Lãnh đạo VFF công khai tình trạng nội bộ mất đoàn kết

ANTD.VN - Từng phát biểu "VFF không mất đoàn kết mà chỉ phản biện" nhưng mới đây, Phó Chủ tịch truyền thông Nguyễn Xuân Gụ đã tung hê nhiều chuyện lục đục trong nội bộ Thường trực Liên đoàn.

Trong những ngày ít ỏi còn lại của nhiệm kỳ VII, người ta liên tục thấy các thành viên Thường trực Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đấu tố nhau trên mặt báo.

Phát biểu gay gắt nhất là Ủy viên Thường trực, Phó Chủ tịch tài chính Đoàn Nguyên Đức. Ông Đức tố một ủy viên thường trực khác là Trần Anh Tú quá tham lam khi đã ngồi 7 ghế trong làng bóng rồi vẫn còn muốn "ôm" ghế Phó Chủ tịch tài chính VFF khóa tới. Rồi ông Đức tố cả chuyện bị nhóm lợi ích âm mưu gạt mình ra khỏi danh sách đề cử nhân sự, dù ông này được các tổ chức thành viên đề cử. 

Lãnh đạo VFF từ chỗ "bằng mặt không bằng lòng" chuyển sang chỉ trích nhau công khai trong những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ VII

Cao trào là việc ông chủ HAGL tuyên bố sẵn sàng bỏ V-League vì không thể chấp nhận cảnh giải đấu bị thâu tóm bởi một cá nhân và làng bóng bị lũng đoạn bởi một nhóm lợi ích.

Sau "phát súng" của bầu Đức, Phó Chủ tịch truyền thông VFF Nguyễn Xuân Gụ mới đây tiếp tục đăng đàn cho biết, ông và bầu Đức bị cô lập ngay trong chính Thường trực VFF.

Từ chuyện cũ là việc trả lương cho HLV đội tuyển quốc gia bao nhiêu nhưng bầu Đức là Phó Chủ tịch tài chính không được biết, tiếp ngoại giao một số đoàn quốc tế tới VFF nhưng ông Gụ là Phó Chủ tịch mảng đối ngoại cũng không hay... Cho tới chuyện mới như việc VFF cử ông Trần Anh Tú đại diện cho cổ đông VFF sang làm Chủ tịch Công ty VPF, hay bổ sung tiêu chí ứng viên chủ chốt VFF khóa VIII phải có bằng đại học và gần nhất là thông báo tiếp nhận thêm đề cử nhân sự, cả ông Gụ và bầu Đức đều không được thông báo dù là 2 trong 5 ủy viên thường trực VFF đương nhiệm.

Có ý kiến cho rằng ông Trần Anh Tú "nói không đi đôi với làm"

Ba ủy viên còn lại là Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Trần Quốc Tuấn và Trưởng ban futsal Trần Anh Tú. Trong số này, ông Tú là "nhân vật chính" trong sơ-ri chỉ trích mới đây của bầu Đức, còn ông Dũng và ông Tuấn từng bị Chủ tịch CLB SLNA đồng thời là Ủy viên ban chấp hành VFF - Nguyễn Hồng Thanh tố cáo lạm quyền qua phát ngôn: "VFF đang hoạt động như công ty TNHH hai thành viên".

Ông Trần Anh Tú sau khi hứng chỉ trích của bầu Đức đã có một câu nói rất bóng bẩy, rằng: "Bóng đá chỉ nên là phép cộng của những bàn tay đóng góp chứ không nên là phép trừ từ những khác biệt quan điểm của những người cùng mục đích".

Thế nhưng ngay lập tức có ý kiến phản biện Chủ tịch VPF này, rằng: "Tại sao ông không mời gọi những "bàn tay khác" tham gia cùng đóng góp mà một mình ôm tới 7 ghế trong làng bóng và nay còn muốn ngồi vào ghế Phó Chủ tịch tài chính VFF!?". Còn bầu Đức không ngần ngại "bóc mẽ" người đồng cấp rằng việc ông Tú tranh cử Phó Chủ tịch tài chính VFF là cách duy nhất để có thể tiếp tục đại diện cho cổ đông VFF, ngồi ghế lãnh đạo Công ty VPF - đơn vị tổ chức các giải chuyên nghiệp quốc gia.

Nội bộ VFF lục đục, không cùng nhìn về một hướng thì bóng đá Việt Nam sao cất cánh nổi

Thường trực được ví như bộ não của VFF, thế nhưng các ủy viên lại không cùng nhìn về một hướng, thậm chí còn chơi chiêu để cô lập, chỉ trích làm giảm uy tín của nhau với mức độ ngày càng gay gắt, công khai ở giai đoạn kết thúc nhiệm kỳ VII và chuẩn bị bầu bán nhiệm kỳ VIII.

Điều đó cũng lý giải, tại sao rất nhiều người tài đam mê bóng đá, có tiềm lực kinh tế, đủ khả năng tập hợp nguồn lực xã hội để đưa bóng đá Việt Nam cất cánh nhưng hoặc không muốn "nhảy" vào VFF, bởi không muốn bị trở thành nạn nhân của những "đòn bẩn", đấu đá tranh giành quyền lợi.

Cũng bởi vậy mà nhiều nhiệm kỳ qua, ứng viên lãnh đạo VFF quanh đi quẩn lại vẫn là những cái tên cũ kỹ, thậm chí có người từng bị cách chức vì sai lầm ở nhiệm kỳ cũ sau một thời gian lại được mời ra lãnh đạo nhiệm kỳ mới và sau đó trúng cử nhờ những lá phiếu từ phe nhóm cùng lợi ích.

"VFF có đoàn kết đâu mà mất"

Tại cuộc họp ban chấp hành VFF khóa III cuối năm 2000 để quy trách nhiệm sau hàng loạt vụ lùm xùm liên quan tới tổ chức này, Phó Chủ tịch VFF Trần Thu Đông phát biểu: "Nguyên nhân sâu xa là do mất đoàn kết nội bộ", rồi ông Đông nhìn sang phía 2 người đồng cấp là Ngô Tử Hà và Lê Thế Thọ. Thấy vậy, ông Hà thanh minh rằng, ông đâu có mâu thuẫn gì với ông Thọ. Phó Tổng Thư ký Trần Văn Mui ngồi kế bên tiếp lời: “Tôi thấy ông Hà nói đúng. Ông Thọ và ông Hà có đoàn kết bao giờ đâu mà mất!”.

Chuyện mất đoàn kết ở VFF từng bị chính người trong cuộc phơi bày cách đây gần 2 thập niên song đến nay vẫn không có thêm tín hiệu tích cực nào. Thậm chí còn ở mức độ nghiêm trọng hơn mà cuộc đấu tố trong nội bộ Thường trực VFF khóa VII là minh chứng sinh động.