Kiếm tiền từ bóng đá tử tế

ANTD.VN - Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai vừa nối dài danh sách nhận tài trợ với bản hợp đồng trị giá 50 tỷ đồng trong 2 năm từ một nhãn hàng sữa.

Thương hiệu lò đào tạo HAGL Arsenal JMG với lứa học viên xuất sắc khóa 1 và 2 đã thành danh như Công Phượng, Văn Toàn, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Hậu… liên tục mang về những bản hợp đồng tài trợ giá trị giúp đội bóng phố Núi có thể “sống khỏe” tại V-League.

Kiếm tiền từ bóng đá tử tế ảnh 1Những sản phẩm của bóng đá tử tế như Công Phượng, Tuấn Anh… hút khán giả và tài trợ về cho HAGL. Ảnh: BẢO LÂM

Lấy bóng đá nuôi bóng đá

10 năm trước, khi “bầu” Đức (Chủ tịch Tập đoàn HAGL Đoàn Nguyên Đức) bỏ hàng nghìn tỷ đồng xây Học viện bóng đá liên kết với CLB Arsenal đã có nhiều ánh mắt hoài nghi. Bởi việc đào tạo những đứa trẻ 10-11 tuổi phải mất cả chục năm mới có thể “thu hoạch” được, trong khi với số tiền đó các đội bóng khác sẽ dùng để mua cầu thủ và gặt hái ngay thành tích.

Thế nhưng bây giờ, khi các doanh nghiệp với cách làm “ăn xổi” lần lượt “tháo chạy” khỏi bóng đá khiến nhiều đội bóng điêu đứng lo “chạy ăn từng bữa” thì HAGL của “bầu” Đức vẫn “sống khỏe” bằng nguồn tiền kiếm từ bóng đá.

Năm 2014, lứa học viên khóa 1 Học viện HAGL Arsenal JMG vừa ra trường đã tạo cơn sốt trong màu áo U19 Việt Nam và một năm sau đó là cơn sốt vé chưa từng có tại các sân cỏ V-League. Hiệu ứng hình ảnh và sức lan tỏa của những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… trở thành thỏi nam châm hút các nhà tài trợ về với HAGL. 

Hết hợp đồng tài trợ 15 tỷ đồng/mùa giải với một doanh nghiệp sữa, HAGL lại nhận được lời đề nghị tài trợ 50 tỷ đồng/2 mùa từ một doanh nghiệp sữa khác. Nhà tài trợ mới chia sẻ rằng lý do họ tìm đến HAGL bởi đây là đội bóng tôn sùng lối chơi đẹp, làm bóng đá tử tế và duy trì tôn chỉ bóng đá này là yêu cầu họ đặt ra với HAGL chứ không phải yếu tố thành tích vẫn thường thấy ở các hợp đồng bóng đá. 

Số tiền này giúp HAGL tái đầu tư cho hoạt động bóng đá chuyên nghiệp, tổ chức các chuyến tập huấn quốc tế chất lượng cho cầu thủ trẻ. Chưa kể với các khoản thu khác như tiền quảng cáo, bán vé, bản quyền truyền hình… đội bóng phố Núi hoàn toàn có thể thu lãi khi mùa giải kết thúc. Đây là giấc mơ của các đội bóng còn lại ở V-League.

Dạy cầu thủ làm người tử tế

HAGL đề ra mục đích rất rõ ràng trong đào tạo trẻ, đó là nếu muốn trở thành một cầu thủ tài năng thì điều đầu tiên là phải học hành tử tế, học không những để hình thành đạo đức, văn hóa trên sân cỏ mà còn trong sinh hoạt đời thường. Hình ảnh những học viên HAGL Arsenal JMG sáng ra sân tập, chiều cắp sách tới trường học văn hóa và tối lại tranh thủ học thêm ngoại ngữ khiến tất cả đều yêu mến và nể phục. 

Các học viên phố Núi rời học viện đều có bằng khá trở lên, nhiều người có thể tự tin một mình ra nước ngoài tập huấn, thi đấu mà không cần người phiên dịch của CLB theo kèm. Trên sân cỏ, lối chơi kỹ thuật, cống hiến và đặc biệt không đá láo, đá xấu, hành xử có văn hóa với đồng nghiệp của Công Phượng cùng đồng đội dễ dàng chinh phục khán giả.

Hình ảnh các cổ động viên Bình Dương thi nhau cổ vũ đội khách HAGL dù “đối thủ” này đánh bại đội nhà 1-0 ở vòng 6 đã minh chứng: Bóng đá đẹp, bóng đá tử tế luôn được yêu mến, có chỗ đứng vững chắc trong bóng đá. Và HAGL là đội bóng hiếm hoi ở V-League đang sở hữu tài sản vô giá đó.