Đối tượng bắn pháo sáng khiến nữ CĐV trên sân Hàng Đẫy đi cấp cứu có bị xử lý hình sự?

ANTD.VN -Như Báo ANTĐ đã đưa tin, tối 11/9 tại Sân vận động Hàng Đẫy, Hà Nội trong trận đấu giữa CLB Hà Nội và Nam Định xảy ra sự cố đáng tiếc. Các cổ động viên (CĐV) đội khách Nam Định đã liên tục đốt, ném pháo sáng cùng nhiều vật thể lạ xuống sân và khán đài đối diện. Hậu quả là CĐV nữ Tô Huyền Anh (sinh năm 1985) không may bị pháo sáng bắn trúng chân, chảy nhiều máu, phải nhập viện cấp cứu.

Sử dụng pháo sáng là vi phạm pháp luật

Tại thời điểm nhập viện, Huyền Anh bị vết thương phần mềm phức tạp, mất da đùi trái. Theo các bác sỹ của Bệnh viện Xanh pôn, thời gian tới Huyền Anh sẽ phải tiếp tục phẫu thuật ghép da.

Liên quan đến sự việc trên, được biết, CAQ Đống Đa, Hà Nội đang tích cực rà soát, truy tìm các đối tượng trong vụ đốt pháo sáng, gây rối trật tự công cộng tại Sân vận động Hàng Đẫy tối 11/9 để điều tra làm rõ vụ việc.

Phân tích vụ việc dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, hành vi bắn pháo sáng trên sân, về khía khán đài của của CĐV Nam Định đã gây mất trật tự nơi công cộng và xâm phạm đến sức khỏe của người khác được pháp luật bảo vệ. Tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi, đối tượng thực hiện hành vi sẽ bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

CĐV nữ bị ném pháo sáng vào chân đang điều trị tại bệnh viện

Theo Điều 5 Nghị định 36/2009/NĐ-CP quy định về các loại pháo, sản phẩm pháo được sử dụng gồm: Pháo hoa do Bộ Quốc phòng sản xuất, nhập khẩu để tổ chức bắn pháo hoa đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép; Pháo hoa do tổ chức, cá nhân nước ngoài được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam cho phép và được Bộ Công an cấp giấy phép mang vào Việt Nam để dự thi bắn pháo hoa.

 Pháo hiệu dùng trong các hoạt động báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ, cứu hộ, cứu nạn, giao thông vận tải và hoạt động quân sự.

 Các sản phẩm như pháo hoa lễ hội bằng giấy (trừ loại hoa có chứa kim loại), pháo điện, pháo trang trí bằng giấy, bằng nhựa, bằng tre, trúc, kim loại; que hương phát sáng; các sản phẩm phát tín hiệu ánh sáng, màu sắc, âm thanh được dùng trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ không gây nên tiếng nổ.

Như vậy, theo quy định trên, pháo sáng không được cho phép sử dụng do có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe con người.

Vì vậy, hành vi mang pháo sáng và sử dụng trong Sân vận động Hàng Đẫy của CĐV Nam Định có thể sẽ bị xử phạt hành chính. Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về Vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm nêu rõ: Phạt tiền từ 1-2 triệu đồng đối với hành vi sử dụng các loại pháo mà không được phép.

Ngoài ra, theo khoản 2 Điều 68 Quyết định số 72/QĐ-LĐBĐVN ngày 05/3/2018 về kỷ luật của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam sửa đổi, bổ sung 2018 thì Ban tổ chức trận đấu để xảy ra sự việc đốt pháo nổ, thuốc pháo nổ có thể bị: Phạt tiền 20 triệu đồng nếu gây hoang mang, ảnh hưởng đến sức khỏe người khác; Phạt tiền từ 30 - 70 triệu đồng nếu vi phạm nhiều lần trong trận đấu, vi phạm liên tục, kế tiếp trong nhiều trận đấu…Nếu lỗi do cổ động viên của đội khách gây ra thì đội khách cũng bị xử lý kỷ luật như trên.

Như vậy, với sự việc xảy ra tối 11/9  trên sân Hàng Đẫy, cổ động viên ném pháo sáng gây thương tích cho khán giả có thể bị phạt đến 2 triệu đồng; Ban tổ chức sân vận động và đội khách có thể bị phạt đến 70 triệu đồng.

Có thể xử lý hình sự về tội Cố ý gây thương tích

Cũng theo Luật sư Lê Hồng Vân, trong sự việc xảy ra tại Sân vận động Hàng Đẫy tối 11/9, khi trận đấu giữa CLB Hà Nội và Nam Định đang diễn ra thì bất ngờ một CĐV nữ ở khán đài A sân Hàng Đẫy bị thương vì một quả pháo sáng bắn từ khán đài của CĐV Nam Định. Hiện CĐV nữ này đang phải nằm điều trị tại bệnh viện.

Như vậy, hành vi sử dụng pháo sáng của CĐV Nam Định không chỉ gây mất trật tự công cộng mà còn xâm phạm đến sức khỏe của người khác. Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, đối tượng này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Gây rối trật tự công cộng theo Điều 318 BLHS 2015 với khung hình phạt lên tới 7 năm tù hoặc tội Cố ý gây thương tích theo Điều 134 BLHS 2015. Tỷ lệ thương tích của người bị hại sẽ là căn cứ xử lý tương ứng với định khung hình phạt theo Điều 134 BLHS.

Theo đó, người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11-30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp: Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người; Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm; Có tính chất côn đồ; Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân…thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng-3 năm.

Cũng theo Luật sư Hồng Vân, thông tin ban đầu cho thấy, ngoài việc bắn pháo sáng khiến CĐV nữ Huyền Anh bị thương, các cổ động viên quá khích của Nam Định còn hành hung các chiến sĩ cảnh sát cơ động, khiến hai người phải nhập viện. Vì vậy, cơ quan chức năng cần làm rõ những đối tượng có hành vi chống đối, hành hung người thi hành công vụ để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.