Đại hội VFF: Ứng viên không được trình bày đề án tranh cử

ANTD.VN - Lịch làm việc của Đại hội Liên đoàn bóng đá Việt Nam nhiệm kỳ 2018-2022 không có nội dung trình bày đề án tranh cử. Trường hợp ứng viên muốn trình bày phải xin ý kiến đại hội.

Từ 8h đến 16 hôm nay (8-12), tại Trung tâm Hội nghị quốc gia - Hà Nội, diễn ra Đại hội Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) nhiệm kỳ VIII (2018-2022).

Nội dung quan trọng nhất của đại hội là bầu chọn ra những người xứng đáng "chèo lái" bóng đá nước nhà 4 năm tới, từ danh sách đề cử của các tổ chức thành viên. 

Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Lê Khánh Hải là ứng viên duy nhất cho chức danh Chủ tịch VFF

Đại hội VIII được ghi nhận là kỳ đại hội có sự cạnh tranh gay gắt nhất, khi có tới 13 ứng viên tranh 4 chức danh chủ chốt. Để nhận được sự tín nhiệm từ lá phiếu của đại diện 71 tổ chức thành công, các ứng viên cần có những chương trình hành động (đề án tranh cử) cụ thể mang tính thuyết phục. 

Cách đây không lâu, đại diện VFF từng cho biết chủ trương khuyến khích các ứng viên có đề án tranh cử, trong đó nêu rõ nếu trúng cử sẽ làm gì, đóng góp ra sao cho bóng đá Việt Nam. Giới quan sát kỳ vọng việc tranh cử bằng đề án sẽ thúc đẩy sự phát triển chung của bóng đá Việt Nam.

Tuy nhiên, lịch làm việc của đại hội lại không nội dung các ứng viên trình bày đề án, thay vào đó là đọc các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ VII và bỏ phiếu, kiểm phiếu bầu nhân sự nhiệm kỳ VIII.

Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh (bên trái) cung cấp một số thông tin liên quan tới đại hội VFF khóa VIII cho truyền thông (Ảnh: Vũ Vy)

Trả lời thắc mắc của truyền thông trong cuộc họp báo trước thềm đại hội vào chiều 7-12, Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh cho biết, đại hội hoạt động theo điều lệ VFF và lịch làm việc -  không có nội dung trình bày đề án tranh cử - nhận được sự thống nhất của các ủy viên Ban chấp hành VFF khóa VII trong cuộc họp ngày 7-12.

"Nếu các ứng viên muốn trình bày đề án trước đại hội thì sao?", đáp lại câu hỏi này của truyền thông, Tổng thư ký VFF cho biết: "Việc có hay không cho ứng viên trình bày sẽ do đại hội quyết định tại chỗ".

Đại diện VFF cho biết, dù không có phần trình bày trực tiếp đề án, tuy nhiên ban tổ chức sẵn sàng tiếp nhận các đề án (bản in) từ các ứng viên và hứa sẽ in ra cho đại diện 71 tổ chức thành viên đọc. Tuy nhiên các đại biểu lại chỉ được tiếp cận các bản đề án này vào đúng ngày diễn ra đại hội, 8-12.

Nhiệm kỳ VII thành công nhất lịch sử VFF

Một trong những nội dung của đại hội là tổng kết nhiệm kỳ VII và khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc. Theo báo cáo tài chính, nhiệm kỳ VII giúp làm tăng thêm 47% số tiền nhiệm kỳ VI để lại. Đây cũng là nhiệm kỳ ghi nhận những cột mốc lịch sử của bóng đá Việt Nam như: U23 quốc gia giành Á quân châu Á, Olympic quốc gia vào bán kết ASIAD, đội tuyển quốc gia vào chung kết AFF Cup (có thể sẽ là chức vô địch), U20 quốc gia và đội tuyển futsal dự World Cup... Cùng với đó, VFF và giải VĐQG - V-League nhận về nhiều giải thưởng lớn của Đông Nam Á và châu Á. Với những thành tích kể trên, nhiệm kỳ VII được đánh giá thành công nhất lịch sử VFF.

Bên cạnh kết quả đạt được, nhiệm kỳ VFF khóa VII cũng ghi nhận tình trạng mâu thuẫn nội bộ gay gắt nhất lịch sử, khi hai ủy viên Thường trực là ông Đoàn Nguyên Đức và ông Trần Anh Tú công khai chỉ trích nhau trong suốt thời gian dài, rồi chuyện một Phó chủ tịch phải từ chức vì lùm xùm đời tư, hay việc băng ghi âm cuộc nói chuyện kiểu "xã hội đen" giữa Trưởng ban Trọng tài và Phó chủ tịch Công ty VPF kiêm Chủ tịch CLB Hải Phòng bị phát tán có ý đồ...