Khi "nhà giàu" tiết kiệm

(ANTĐ) - Cuối tuần này, sân cỏ Anh sẽ đón chào mùa giải Ngoại hạng mới. Sẽ là cuộc đua hứa hẹn căng thẳng, quyết liệt hơn màn rượt đuổi giữa Manchester United và Liverpool năm ngoái khi giờ đây, Chelsea cũng háo hức hy vọng cùng tân HLV Carlo Ancelotti. Nhưng hiện tại, trước khi bóng lăn, hình ảnh chung của Premier League đang là “thắt lưng buộc bụng”.

Premier League:

Khi "nhà giàu" tiết kiệm

(ANTĐ) - Cuối tuần này, sân cỏ Anh sẽ đón chào mùa giải Ngoại hạng mới. Sẽ là cuộc đua hứa hẹn căng thẳng, quyết liệt hơn màn rượt đuổi giữa Manchester United và Liverpool năm ngoái khi giờ đây, Chelsea cũng háo hức hy vọng cùng tân HLV Carlo Ancelotti. Nhưng hiện tại, trước khi bóng lăn, hình ảnh chung của Premier League đang là “thắt lưng buộc bụng”.

Manchester United - một biểu hiện “tiết kiệm” của Premier League thời khủng hoảng
Manchester United - một biểu hiện “tiết kiệm” của Premier League thời khủng hoảng

Lần đầu tiên trong 5 năm gần đây, vị thế trung tâm shopping của bóng đá châu Âu không còn thuộc về các CLB xứ sương mù. Mùa Hè này là câu chuyện của Real Madrid, của La Liga với những hợp đồng “khủng”. Trong khi đó, Premier League không còn là thiên đường cho ngoại binh nữa mà thậm chí phải nói lời chia tay với nhiều ngôi sao như Cristiano Ronaldo và Xabi Alonso (đều tìm đến Bernabeu).

So với các giải khác, nguồn thu của Premier League vẫn rất ổn định. Họ có một hợp đồng bản quyền truyền hình hậu hĩnh vừa ký lại hồi đầu năm. Khán giả vẫn háo hức lấp đầy các sân và những chuyến du đấu hè vừa qua cho thấy các “thương hiệu” Manchester United, Chelsea, Liverpool... vẫn rất đắt hàng trên khắp thế giới. Thế nhưng hậu quả từ chính sách tuyển mộ ồ ạt trước đây là một bảng lương ngất ngưởng đã vượt con số 1 tỷ bảng. Chi phí nhiều trong khi nguồn đầu tư đang bị thắt chặt bởi khủng hoảng (điển hình là các ngân hàng không còn hào hứng cho vay nợ), thì tiết kiệm là hành động cần thiết cho Premier League tránh nguy cơ sụp đổ tài chính hệ thống như đã xảy ra với Serie A.

Alan Switzer, một nhà phân tích của Nhóm kinh doanh bóng đá thuộc hãng kiểm toán Deloitte nhận xét: “Chi tiêu thực tế của Premier League năm nay thấp hơn nhiều so với những năm trước”. Theo Switzer, các CLB đang vật lộn với khoản nợ khổng lồ ngày càng “nóng” hơn thời khủng hoảng. Một điển hình là ĐKVĐ Manchester United. Mùa giải 2007-2008 cho dù rất thành công trên sân cỏ song Red Football Joint Venture, công ty mẹ của Quỷ đỏ, vẫn lỗ trước thuế tới 44,8 triệu bảng mà chủ yếu vì phải trả một khoản tiền lãi lớn cho hơn 600 triệu bảng mà gia đình tỷ phú Mỹ Malcolm Glazer vay mượn để thôn tính Old Trafford năm 2005. Mùa giải năm ngoái cũng hứa hẹn lỗ tiếp cho Manchester United. Chính vì thế dù bán Ronaldo được 80 triệu bảng, Sir Alex Ferguson chỉ “rón rén” tiêu 17 triệu bảng cho tiền vệ cánh Antonio Valencia từ Wigan, hợp đồng đáng kể nhất của Manchester United mùa Hè này.

Tương tự, Liverpool, Chelsea cũng như Arsenal đều “nhún nhường” trong những thương vụ. Nổi bật nhất Premier League chỉ là Manchester City, được hỗ trợ tài chính từ các ông chủ Arab vốn không chịu nhiều ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng. Mùa Hè này, họ đã chi 95 triệu bảng cho 5 tân binh nhưng buồn cho Manchester City là họ chưa đủ danh tiếng để đem về các tên tuổi lớn thực sự.

Tiết kiệm hơn song không có nghĩa là Premier League sẽ kém sôi động. Thậm chí, nó đang báo hiệu một mùa giải mà độ cạnh tranh sẽ quyết liệt hơn nhiều khi trật tự “tứ đại gia” quen thuộc phải chịu sức ép từ “gã nhà giàu” mới Manchester City. Ngày mai, câu chuyện sẽ bắt đầu...

 Minh Minh