Cầu thủ trẻ sinh hư vì bị xui hành xử bạo lực

ANTD.VN - Sau vụ kích động học trò “đá gãy chân nó đi” của HLV đội Kiên Giang mùa 2014, giải U15 quốc gia 2017 lại dậy sóng bởi lời dọa “cắt gân chân” cầu thủ đối phương của HLV đội Thanh Hóa.

Cầu thủ trẻ tố bị HLV Lê Hồng Minh (giữa) dọa “cắt gân chân” ngay sau trận đấu

Tổng cục Thể dục thể thao đã yêu cầu Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) khẩn trương làm rõ vụ “HLV dọa cắt gân chân cầu thủ” xảy ra tại giải U15 quốc gia 2017. Trường hợp xác định có lỗi, phải xử lý nghiêm khắc các tổ chức, cá nhân liên quan để báo cáo về Tổng cục. Chiều qua 26-4, Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh cho biết: “Hiện VFF đang thu thập tài liệu từ các bên liên quan và xem xét để có các bước xử lý tiếp theo”.

Bạo lực nảy mầm từ giải trẻ

Ở vụ việc mới nhất vừa xảy ra tại lượt 7 bảng A vòng loại giải U15 quốc gia, đội trưởng Vũ Tiến Long của U15 Hà Nội kể bị HLV Lê Hồng Minh (U15 Thanh Hóa) dọa cắt gân chân sau trận hòa 2-2 khiến đội bóng của HLV này hẹp cửa đi tiếp. Còn HLV Lê Hồng Minh thừa nhận đã quá nóng nảy nên phát ngôn thiếu kìm chế. Đáng nói, vụ việc xấu xí trên không phải là hiếm tại giải U15 quốc gia. 

Mùa trước, sau trận bán kết thua 0-3, khi hai đội thực hiện màn bắt tay thể hiện sự fair-play của bóng đá thì thủ môn đội An Giang đã tạo hình ảnh phi thể thao khi đạp thẳng vào người thủ môn PVF, kéo theo sau đó là hình ảnh lộn xộn giữa thành viên hai đội bóng buộc lực lượng an ninh phải vào cuộc can ngăn. 

Trước đó mùa giải 2014, HLV Võ Văn Ninh của đội Kiên Giang trước hàng trăm khán giả đã lớn tiếng ra lệnh cho học trò “đá gãy chân nó đi, lấy hết thẻ đỏ cũng được” tại trận gặp Đồng Tháp ở vòng loại. “Tuân lệnh” thầy, các cầu thủ Kiên Giang sau đó triệt hạ đối phương không thương tiếc để lĩnh thêm 9 thẻ vàng, 3 thẻ đỏ.

Trách nhiệm của “người lớn”

Những vụ việc đáng xấu hổ trên cho thấy tư cách nhiều HLV của các đội bóng trẻ đã ở mức báo động. Chuyên gia Vũ Công Lập - người nhiều năm tìm hiểu các hệ thống đào tạo trẻ hàng đầu thế giới, cho biết: “Nhiều nước rất chú trọng công tác đào tạo cầu thủ trẻ vì họ là tài năng mới phát lộ, cần được uốn nắn cả về kỹ năng chơi bóng lẫn kỹ năng sống. Và để làm tốt điều này phải có những ông thầy giỏi. Đào tạo cầu thủ càng nhỏ tuổi lại càng cần thầy giỏi”. 

Còn với bóng đá Việt Nam gần như ngược lại. Làm HLV tuyển trẻ Việt Nam hiện nay dễ dãi đến mức khi một cầu thủ vừa treo giày không biết làm gì thì người ta cho đi dạy trẻ con đá bóng! Đáng buồn hơn, nhiều HLV khi còn làm cầu thủ từng dính vào tiêu cực, hoặc có lối sống thiếu chuẩn mực nhưng vẫn được giao trọng trách “trồng người” cho bóng đá Việt.

Các ông “bầu” dễ dãi giao nhiệm vụ cho thầy trẻ thiếu tư cách, giới quản lý bóng đá thường xuê xoa khi xử lý sai phạm của thầy trẻ. Hệ lụy là cầu thủ trẻ, hết lứa này đến lứa khác bị “vấy bẩn” bằng tư tưởng bạo lực, thiếu văn hóa của ông thầy và chính họ là những người khiến “bạo lực” bùng phát từ giải trẻ đến V-League, cao hơn là đội tuyển quốc gia.