"Các nhà đài Việt Nam đang thương thảo, cố gắng có bản quyền ASIAD"

ANTD.VN - Thông tin trên được một lãnh đạo Tổng cục TDTT tiết lộ vào chiều 8-8, thời điểm môn thi đầu tiên của ASIAD là bóng đá nam chỉ còn 2 ngày nữa sẽ khởi tranh.

Theo vị lãnh đạo Tổng cục TDTT này, các nhà đài Việt Nam vẫn đang tích cực đàm phán, cố gắng để làm sao mua được bản quyền truyền hình ASIAD từ đối tác nước ngoài, phục vụ người hâm mộ nước nhà.

Trước đó trong thông báo phát đi tối 30-7, Đài truyền hình Việt Nam (VTV) cho biết "không thể đàm phán việc mua bản quyền ASIAD 2018", do đối tác KjsmWorld Corp (trụ sở Hàn Quốc, đơn vị mua lại từ Ban tổ chức Á vận hội) đặt giá quá cao.

Các nhà đài Việt Nam vẫn đang nỗ lực đàm phán để người hâm mộ được xem trực tiếp đội bóng đá nam và các đội tuyển khác thi đấu ASIAD

Thông tin hậu trường cho hay, KjsmWorld Corp rao giá khoảng 15 triệu USD, tương đương với bản quyền World Cup 2018. Con số này cao gấp nhiều lần bản quyền ASIAD 2014, trong khi giải đấu châu Á lại không có sức hút lớn như World Cup. Vì vậy, VTV tạm ngưng đàm phán.

Hiệu ứng mạnh mẽ của U23 Việt Nam sau VCK U23 châu Á hồi đầu năm được cho là một trong số nguyên nhân khiến đối tác "thổi giá" bản quyền ASIAD - giải đấu đánh dấu sự trở lại của thầy trò HLV Park Hang-seo ở sân chơi châu lục. Tuy nhiên, nếu không có bản quyền truyền hình, người hâm mộ Việt Nam sẽ không thể theo dõi trực tiếp đội tuyển bóng đá nam cũng như các đội tuyển khác của Việt Nam tranh tài tại ASIAD trên truyền hình chính thống.

Đó là lý do, một số nhà đài vẫn đang tích cực đàm phán và hy vọng đối tác sẽ hạ giá, để "đôi bên cùng có lợi" (nếu không bán bản quyền ASIAD trên lãnh thổ Việt Nam cho các nhà đài trong nước thì đối tác cũng không thể bán cho bất cứ đơn vị nào khác). Không riêng người hâm mộ, các nhà đài, đối tác tác tài trợ cũng đang hồi hộp chờ kết quả đàm phán.

Người hâm mộ vẫn đang thấp thỏm chờ đợi thông tin lạc quan từ các nhà đài

Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam Trần Đức Phấn thừa nhận, do tới cận kề ngày khai mạc giải đấu mà Việt Nam vẫn chưa có bản quyền truyền hình khiến bộ phận chức năng của đoàn gặp khó khi tìm kiếm, tiếp cận doanh nghiệp tài trợ.

"Không có bản quyền truyền hình tìm tài trợ khó khăn hơn rất nhiều và VĐV là đối tượng chịu thiệt", ông Phấn chia sẻ và cho biết thêm thời điểm này, hầu hết các doanh nghiệp ký tài trợ đều chỉ hướng tới các VĐV đoạt huy chương vàng, với mức thưởng nóng tổng cộng khoảng 300 triệu đồng/ huy chương vàng. Tuy nhiên theo dự báo, số VĐV giành HCV chỉ đếm trên đầu ngón tay.