Hồi kết cho một câu chuyện đẹp
(ANTĐ) - Trái bóng Europass đã ngừng lăn. Chiếc cúp đã theo các cầu thủ Tây Ban Nha trở về nước tiếp tục bữa tiệc ăn mừng hứa hẹn sẽ còn kéo dài hết mùa hè. Cũng đáng như thế bởi họ đã chờ đợi vinh quang này suốt 44 năm ròng rã. Nhưng ấn tượng đẹp của EURO 2008 không chỉ đọng lại ở xứ sở đấu bò tót mà còn cả trong tâm trí tất cả người hâm mộ.
Đã rất lâu mới có một giải đấu ngoạn mục và hấp dẫn đến thế. Những con số thống kê nói lên tất cả: 77 bàn thắng, 892 cú sút và rất nhiều hồi kết nghẹt thở (3/4 trận tứ kết phải kéo dài thêm hiệp phụ và có tới 2 cuộc “đấu súng”).
Hãy quên đi thông điệp “Phòng ngự là chiến thắng” của cựu hoàng Hy Lạp. Hãy đón nhận thông điệp: “Tấn công là thành công” của tân vương Tây Ban Nha. HLV Luis Aragones tự hào: “Giờ đây, chúng tôi là kiểu mẫu cho bóng đá đẹp”.
Đúng là Tây Ban Nha sẽ trở thành biểu tượng mới trong sự hồi sinh ngoạn mục của phong cách vị nghệ thuật tưởng chừng đã mất hẳn ở thời đại thực dụng hiện nay. Nhưng nếu nhìn lại, có thể thấy nhiều đội đã đến áo và Thụy Sĩ cũng với hành trang đặc biệt như vậy.
Câu chuyện Hy Lạp ở EURO 2004 không được nhớ lâu. Quãng thời gian 4 năm đủ để người ta nhận ra con đường sáng sủa nhất dẫn đến vinh quang vẫn là tấn công, tấn công và tấn công.
Sau 20 năm, khái niệm “bóng đá tổng lực” trở lại với hình ảnh Hà Lan làm mưa làm gió “bảng tử thần” khi cơn lốc màu Da Cam thổi bay cả nhà ĐKVĐ thế giới Italia lẫn á quân Pháp.
Nhưng rồi Nga lại làm tất cả kinh ngạc ở tứ kết với thứ “bóng đá tổng lực” còn mạnh mẽ hơn cả nguồn cội khai sinh ra nó.
Và đến khi cơn lốc Trắng bị Tây Ban Nha một lần nữa đánh gục thuyết phục ở bán kết, hình dáng ông Vua mới của bóng đá châu Âu đã phần nào hiện ra.
Song nhiều người không dám quá tin vào điều đó bởi còn e ngại cái dớp 44 năm luôn gây thất vọng của Tây Ban Nha, e ngại cái ý chí Đức đã giúp “xe tăng” đi đến tận sân Ernst Happel dù khá nhọc nhằn.
Để rồi tất cả choáng ngợp trước sự tự tin, trước phong cách đẹp “mình chơi bóng và để đối phương cũng chơi bóng” của thầy trò Aragones.
Không có “Vua phá lưới” David Villa (chấn thương) thì có Fernando Torres đóng vai người hùng. Không có tiếng lăn ậm ì của “xe tăng” mà chỉ có điệu Flamenco rộn rã.
Đâu là sức mạnh của võ sĩ đấu bò tót Tây Ban Nha? Sự xuất sắc của “Thánh” Iker Casillas trong khung thành? Cũng đúng, nhưng đó chỉ là trọng tâm vững vàng. Sự bén nhọn của Villa và Torres?
Cũng đúng, nhưng đó chỉ là mũi kiếm hạ sát. Chính hàng tiền vệ cơ động, đầy kỹ thuật mới là thứ vũ khí lợi hại nhất như tấm vải đỏ làm đối thủ quay cuồng, mệt nhoài.
Đây thực sự là kỳ EURO tôn vinh những tiền vệ như nhận xét của Arsene Wenger, HLV Arsenal: “Tất cả các đội đến giải theo mô hình 4-4-2 đều chuyển sang 4-5-1, kể cả hai đội lọt vào chung kết”.
Thực ra, châu Âu không còn khô cứng với 4 tiền vệ như truyền thống mà đã linh hoạt hơn nhiều với 4-5-1. Đó có thể là 4-4-1-1 như Nga. Đó có thể là 4-1-4-1 như Tây Ban Nha. Đó có thể là
4-2-3-1 như Đức. Giảm bớt một vị trí “chết” là tiền đạo để tăng cường một vị trí “sống” nhiều hơn là tiền vệ, khả năng chuyển từ phòng ngự sang tấn công được thực hiện nhanh hơn, tốc độ hơn. Đó chính là thứ bóng đá “phòng ngự phản công” đỉnh cao chứ không tiêu cực kiểu Hy Lạp.
Vinh quang, cay đắng, nụ cười, nước mắt, niềm vui, nỗi buồn... tất cả đã đủ đầy trong suốt gần 1 tháng qua như bữa tiệc trọn vẹn. Sẽ phải chờ 2 năm nữa mới đến World Cup 2010 ở Nam Phi, 4 năm nữa mới đến EURO 2012 ở Ba Lan và Ukraine, song người hâm mộ sẽ chờ đợi trong hy vọng rằng kỷ nguyên bóng đá tấn công đã thực sự trở lại. Viva Espana. Viva cái đẹp trên sân cỏ!
Minh Minh