Hấp dẫn giải bóng chuyền nữ Châu Á năm 2016

ANTD.VN -Tối 14-9, tại Nhà thi đấu tỉnh Vĩnh Phúc đã diễn ra Giải bóng chuyền nữ Châu Á - Cúp Đạm Phú Mỹ năm 2016. 

Ông Lê Văn Thành, Chủ tịch Liên đoàn bóng chuyền VN, Tổng Giám đốc Cty CP Động Lực tặng kỷ niệm chương, hoa và cờ lưu niệm chương cho đại diện nhà tài trợ Đạm Phú Mỹ. Ảnh: Mai Thế Hưng

Đây là Giải bóng chuyền đỉnh cao trong hệ thống thi đấu của Liên đoàn bóng chuyền Châu Á, quy tụ 8 đội bóng hàng đầu như: Trung Quốc, Nhật Bản, Iran, Kazakstan, Đài Loan (Trung Quốc) và đội chủ nhà Việt Nam. Giải diễn ra từ 14 đến 20-9 tại Nhà thi đấu tỉnh Vĩnh Phúc.

Kể từ khi giải đấu được ra đời vào năm 2008, qua 4 lần tổ chức (vào các năm chẵn) giải đấu mới chỉ gọi tên 2 nhà vô địch là Trung Quốc (2008, 2010, 2014) và Thái Lan (2012). Trong 4 lần tổ chức trước đó, Trung Quốc đăng cai giải đấu 2 lần vào các năm 2010 và 2014, Thái Lan năm 2008, Kazakhstan năm 2012 và tới đây là giải đấu lần thứ 5 được tổ chức tại Vĩnh Phúc của Việt Nam.

Các VĐV của đội tuyển nữ VN duyên dáng trong trang phục thi đấu của nhà tài trợ Động Lực.

Ở giải đấu lần này, Trung Quốc tỏ rõ sức mạnh và tham vọng vô địch khi cử đến lực lượng rất mạnh với sự xuất hiện của Zhang Changning và Gong Xiangyu, hai cô gái vừa giành được tấm HCV Olympic Rio 2016. Bên cạnh đó là những cái tên từng nhiều lần lên tuyển góp mặt tại các giải đấu lớn như World Grand Prix, VĐCA… như: Chen Liyi, Liu Xiaotong, Zhang Xiaoya, Li Jing, Wang Weiyi, Sun Haiping, Wang Yuanyuan, Yao Di và Yang Zhou.

Đội tuyển Việt Nam trước trận giao tranh với đội tuyển Iran. Ảnh: Mai Thế Hưng

Hai "đại tỉ" khác của bóng chuyền châu Á là Nhật Bản và Hàn Quốc thì ở giải đấu này họ chỉ cử đến đội hình hai với những tay đập thuộc lứa U20 và U23 nhằm chuẩn bị cho Olympic 2020. Trong khi đó, tay đập chủ lực của phía Đài Loan (TQ) là Chen Wang-Ting cũng không thể tham dự do gặp phải chấn thương vai. Vì thế cơ hội lại đến với các cô gái Thái Lan khi họ mang tới một lực lượng khá hùng hậu với: Pleumjit Thinkaow, Wilavan Apinyapong, Ajcharaporn Kongyot, Thatdao Nuekjang hay Malika Kanthong…

Với các cô gái chủ nhà Việt Nam, năm 2008 xếp hạng 5, năm 2010 hạng 7, năm 2014 hạng 8, thành tích tốt nhất mà họ giành được là vị trí thứ 4 năm 2012 tại Kazakhstan với Kim Huệ, Ngọc Hoa, Hà Hoa, Nguyễn Thị Xuân, Đỗ Minh, Phạm Yến, Diệu Linh… Nhưng ở giải đấu năm nay, tuyển Việt Nam cũng gặp phải một bất lợi khá lớn về lực lượng, chấn thương cũng như tuổi đời các VĐV còn khá trẻ.