Khởi tranh V-League 2008: Những gam màu nhạt
(ANTĐ) - Chiều 6-1, trên khắp sân cỏ cả nước sẽ lại sôi động trở lại sau gần 4 tháng “nghỉ đông”. Sân chơi V-League 2008 sẽ mở màn bằng 7 trận đấu của vòng đầu tiên. So với mọi năm, kỳ nghỉ hết mùa năm qua có vẻ như ngắn ngủi và cuộc đua tranh trong việc chuẩn bị lực lượng cũng diễn ra âm thầm hơn rất nhiều. Và nhất là sau nỗi buồn của bóng đá Việt Nam ở đấu trường SEA Games 24 vừa qua, chắc chắn bức tranh bóng đá nội sẽ không còn tươi sáng như trước, và nếu nó có “nhàn nhạt” âu cũng là điều dễ hiểu...
Không tranh giành quyết liệt về nhân lực
Mùa giải 2008 với sự góp mặt của 14 đội bóng sẽ hứa hẹn những cuộc đua tranh khốc liệt hơn. Nhưng dường như sự chuẩn bị về lực lượng của các đội bóng không sôi nổi như mọi năm. Lực lượng các đội bóng không có nhiều sự thay đổi đáng kể nào về nội binh, càng không có những vụ chuyển nhượng “ầm ĩ” lên tới tiền tỉ như trường hợp của thủ môn Dương Hồng Sơn từ TCDK.SLNA về T&T Hà Nội; hay Hữu Thắng của B.Bình Dương “cập bến” mới V.Ninh Bình.
Những cuộc hoán đổi chỉ diễn ra trong vài CLB với những gương mặt không mấy tên tuổi. Sự chiêu binh mãi mã hàng ngoại năm nay lại chạy quanh cái vòng luẩn quẩn. Hàng hết “đát” của CLB này lại trở thành nhân tố “tiềm năng” ở CLB khác. Chẳng hạn như, Abbey mùa trước ở B.Bình Dương giờ về đầu quân cho K.Khánh Hòa; De Jesus, Helio của TMN.CSG cập bến XM.Hải Phòng; trong khi TMN.CSG lại “nhập” về Aniekan của P.Bình Định và Trindade của Tiền Giang.
Amaobi thất sủng ở B.Bình Dương chạy sang SHB.Đà Nẵng; Opara của H.Huế đầu quân cho TCDK.SLNA. Chỉ một số rất ít những gương mặt mới như Leandro, Fabiano của CLB Matsubasa được XM.Hải Phòng tuyển chọn; Cruz Luiz cùng Jose Brito đến P.Bình Định; Philip Oroko, Kone Moussa về ĐPM.Nam Định. Hàng Thái cũng đã hết thời mà nhường chỗ cho những cầu thủ đến từ Nam Mỹ. Được trong dụng nhất vẫn là các cầu thủ người Brazil với 40/70 ngoại binh đăng ký ở mùa giải này.
Các đội thiếu tham vọng
Nếu như cứ nhìn vào chỉ tiêu mà các CLB tham dự V.League năm nay phấn đấu thì thấy được sự “xuống cấp” của sân chơi đỉnh cao nhất trong nước. Có tới 14 CLB đua tranh, nhưng thực tế chỉ có 3 đội bóng dám đề ra tham vọng đoạt chức vô địch là HAGL, ĐT.LA và ĐKVĐ B.Bình Dương.
Mà đúng thật, trong vòng 5 mùa giải trước thì 3 đội bóng này thay phiên nhau đoạt Cúp vô địch: HAGL đăng quang hai mùa 2003 - 2004, ĐT.LA đoạt cú đúp 2005 - 2006, B.Bình Dương về đích sớm nhất trước 4 vòng đấu mùa giải 2007. Và theo lẽ tự nhiên, đồng thời xét trên khát vọng cũng như sự chuẩn bị về lực lượng, tiềm lực tài chính cùng tài năng của HLV xuất sắc nhất mùa giải 2007 Lê Thụy Hải, B.Bình Dương hứa hẹn sẽ là CLB thứ ba hai lần liên tiếp đoạt ngôi cao nhất giải.
Buồn nhất và đáng thất vọng nhất là những CLB của miền Bắc. Tính từ Nghệ An trở ra, miền Bắc đóng góp tới 7 đội bóng ở V-League nhưng không một CLB nào đưa ra những tuyên bố hùng hồn chiếm ngôi vô địch. HP.Hà Nội, XM.Hải Phòng, Thể Công, HN.ACB, H.Thanh Hóa đặt mục tiêu chính của mùa vẫn chỉ là… trụ hạng thành công.
Thực tế nhiều mùa giải qua những đội bóng này cũng thi đấu bết bát và luôn ngấp nghé bên bờ vực xuống hạng hay đi dự trận play-off. Hai “đàn anh” khá hơn là ĐPM.Nam Định và TCDK.SLNA có chút tiềm lực từ dàn quân nội cũng chẳng khát khao gì cái ngôi vô địch cả mà chỉ thích “hạ cánh” cuối mùa giải ở vị trí “thường thường bậc trung”.
Thế đấy, một giải đấu có 14 đội đua tranh mà tới 11 đội không ham hố cạnh tranh ngôi cao nhất thì thử hỏi, chất lượng của giải đấu sẽ ra sao. Buồn thay cho bóng đá nội khi những suy nghĩ cũ và những toan tính “nhỏ mọn” tự hạ thấp mình và đó cũng là lý do khiến bóng đá Việt Nam không thể “cất cánh” được.
Phương Anh