Champions League 2007-2008:
Kịch bản nhàm chán
(ANTĐ) - Trong cái năm mà sương mù nước Anh bao phủ lên toàn châu Âu, không ít người đã đợi chờ vào chiến thắng cho Barca ở trận bán kết nhằm cứu rỗi một châu Âu già cỗi ra khỏi cuộc chơi nhàm chán của những người Anh…
Nhưng tiếc thay, Barca chỉ còn là cái bóng của chính họ nên cái kết cục tốt đẹp ấy đã không diễn ra. Thời cuộc đã đổi để tạo ra một kịch bản nhàm chán. Cũng chẳng ai trách Barcelona, bởi 1 năm trước đây thôi, Milan đã thanh toán món nợ sòng phẳng với Liverpool ở đấu trường này.
Mùa hè ấy, cũng chính MU bị một Milan chậm chạp và tan nát vì calciopoli loại bỏ. Nhưng giờ khi MU chơi như những kẻ đến từ hành tinh khác thì tất cả đối thủ của họ chỉ còn cách nhìn Quỷ đỏ đi tiếp trong sự bất lực.
Trận chung kết trong mơ của người Anh nói lên điều gì? Phải chăng châu Âu đã suy yếu đến tàn tạ? Lần đầu tiên trong lịch sử trận chung kết là câu chuyện của nội bộ những người Anh. Không ai mong cái kết nhạt nhòa ấy trở thành hiện thực.
Bởi trong đêm chung kết ở Luzhniki, M.U và Chelsea dù rất xứng đáng dự trận đấu cuối cùng Champions League 2007-2008, dù đã cố gắng tạo ra một trận cầu hấp dẫn và kịch tính, song nó cũng không thoát ra khỏi kịch bản của những cuộc đối đầu giữa họ ở giải Ngoại hạng. Đã không có sự xung đột giữa các nền văn hóa bóng đá.
Sự nhàm chán ấy đã lên đến đỉnh điểm khi kẻ chiến thắng vẫn là M.U. Vì lẽ, không ít người đã kỳ vọng vào sự đăng quang của Chelsea. Họ cho rằng, Moscow được sắp đặt như một định mệnh để Chelsea tiến một bước dài đến vinh quang châu Âu.
Nhìn lại chặng đường mà The Blues tiến đến Moscow, ông chủ Abramovich đã phải chi ra số tiền lên tới hơn 800 triệu euro. Thế nhưng, núi tiền của nhà tỷ phú Nga kia có thể mua mọi cầu thủ mà ông ta muốn, song đẳng cấp và kinh nghiệm thì không...
Từ đó, người ta lại nhận ra một nghịch lý nữa: Champions League là sân chơi của các triệu phú, nó không dành cho số đông. Tất nhiên người giàu thì nụ cười không phải lúc nào cũng thường trực trên môi!
Champions League không dành cho đại chúng. Không biết bao giờ châu Âu mới được chứng kiến những cuộc gặp gỡ lạ lùng nhưng thi vị nhất trong lịch sử kiểu như Porto - Monaco năm 2004.
Không còn sự thú vị như trận Porto - Monaco 2004 |
Có lẽ lâu đấy, vì giờ là kỷ nguyên của những đại gia thực sự khi khoảng cách giữa các nền bóng đá cấp CLB cứ dần một lớn lên. Biết thế song UEFA bất lực. Họ đẩy trách nhiệm lên FIFA. Và tổ chức lớn nhất của làng bóng đá thế giới đã làm được những gì ngoài “công thức 6+5” vẫn còn đang gây tranh cãi của ngài Sepp Blatter?
Đội hình thi đấu của MU trong đêm chung kết ở Moscow có tới 6 người mang dòng máu Ăng – lê chính thống. Có lẽ, đây chính là chiếc phao cứu sinh cho Sepp Blatter ở Hội nghị thường niên FIFA nhóm họp vào tuần tới. Có điều, ngoài tất cả những khó khăn bên lề khác, FIFA không dễ thuyết phục EU thay đổi luật lệ.
Những xung khắc giữa EU và FIFA thể hiện ở điểm: Trong khi EU đang đẩy nhanh công cuộc nhất thể hóa châu Âu và một trong những việc làm cần thiết nhất là phá bỏ biên giới quốc gia, tháo gỡ hàng rào cản trở tự do lao động, thì FIFA lại muốn hạn chế số cầu thủ nước ngoài xuất phát trong đội hình chính thức của một CLB ở con số 5.
Không có sự tương đồng hay chia sẻ giữa FIFA và EU trong trường hợp này. Và còn nữa, EU hẳn không muốn FIFA can thiệp quá sâu vào những vấn đề mang tính chính trị trên đại lục của họ.
Chính vì thế mà người ta đã cho rằng tham vọng đưa bóng đá trở lại “thời kỳ nguyên thủy” với nét đẹp từ sự công bằng và xã hội hóa sâu rộng của Sepp Blatter chỉ là một ý tưởng siêu thực. Nó không có “cơ sở thực tiễn” và gần như “không thể thực hiện được”.
Sỹ Đoan