Chủ tịch VPF Trần Anh Tú vô can trong vụ cộng sự chửi tục?

ANTD.VN - Nếu đoạn băng ghi âm lời lẽ tục tĩu, hành xử lỗ mãng của ông Trần Mạnh Hùng không xuất hiện, có lẽ không có chuyện ông này từ chức Phó Chủ tịch thường trực VPF (Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam).

Có một chi tiết mà ít người nhắc tới trong vụ băng ghi âm cuộc họp giữa Ban Kiểm tra VFF (Liên đoàn Bóng đá Việt Nam) với VPF ngày 15-5 là sự xuất hiện của ông Trần Anh Tú - Chủ tịch VPF.

Ông Tú có mặt tại cuộc họp với tư cách cấp trên và đã tận mắt, tận tai chứng kiến những hành xử thiếu văn hóa của cộng sự Trần Mạnh Hùng. Thế nhưng, với vai trò là người đứng đầu VPF, chịu trách nhiệm với các cổ đông, ông Tú đã giữ im lặng.

Chỉ khi đoạn băng ghi âm minh chứng cho hành xử chợ búa, côn đồ không thể chối cãi của ông Hùng xuất hiện, bị dư luận lên án mạnh mẽ, lãnh đạo Tổng cục TDTT, VFF yêu cầu phải kỷ luật thì khi đó, ông Tú mới cùng các ủy viên Hội đồng quản trị nhóm họp một cách khiên cưỡng. Và như đã biết tại cuộc họp này, ông Hùng đã từ chức Phó Chủ tịch thường trực và được HĐQT VPF chấp thuận.

Chủ tịch VPF Trần Anh Tú đã chủ động im lặng như một sự thỏa hiệp với cách hành xử thiếu văn hóa của cộng sự trong cuộc họp với VFF

Ông Hùng từ chức (hay mất chức) là điều đương nhiên, sau những hành vi làm tổn hại nghiêm trọng tới uy tín, hình ảnh công ty VPF và bóng đá Việt Nam. Nhưng một lá đơn từ chức của ông Hùng có vẻ như chưa đủ với hậu quả nó gây ra.

Người ta đặt câu hỏi: Vai trò người đứng đầu VPF, cụ thể là Chủ tịch Trần Anh Tú ở đâu khi ông là người chứng kiến toàn bộ vụ việc nhưng đã chọn cách im lặng, đồng nghĩa thỏa hiệp với lối hành xử thiếu văn hóa của cộng sự? Thật khó chấp nhận việc một người mấy ngày trước còn thỏa hiệp với lối hành xử thiếu văn hóa, nhưng nay lại đi yêu cầu các cán bộ, nhân viên công ty phải ứng xử có văn hóa.

Và càng đáng bàn hơn, khi ông Hùng sau những lời lẽ tục tĩu, hành xử rất phản cảm đó không phải chịu bất cứ hình thức kỷ luật nào từ đơn vị chủ quản - Công ty VPF. Nói đúng hơn thì ông Hùng chủ động xin nghỉ để không "làm khó" ông Chủ tịch và các thành viên HĐQT công ty. Đáp lại, ông Hùng vẫn "có chân" trong HĐQT, tiếp tục tham gia vào công tác chuyên môn điều hành các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia và thậm chí, còn được đại diện cho VPF tranh cử vào Ban chấp hành VFF khóa tới.

Từ chuyện ông Lê Nguyên Hồng (CLB Quảng Nam) chửi trọng tài Việt được đào tạo ở trường mù Nguyễn Đình Chiểu nhưng sau vẫn được "tín nhiệm" bầu vào HĐQT VPF, đại diện cho các cổ đông - đội bóng; đến chuyện ông Phó Chủ tịch thường trực VPF có lời lẽ tục tĩu, côn đồ phải khiên cưỡng từ chức lại vẫn được VPF cho tiếp tục công việc chuyên môn và đại diện tổ chức này tranh cử vào bộ máy VFF... đang khiến người ngoài có cái nhìn thiếu tích cực vào bộ máy VPF lẫn VFF.