Cần cái nhìn công bằng với Vũ Thị Hương

ANTĐ - Một vài tờ báo đã dùng những từ ngữ nặng lời như "thất bại cay đắng", "sốc với thất bại", "trắng tay rời cuộc"... để nói về việc VĐV Vũ Thị Hương chỉ xếp 8/8 chung kết 200m nữ môn điền kinh ASIAD 2014, kết thúc tối 1-10.

Nếu chỉ nhìn vào vị trí xếp chót lượt chạy 200m ASIAD 2014 rồi so sánh với kỳ tích giành HCB 4 năm trước của Vũ Thị Hương và vội quy chụp đó là thất bại cay đắng, e thiếu công bằng.

Trước ngày Vũ Thị Hương lên đường dự ASIAD 2014, một chuyên gia kỳ cựu làng thể thao đã nhận định: "Ở tuổi 28, cái tuổi già nua của một VĐV điền kinh, khó thể mong Vũ Thị Hương tái lập thành tích HCĐ 100m, HCB 200m như kỳ ASIAD 16, chứ đừng nói đến chuyện đổi màu huy chương ở sân chơi khắc nghiệt này". 

Không riêng vị chuyên gia này mà đa số những người làm thể thao đều chung nhận định. Thế nhưng, nhiều người lại vẫn mặc định Vũ Thị Hương là "nữ hoàng tốc độ" và phải là "nữ hoàng tốc độ" của thời đỉnh cao, mà không hiểu rằng Hương ở tuổi 28 đã bước qua sườn dốc sự nghiệp. 

Người ta đè lên vai một VĐV già nua áp lực của sự kỳ vọng vượt quá khả năng; người ta ích kỷ khi cho rằng một người từng chiến thắng trong quá khứ nếu không lặp lại được thành tích đó, coi như đã thất bại.

Vũ Thị Hương đã thi đấu không tồi so với tuổi 28 hiện tại

Vũ Thị Hương mang theo thứ áp lực vô hình đó tới ASIAD 2014, và mang trên mình của chấn thương nhóm cơ sâu giữa vùng mông và đùi - chấn thương mà mỗi khi tập nặng, cô gái gốc Thái Nguyên phải nghiến răng chịu đau. Suốt thời gian chuẩn bị cho giải, trong khi các VĐV trẻ được tập huấn nước ngoài, Vũ Thị Hương âm thầm tập chay tại TP.HCM. 

Thế nhưng, người mang về nhiều huy chương nhất cho điền kinh Việt Nam vẫn không một lời than vãn. Hơn ai hết, Hương hiểu quy luật "tre già, măng mọc" và việc ưu tiên đầu tư cho các đàn em là bước đi đúng của những người có trách nhiệm. Rồi trước giờ lên đường dự giải, cô đã ý thức được khó khăn chờ đón trước mắt, bởi các đối thủ đều trẻ và tiến bộ. Thế nhưng không vì thế mà Hương nản lòng. Cô tâm sự: "Dù biết rất khó, nhưng em tự nhủ sẽ thi đấu, nỗ lực bằng hết khả năng của bản thân mình". 

Sự thật là tại cả nội dung 100m và 200m, Vũ Thị Hương đều đã rất cố gắng để vượt qua vòng loại và có mặt tại phần thi chung kết. Riêng ở 200m nữ, thành tích vòng loại của cô (23 giây 57) còn tốt hơn HCB ASIAD 2010 (23 giây 74) và ngay cả ở phần chung kết, dù xếp 8/8 VĐV về đích nhưng Hương cũng đạt thông số 23 giây 77, tức chỉ kém HCB 4 năm trước 3/100 giây. 

Ở tuổi 28, Vũ Thị Hương chính là VĐV già nhất trong 8 VĐV thi chung kết. Và thành tích của cô nếu có kém các VĐV trẻ, khỏe hơn, được đầu tư nhiều tiền của nhiều hơn cũng là chuyện rất bình thường. Đáng nơi hơn, Vũ Thị Hương ở tuổi 28 đã thi đấu tốt trong khả năng cao nhất có thể. 

Vậy thì, việc dùng từ ngữ nặng lời để xỉa xói một lão tướng từng 7 lần mang HCV SEA Games; giành những tấm HCĐ, HCB ASIAD đầu tiên cho điền kinh Việt Nam, hay dè bỉu một VĐV đã nỗ lực hết sức, vắt kiệt từng giọt mồ hôi trên đường chạy ASIAD 2014 nhưng lực bất tòng tâm, liệu có công bằng?

Đừng chỉ nhìn vào một Vũ Thị Hương hiện tại đã kiệt quệ sức lực ở tuổi 28 mà quên đi một Vũ Thị Hương bao năm qua đã cống hiến không ngừng nghỉ để làm rạng danh thể thao Việt Nam, đất nước Việt Nam trên trường quốc tế.