Chống pháo sáng ở V-League khó đến thế sao?

ANTD.VN - Quả pháo sáng của cổ động viên SLNA đốt trên sân Hàng Đẫy trận Viettel - SLNA cuối tuần qua như một sự thách thức giới quản lý và ban tổ chức V-League trong "cuộc chiến" đẩy lùi vấn nạn này.

Trước đó, mức phạt tiền kịch khung 70 triệu đồng và "treo sân" đã từng được Ban Kỷ luật VFF đưa ra, song pháo sáng vẫn cháy rực ở những vòng đấu sau đó khiến người ta đặt câu hỏi: Phải chăng chế tài chưa đủ sức răn đe hay người trong cuộc thiếu quyết tâm, và đâu là giải pháp tối ưu?

Giới quản lý và ban tổ chức V-League có vẻ như đang bất lực trước pháo sáng

Ung dung đốt pháo còn tiền phạt "người khác lo"

Có một thực tế là trong các vụ đốt pháo sáng, do không thể xác định được cá nhân vi phạm nên Ban Kỷ luật VFF chỉ có thể phạt ban tổ chức sân hoặc CLB quản lý nhóm cổ động viên đốt pháo.

Điều này càng tạo "động lực" cho những kẻ quá khích thực hiện hành vi nguy hiểm này, thậm chí còn cố tình đốt pháo để khiến sân đấu mà họ "không ưa" nhận án phạt. BTC sân Hàng Đẫy là điển hình khi rất nhiều lần phải gánh hậu quả từ pháo sáng cổ động viên Hải Phòng.

Đề xuất đưa ra là lắp camera và bố trí lực lượng cảnh sát mặc thường phục ngồi rải rác trên khán đài để kịp thời phát hiện, trấn áp và sau đó ban tổ chức có hình phạt nặng đủ sức răn đe đối với các đối tượng đốt pháo sáng.

Những người ủng hộ đề xuất này cho rằng chỉ khi nào xác định và xử phạt đích danh cá nhân đốt pháo sáng mới hy vọng kìm chế vi phạm này. Tất nhiên, giải pháp này cần đồng bộ ở tất cả các sân, cùng sự thẩm định và phê duyệt từ cơ quan chức năng để quy định xử phạt được luật hóa.

Kêu gọi tự giác thôi, chưa đủ!

Để ngăn chặn pháo sáng vào sân vận động thì siết chặt an ninh là việc làm cần thiết. Phương án tối ưu nhất là thiết lập các cửa từ kiểm soát an ninh của lực lượng công an địa phương giống như sân Mỹ Đình khi tổ chức các trận đấu quốc tế.

Thế nhưng khi được hỏi về phương án này, một đại diện sân đấu ở V-Leauge thừa nhận phương án này liên quan tới một số thủ tục và đặc biệt là tốn nhiều chi phí. Vì vậy có sân thà nhận án phạt vài chục triệu đồng (nếu không may có cổ động viên mang trót lọt pháo sáng vào sân đốt), bởi so ra vẫn "kinh tế" hơn.

Lực lượng an ninh sân Thống Nhất kiểm tra từng cổ động viên vào sân trận Sài Gòn - Hải Phòng tối 5-5-2019

Một cách thủ công, đỡ tốn kém hơn là tổ chức kiểm tra tư trang của từng cổ động viên khi vào sân. Giải pháp này đã được sân Thống Nhất áp dụng ở vòng 8 vừa qua, khi tiếp các cổ động viên Hải Phòng. Và thực tế cho thấy nó đã phát huy tác dụng. Sau "mưa pháo sáng" trên sân Hàng Đẫy, không có quả pháo nào đốt ở sân Thống Nhất khi an ninh siết chặt.

Thực tế những phương án trên hoàn toàn khả thi nhưng chỉ có thể được thực hiện khi các bên liên quan thực sự quyết tâm, cùng phối hợp để đẩy lùi vấn nạn pháo sáng, vốn không chỉ gây nguy hiểm cho những người trên sân mà còn ảnh hưởng tới hình ảnh bóng đá Việt Nam mỗi khi "mang chuông đi đánh xứ người".

Còn nếu chỉ dừng lại ở những điều luật thiếu răn đe và kêu gọi sự tự giác của các cổ động viên, e rằng pháo sáng vẫn có "đất sống" ở V-League.

10 năm chưa phạt được ai

Gần 10 năm trước, khi soạn thảo các Quy định về kỷ luật, Trưởng Ban kỷ luật VFF khi đó là ông Nguyễn Hải Hường đã rất chú ý và lên đầy đủ các án phạt cho các CĐV có hành động phá rối, đốt pháo làm ảnh hưởng trận đấu…

"Nhiều lần tôi nói với BTC giải, các anh cứ đưa vài cái tên CĐV có biểu tượng quá khích sang tôi để xử làm gương. Tôi sẽ cho in ảnh, dán ở cổng vào các sân và cấm vào sân, như cách mà nhiều sân bóng châu Âu đã áp dụng. Song thực tế, đến nay vẫn chưa xử được 1 trường hợp nào như thế vì thiếu sự đồng bộ, bởi riêng Ban kỷ luật thôi chưa đủ", ông Hường chia sẻ.