Công Phượng có xứng đáng thủ lĩnh U22 Việt Nam?

ANTD.VN - HLV Nguyễn Hữu Thắng sơ ý để lộ ý định trao băng Đội trưởng cho Công Phượng, ngay lập tức làm dấy lên cuộc tranh cãi, rằng tiền đạo này có xứng đáng vai trò thủ lĩnh tại SEA Games tới?

Công Phượng có xứng đáng thủ lĩnh U22 Việt Nam? ảnh 1Công Phượng (trái) chưa thuyết phục toàn đội và người hâm mộ khi nhận tấm băng Đội trưởng. Ảnh: BẢO LÂM

Trong chuyến thăm đội tuyển mới đây, khi Phó Tổng Cục trưởng TDTT Trần Đức Phấn đề nghị Đội trưởng U22 Việt Nam lên nhận hoa, HLV Hữu Thắng đã gọi tên Công Phượng. Đây được xem như sự thừa nhận, tấm băng thủ quân đã có chủ.

Thông tin Công Phượng làm Đội trưởng chưa được chính thức công bố đã vấp phải những ý kiến trái chiều. So về tuổi tác, Công Phượng thuộc nhóm lớn tuổi nhất đội. Xét về kinh nghiệm thi đấu quốc tế, anh cũng không thua kém phần còn lại với rất nhiều lần đá giải U19, U21 quốc tế và khoác áo ĐTQG. Tại V-League, Công Phượng liên tục được ra sân trong vai trò Đội trưởng HAGL.

Thế nhưng xét trên nhiều tiêu chí khác, anh chưa thật sự thuyết phục. Một hạn chế của Công Phượng dù được chỉ ra khá lâu, dư luận phê phán nhiều song đến nay vẫn chưa có sự thay đổi đó là lối chơi bóng có phần ích kỷ, ham rê dắt và xử lý rườm rà mỗi khi có bóng.

Cũng ở khía cạnh chuyên môn, sự hiệu quả trên sân của Công Phượng đến nay vẫn là dấu hỏi. Dù đá tiền đạo, thường xuyên được ra sân nhưng ở V-Leaue 2017, hiệu suất ghi bàn của anh thậm chí còn kém một hậu vệ là Văn Thanh (5 bàn so với 6 bàn sau 16 vòng đấu), cầu thủ cũng được triệu tập lần này. Hay ở trận đấu tập đầu tiên của đợt tập trung đang diễn ra, Công Phượng hoàn toàn mờ nhạt trước đàn em Đức Chinh - người lập công giúp U22 Việt Nam thắng Viettel 2-1.

Đáng nói hơn, “số 10” này gần như lảng tránh những “điểm nóng”, những tranh cãi trên sân. Rõ nhất là ở sân chơi V-League, Đội trưởng của HAGL gần như không có động thái gì mỗi khi đồng đội hoặc đội nhà bị xử ép, hoặc vướng vào những xung đột với trọng tài, cầu thủ đối phương.

Hình ảnh Công Phượng đứng một góc xa, tranh thủ lau mồ hôi và chùng chân nhìn các đồng đội như Văn Toàn, Đông Triều… lao tới phân trần với trọng tài không phải hiếm. Đó là những lúc người ta thấy vai trò thủ lĩnh đội bóng của Công Phượng mờ nhạt nhất. Hai lần mang băng Đội trưởng giao hữu U22 Malaysia và U20 Argentina gần đây, tiền đạo này không cải thiện được là bao. Một quy luật bất thành văn ở các giải bóng đá đó là, Đội trưởng là người nhận vai trò thay mặt toàn đội khiếu nại với trọng tài mỗi khi có tình huống tranh cãi.

Thế nhưng với Công Phượng, vai trò này quá mờ nhạt. Thay vào đó, việc Công Phượng đứng ngoài để mặc cho đồng đội tranh cãi, phản ứng bộc phát với các quyết định của trọng tài tiềm ẩn nguy cơ “ăn thẻ”, gây bất lợi cho đội bóng.

Nếu đặt Công Phượng lên cùng bàn cân với đồng đội cùng trang lứa như hậu vệ Bùi Tiến Dũng, tiền vệ Lương Xuân Trường (đang khoác áo CLB Gangwon, Hàn Quốc) và thậm chí là với lứa đàn em sinh 1996 như tiền vệ Duy Mạnh - người từ lâu đã giành suất đá chính ở đội 1 nhà ĐKVĐ V-League Hà Nội, hay hậu vệ Văn Thanh - Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất Việt Nam 2016… tiền đạo số 10 chưa cho thấy sự nổi trội.

Ở môn thể thao tập thể như bóng đá, vai trò Đội trưởng đặc biệt quan trọng. Vì vậy tiêu chí để chấm chọn cũng rất khắt khe. Chỉ khi nào Công Phượng hoàn thiện để chứng minh mình xứng đáng, khi đó hình ảnh anh mang băng Đội trưởng mới thật sự thuyết phục toàn đội và người hâm mộ.