Ký ức trận bóng “Bắc - Nam sum họp một nhà”

ANTĐ - 7-11-1976 là ngày lịch sử với bóng đá Việt Nam khi trận đấu đầu tiên sau ngày thống nhất đất nước giữa đại diện 2 miền Nam Bắc là Tổng cục Đường sắt và Cảng Sài Gòn diễn ra trên sân Thống Nhất. Một trận đấu đẹp không chỉ bởi nhiều pha bóng kỹ thuật mà còn đẹp trong ký ức những chứng nhân.

Ký ức trận bóng “Bắc - Nam sum họp một nhà” ảnh 1Cuộc hội ngộ bóng đá 2 miền Nam Bắc trên sân Thống Nhất ngày 7-11-1976 (Ảnh Tư liệu)

2 vạn khán giả đến chật sân

Cuộc chạm trán đầu tiên của bóng đá 2 miền Nam - Bắc diễn ra hơn một năm sau ngày đất nước thống nhất trong sự háo hức, tò mò của người dân Sài Gòn lẫn giới truyền thông. Các đài báo phản động nước ngoài đua nhau xuyên tạc rằng trận đấu sẽ là cuộc “tắm máu” nhưng thực tế diễn ra sau đó lại như một bản tình ca đẹp trên mảnh đất còn ngổn ngang dấu tích chiến tranh. Tiền vệ Mai Đức Chung – người góp mặt trong trận cầu lịch sử năm đó và hiện là Trưởng phòng Các ĐTQG LĐBĐ Việt Nam, kể lại: “Tâm trạng anh em cầu thủ Tổng cục Đường sắt lúc đó rất háo hức vì lần đầu được vào Nam thi đấu. Cảm nhận đầu tiên khi đội vừa từ chiếc máy bay số hiệu IL16 đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất là sự nồng nhiệt khi cầu thủ các đội bóng phía Nam ra tận sân bay đón tiếp, thăm hỏi rất thịnh tình”.

Theo lời kể của ông Chung, ở buổi tập đầu tiên làm quen sân Thống Nhất của “đội khách” Tổng cục Đường sắt, người dân Sài Gòn đứng vây kín phía cổng vào sân và ngồi chật như nêm trên khán đài. Những cánh tay cố vươn ra khỏi hàng rào ngăn của lực lượng an ninh để được bắt tay, vỗ vai và “soi” chân cẳng các cầu thủ miền Bắc.

Sức nóng của trận bóng lịch sử lên tới đỉnh điểm ở ngày thi đấu chính thức, 7-11-1976. Cựu Chủ tịch LĐBĐ TP.HCM Trần Duy Long - người khi đó là HLV dẫn đội Tổng cục Đường sắt vào Nam du đấu, miêu tả lại: “19h30 bóng mới lăn nhưng từ 12h trưa, sân Thống Nhất với sức chứa hơn 2 vạn chỗ đã chật kín và tới khoảng 4h chiều thì khán giả đã tràn xuống cả đường pitse. Hàng ngàn người không thể vào sân xúm lại quanh chiếc radio một quán giải khát gần đó, háo hức và phấn khích như thể đang tận hưởng cái không khí nóng bỏng trong sân. Tiếng reo hò bên ngoài qua chiếc radio hòa với tiếng vỗ tay vang trời của hơn 2 vạn khán giả may mắn được vào sân. Dưới ánh đèn cao áp, cầu thủ 2 đội dẫn tay nhau đi từ đường hầm lên trong tiếng vỗ tay vang trời của khán giả, xen lẫn tiếng hát nhộn nhịp theo lời bài hát “Như có Bác trong ngày vui đại thắng” được phát ra từ chiếc loa phóng thanh và những giọt nước mắt lăn dài vì hạnh phúc của khán giả khi lần đầu chứng kiến ngày hội bóng đá 2 miền”.

Ký ức trận bóng “Bắc - Nam sum họp một nhà” ảnh 2Các cựu cầu thủ Tổng cục Đường sắt và Cảng Sài Gòn tái ngộ trong trận 
giao hữu 40 năm sau cũng trên sân Thống Nhất

…chỉ có những cái ôm thật chặt!

Thi đấu trước hơn 2 vạn khán giả không phải điều lạ lẫm với những cầu thủ Tổng cục Đường sắt bởi trước đó, cả đội đã từng sang Trung Quốc, Triều Tiên, Ba Lan đấu giao hữu ở những sân chứa gần 10 vạn khán giả, hoặc những trận đấu với Công an Hà Nội hay giải Các nước xã hội chủ nghĩa (SKDA) trên sân Hàng Đẫy có sức chứa không dưới 2 vạn. “Nhưng trận đấu trên sân Thống Nhất mang tới cho các thành viên trong đội cảm giác lâng lâng khó tả vì niềm vinh dự trong trận cầu lịch sử ấy quá lớn. Dày dạn thế mà khi dẫn nhau ra sân, ai cũng mắt đỏ hoe vì xúc động. Đến nay, tôi vẫn không thể quên được giây phút lịch sử ấy, khi trọng tài Hồ Thiệu Quang nổi hồi còi khai cuộc…”, ông Mai Đức Chung bồi hồi.

Trận đấu kết thúc với tỷ số 2-0 nghiêng về đại diện của miền Bắc. Tiền vệ Mai Đức Chung sau khi nhận đường tạt bóng của tiền đạo Minh Điểm đã đánh đầu cận thành mở tỷ số ở phút 28 và tới phút 54, tiền vệ Lê Thụy Hải sút xa từ khoảng cách 30m ấn định chiến thắng 2-0 cho Tổng cục Đường sắt.

“Cảm giác lúc đó không đơn thuần là thi đấu bóng đá mà như sống giữa ngày hội sum họp nên chẳng ai quá quan tâm tới chuyện thắng-thua mà chỉ thấy sung sướng. Tôi còn nhớ sau trận, phải mất 1 tiếng đồng hồ đội bóng mới rời khỏi sân vì đồng bào miền Nam vây kín nắm tay, vỗ vai hỏi han thân tình và ngợi khen: “Mấy chú cầu thủ ngoài Bắc trẻ vầy mà đá bóng giỏi quá ha!”. Không hề thấy trận đấu “tắm máu” nào như lời xuyên tạc mà chỉ có những cái bắt tay, cái ôm thật chặt của cầu thủ 2 đội dành cho nhau”, cựu HLV Trần Duy Long nhớ lại. Trận đấu bóng đá đầu tiên giữa 2 miền Nam Bắc kết thúc trong hạnh phúc và niềm xúc động bởi cái tình giữa những cầu thủ, giữa cầu thủ với bà con miền Nam trong ngày sum họp.

 “Thấy nhau còn khỏe là vui rồi…”

Gần 40 năm sau trận đấu lịch sử giữa đại diện 2 miền Nam Bắc ấy, các danh thủ Tổng cục Đường sắt như Mai Đức Chung, Lê Thụy Hải... lại tay bắt mặt mừng, thi đấu giao lưu với các cầu thủ Cảng Sài Gòn của đội bóng 40 năm về trước như Tư Lê, Nguyễn Văn Ngôn, Dương Văn Thà, Lưu Kim Hoàng… tại festival bóng đá cựu cầu thủ 3 miền do Liên chi hội Cựu cầu thủ bóng đá Việt Nam tổ chức hôm 14-4 vừa qua, cũng trên sân Thống Nhất. Có mặt và xỏ giày vào sân ở trận đấu chào mừng 40 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cựu tiền vệ Tổng cục Đường sắt Mai Đức Chung tâm sự: “Nhiều người tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng vẫn không thể nào quên cảm giác hạnh phúc, tự hào khi góp mặt trong trận đấu lịch sử gần 40 năm về trước. Anh em cựu cầu thủ giờ còn được gặp gỡ, thấy nhau vẫn còn khỏe, còn minh mẫn là vui rồi”. Sau những trận đấu giao hữu thấm đẫm tình cảm đôi miền Nam Bắc, các cựu cầu thủ lại cùng nhau hàn huyên, nhớ về các đồng đội không may đã nằm xuống, nhớ những kỷ niệm đẹp một thời hào hùng. Và thật ý nghĩa khi tất cả đều có chung một tấm lòng, một nghĩa cử là làm sao để các mảnh đời sau nghiệp bóng đá bớt cơ cực…  

“Không thể quên tình đồng bào miền Nam”

Giao hữu với đội Cảng Sài Gòn ngày 7-11-1976 là trận đầu tiên trong chuyến du dấu các tỉnh miền Nam của đại diện bóng đá miền Bắc – Tổng cục Đường sắt, sau ngày đất nước thống nhất. Kế đó, thầy trò HLV Trần Duy Long tiếp tục giao hữu và thắng Tây Ninh 2-0, thắng Đồng Tháp 2-0, thắng Cần Thơ 3-1 và trở lại Sài Gòn đá với Hải quan thua 1-2. Kỷ niệm mà cựu tiền vệ Tổng cục Đường sắt Mai Đức Chung nhớ mãi là khi đội đi xuống Đồng Tháp: “Khán giả đến đông tới mức tràn cả vào sân, lực lượng làm trật tự khi đó phải dùng cây tre có cành gai xung quanh xua để đám đông đứng lùi khỏi vạch vôi, đảm bảo trận đấu không bị ảnh hưởng”. Còn trong ký ức của mình, HLV Trần Duy Long ấn tượng nhất là tình cảm đồng bào Nam bộ dành cho đoàn: “Đội du đấu qua mấy tỉnh miền Tây Nam bộ, dọc đường đi, các má (mẹ) bán hàng rong chạy tới dúi cho cầu thủ trong đoàn, nào là mía, bánh ướt, măng cụt… Cảm giác bà con dành cho đoàn như đón người con ở phương xa về vậy. Cảm động và hạnh phúc lắm! Rồi không thể nào quên cái cảm giác được nhà bếp các tỉnh tiếp món ăn đặc trưng như canh chua, cá lóc kho tộ… ăn rất ngon miệng, ăn mãi không chán và nhớ cái mùi vị ấm tình đồng bào cho đến tận bây giờ”.