Gọi cầu thủ nhập tịch lên ĐT Việt Nam: Có thể "mở cửa" để nâng cao chất lượng

ANTĐ - Sự kiện hậu vệ người Hà Lan Van Bakel chuẩn bị nhập quốc tịch Việt Nam với mong muốn được khoác áo ĐTQG đang thu hút sự chú ý của dư luận. Tuy nhiên, dường như khát vọng của cầu thủ này chưa thể là một cú hích để VFF thay đổi quan điểm. 

Gọi cầu thủ nhập tịch lên ĐT Việt Nam: Có thể "mở cửa" để nâng cao chất lượng ảnh 1Đinh Hoàng Max (trái) là cầu thủ da màu đầu tiên từng khoác áo ĐT Việt Nam

Ra đi trong lặng lẽ

Cách đây vài năm, ĐT Việt Nam từng “mở cửa” với những cầu thủ không phải sinh ra trên dải đất hình chữ S, nhưng muốn cống hiến cho màu cờ sắc áo Việt Nam. Đó là Đinh Hoàng La, Đinh Hoàng Max, Huỳnh Kesley… Với sự có mặt của họ, ĐT Việt Nam đã có những thời điểm chơi khởi sắc và hoàn toàn lột xác. Điển hình như trong trận đấu với CLB Olympiakos của Hy Lạp trên sân Mỹ Đình, hay trong trận thắng ĐT Kuwait 1-0 trên sân khách, những cầu thủ nhập tịch (Đinh Hoàng La và Huỳnh Kesley đá chính) đã chơi rất ấn tượng và tự tin, đóng góp vào những chiến thắng đáng nhớ này của ĐT Việt Nam. 

Tuy nhiên, dù chơi hay thế nào thì một thời gian sau đó, tất cả những cầu thủ nhập tịch này đều ra đi trong lặng lẽ. Vấn đề “tự hào màu cờ sắc áo” được đưa ra bàn luận và chính điều này đã khép chặt cửa lên tuyển với những cầu thủ nhập tịch. Huỳnh Kesley trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí đã cay đắng nói: “Tôi luôn nỗ lực hết mình và khao khát được khoác áo ĐTQG và việc tôi không còn được trao cơ hội nữa vì lý do ngoài chuyên môn là điều bất công với tôi”. 

Chìm vào quên lãng?

Có một thực tế, ở các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, ở châu Á hay trên thế giới, nơi nào có nền bóng đá phát triển, nơi đó có suy nghĩ rất thoáng trong việc gọi cầu thủ nhập tịch lên tuyển. Singapore nổi lên trong khoảng 1 thập kỷ trở lại đây cũng bởi có cơ chế mở với cầu thủ nhập tịch từ khắp nơi trên thế giới. Những cái tên như Duric, Mutafic Fahrudin (Nam Tư), Bennett (Anh), Shi Jiayi (Trung Quốc), Agu Casmir (Nigeria)… đều đã có những đóng góp đáng kể cho bóng đá Singapore, điển hình là 3 chức vô địch AFF Cup trong vòng 8 năm (2004, 2007 và 2012). 

Bóng đá Nhật Bản cũng gọi nhiều cầu thủ gốc Brazil và nhiều quốc gia Nam Mỹ, Trung Mỹ khác để làm dồi dào thêm cho sức mạnh đội tuyển, cũng như nâng cao trình độ cho các cầu thủ trong nước, điển hình là tiền đạo Musashi Suzuki. 

Trở lại câu chuyện của bóng đá Việt Nam. Việc gọi các cầu thủ nhập tịch không đồng nghĩa với việc đội tuyển sẽ tiến bộ hay nền bóng đá sẽ được nâng cao ngay lập tức. Nhưng ít nhất, đó là cách để chúng ta có thể mở cửa, tự đặt mình lên một nấc thang mới để có thể nâng cao mặt bằng chất lượng hơn. Trước khi nhập quốc tịch Việt Nam, hậu vệ người Hà Lan Van Bakel khẳng định anh khát khao được một lần cống hiến cho màu áo quê hương thứ hai, dù tuổi đời không còn trẻ. 

Khát khao của Bakel rất được chú ý ở thời điểm hiện tại, nhưng có thể sẽ lại sớm chìm vào quên lãng, bởi với chỉ một trường hợp của anh, dù rất tài năng, thì cũng chưa đủ sức mạnh để thay đổi suy nghĩ của cả một nền bóng đá vốn ì ạch lâu nay.

 HLV Miura: Miễn là họ có khát khao

“Trên thế giới có rất nhiều quốc gia sử dụng cầu thủ nhập tịch và thành công, Nhật Bản là một ví dụ. Tôi nghĩ không có gì bất hợp lý nếu ĐT Việt Nam gọi những cầu thủ nhập tịch lên, miễn là họ có khát khao cống hiến và có thể hòa nhập tốt với môi trường. Quan điểm của tôi là có thể mở cửa với những cầu thủ này, nhưng dù thế nào tôi vẫn phải tôn trọng quan điểm của VFF”.

Chuyên gia Vương Tiến Dũng: Có thể chấp nhận, nhưng cần chọn lọc

“Tôi không phản đối chuyện gọi cầu thủ nhập tịch lên đội tuyển quốc gia, nhưng nếu có thì cần phải chọn lọc. Chẳng hạn như những vị trí thật sự hữu ích, giúp đội tuyển mạnh lên. Có thể chúng ta chưa quen với việc có cầu thủ ngoại trong đội tuyển, vì nhiều vấn đề vẫn còn khoảng cách lớn, như văn hóa, sinh hoạt hàng ngày, nhưng nếu những cầu thủ này có bố mẹ hay vợ là người Việt và họ muốn cống hiến cho ĐTQG, thì tại sao lại không thể chấp nhận họ một cách có chọn lọc?”.