. Thử hỏi, Inter có xứng đáng là một nhà ĐKVĐ Italia? Và phải chăng đó cũng chính là một phần nguyên do dẫn đến sự bất trắc của Azzurri ở vòng loại Euro 2008?
4. Sự tràn lan của cầu thủ nước ngoài là một thách thức. Nhưng nó không thể là cái cớ để người Anh, hay người Italia, nếu vắng mặt ở áo và Thụy Sĩ mùa hè tới, lấy làm lá chắn trước búa rìu dư luận.
Trong tiến trình toàn cầu hóa mang tính tất yếu của xã hội, sự ra đời của Cộng đồng châu Âu (EC), rồi kế đó là Nghị viện châu Âu với mong muốn xóa bỏ biên giới quốc gia chính là chất xúc tác cho sự giao thoa giữa các nền văn hóa, thể thao. Giờ đây, nước Anh không thể nói Fabregas chỉ là người Tây Ban Nha.
Bởi tiền vệ này mang “quốc tịch EU” mà Anh, cũng như Tây Ban Nha là một phần trong đó. Blatter và Platini, những nhà quản lý bóng đá cấp cao, thừa hiểu nhân tố chính trị ấy. Và họ biết, đó là lý do tại sao các giải của FIFA và UEFA cấp đội tuyển Quốc gia đang mất dần đi sự hấp dẫn. Bởi thế, chuyện cắt giảm cầu thủ nước ngoài cũng như chuyện thỏa hiệp giữa FIFA, UEFA và G14 đã nói lên điều đó.
Vậy thì người Anh, tốt nhất là hãy tự nhìn lại chính mình. Phải chăng họ đang có một hệ thống đào tạo tuyến trẻ không tốt, để rồi lớp kế cận cho những Owen, Rooney… đã không chứng tỏ được tài năng ở cấp CLB?
Phải chăng họ đang quản lý kém khâu đào tạo và tuyển chọn HLV, dẫn đến ngay bản thân các CLB Premier League cũng chẳng muốn có sự phục vụ của các ông thầy nội? Và phải chăng cơ quan điều hành cao nhất của bóng đá Anh (FA) đang bị thao túng bởi một đội ngũ lãnh đạo tồi?
Huy Nam