Có vui không nếu Ánh Viên gom cả tá HCV giải quốc gia?

ANTD.VN - Thực trạng đáng suy ngẫm là những VĐV đã đạt đẳng cấp châu Á như Nguyễn Thị Ánh Viên vẫn phải dừng tập huấn Mỹ để về nước "gom Vàng" cho đơn vị chủ quản.

Theo đăng ký, Nguyễn Thị Ánh Viên sẽ thi đấu 17 nội dung tại Giải bơi vô địch quốc gia 2017, khởi tranh tại TP.HCM từ hôm nay (5-10). Với đẳng cấp đang có và xét tương quan lực lượng với các đối thủ trong nước, VĐV đoàn Quân đội thừa sức giành HCV ở 90 % số nội dung đăng ký, tức khoảng 15 HCV.

Song, liệu đó có phải điều đáng mừng cho Ánh Viên và cho sự phát triển của bơi lội Việt Nam hay không?

Ánh Viên được đầu tư tiền tỷ cho mục tiêu châu lục nhưng vẫn phải về nước thâu tóm HCV của đồng nghiệp đàn em, hòng đáp ứng mục tiêu thành tích cho đơn vị chủ quản

Một VĐV đẳng cấp châu Á như Ánh Viên xuống nước gần như chắc chắn có "Vàng", vậy thì các VĐV đoàn khác có còn động lực thi đấu nữa không? Cứ đến giải quốc gia là Ánh Viên lại gom hết huy chương về cho đơn vị mình thì liệu các địa phương khác có còn mặn mà đầu tư cho môn bơi? Điều đó có lợi hay gây hại cho phát triển phong trào bơi ở Việt Nam?

Cần phải khẳng định Ánh Viên và đơn vị chủ quản không sai nếu đăng ký và gom đủ 17 HCV (Ánh Viên từng giành trọn 18 chiếc HCV tại Đại hội TDTT toàn quốc 2014), bởi điều lệ giải không hạn chế nội dung VĐV đăng ký. Nhưng quy định này rõ ràng đang trở thành bất cập khi giải xuất hiện một VĐV trội hẳn so với phần còn lại, có khả năng thâu tóm HCV như Ánh Viên.

Lẽ thường, tâm lý các địa phương đều muốn có thành tích ở giải quốc gia, dẫn đến nghịch lý những VĐV đang tập huấn nước ngoài như Ánh Viên (Mỹ) hay Hoàng Quý Phước (Đà Nẵng) cũng được gọi về nước để "gom" HCV, lấy thành tích cho đơn vị chủ quản. 

Song nếu nhìn rộng hơn, những gương mặt trọng điểm nhận khoản tiền tỷ đầu tư tập huấn quốc tế như Quý Phước, Ánh Viên nên hướng tới các giải đấu cấp độ cao hơn, thay vì về nước phô diễn khả năng vượt trội của mình.

Đương kim vô địch Olympic Schooling (thứ hai từ phải sang) chỉ thi 3 nội dung cá nhân tại SEA Games 29 để nhường đất diễn cho các đàn em ở tuyển Singapore 

Không cần phải đâu xa, chỉ cần nhìn sang các láng giềng Đông Nam Á mà học hỏi. Malaysia vài kỳ SEA Games gần đây đã không đăng ký tay vợt cầu lông số 1 thế giới Lee Chong Wei thi đấu, dù biết ra sân là vô địch. Bản thân tay vợt 35 tuổi này cũng chủ động xin rút, để nhường đất diễn cho các VĐV trẻ khác của Malaysia vì cho rằng, có như vậy, cầu lông Malaysia mới có người thay thế mình trong tương lai.

Riêng ở môn bơi, Singapore là cường quốc số 1 Đông Nam Á. Tại SEA Games 29 vừa qua, Ánh Viên là VĐV nhiều HCV nhất nhưng tuyển bơi Việt Nam vẫn xếp sau tuyển Singapore (10 HCV so với 19 HCV).

Nếu như bơi Việt Nam chỉ có 3 VĐV giành HCV thì Singapore dàn đều ở cả nội dung của nam và nữ, với hơn 10 VĐV có tên trên bảng vàng. Trong khi bơi Việt Nam chỉ biết trông cậy vào Ánh Viên thì Singapore có dàn VĐV hùng hậu, chia nhau thi đấu ở các nội dung sở trường được đào tạo chuyên biệt và gần như xuống nước là chắc thắng.

Điển hình như trường hợp Schooling, người đã quá thừa thãi HCV SEA Games, đạt đẳng cấp Olympic với HCV 100m bướm tại Olympic Rio 2016, chỉ đăng ký thi 6 nội dung tại SEA Games 29 và giành trọn 6 HCV (3 HCV cá nhân, 3 HCV đồng đội). Việc một ngôi sao tầm cỡ Olympic như Schooling chỉ thi 3 nội dung cá nhân là cơ hội để các VĐV còn lại của Singapore và cả Đông Nam Á có cơ hội thi thố, kích thích phát triển phong trào chung. 

Trong lúc Schooling thoát cảnh phải "cày ải" ở những sân chơi "ao làng" để dồn sức cho những sân chơi châu lục và thế giới, với chế độ đầu tư đặc biệt của ngành thể thao Singapore thì Ánh Viên vẫn phải bỏ dở tập huấn Mỹ về nước "gom" HCV cho đơn vị chủ quản.

Đó có lẽ là điểm khác biệt lớn nhất, không chỉ giữa Ánh Viên với Schooling mà còn là giữa hai nền thể thao Việt Nam - Singapore, về tầm nhìn, mức độ phát triển và chiều rộng, chiều sâu trong cách đầu tư.