Bị "chặt chém" và phe vé bám đuôi giữa Paris

ANTĐ - Nạn “chặt chém” du khách hay phe vé tưởng chỉ có ở các nước kém phát triển. Nhưng ngay giữa kinh đô Paris hoa lệ, bất cứ khách du lịch mùa EURO nào cũng có thể nếm trải tình trạng này.

Đừng ngạc nhiên nếu bạn thấy “cò” vé xuất hiện nhan nhản ở sân Stade de France ngay giữa Paris. Chỉ cần là khách du lịch và đi đi, lại lại khoảng 10m ở khu vực này, bạn sẽ được một “cò” vé tận tình mời mọc, với câu đầu tiên “Bạn muốn có vé vào sân không?”. Tiếp theo đó là một tràng ngôn ngữ pha giữa tiếng Anh và tiếng Pháp, có lẽ là quảng bá về độ hoành tráng của sân và những trận đấu sẽ diễn ra ở đây.

Nếu bạn vẫn chưa hiểu, không sao cả, ngay lập tức “cò” vé này sẽ dẫn bạn đến chỗ tình nguyện viên gần nhất để làm “phiên dịch viên” cho họ. Điều đáng chú ý là dân phe hay “cò” vé ở Stade de France có vẻ văn minh và màu sắc hơn. Họ chủ động lựa chọn cho mình cách hóa trang hoặc là trở thành CĐV của ĐT Pháp, hay thành người hâm mộ Romania. Cũng có “cò” vé âm thầm và lặng lẽ “hoạt động ngầm” trong vỏ bọc của một du khách, thản nhiên đi lại ở các quảng trường xung quanh sân vận động.

Hình ảnh nước Pháp và Paris thơ mộng xấu đi đáng kể bởi những dân phe “dai như đỉa” này. Đầu tiên, tay “cò” sẽ bám lấy bạn và không ngừng quảng cáo “đây là giá rẻ nhất ở đây” cùng những thắc mắc “vì sao không mua luôn đi cho tiện”. Và cứ như vậy, du khách hay người hâm mộ bóng đá sẽ có khoảng 1, 2 “cái đuôi” luôn theo sát mình cả cây số, để mời mọc mua vé. Khi cảnh sát hay lực lượng an ninh để ý, họ lẩn đi rất nhanh và cũng trở lại nhanh không kém khi đã cảm thấy “an toàn”.

Tương tự, một hình ảnh “xấu xí” khác của Paris trong đợt EURO 2016 này là việc giá các dịch vụ đồ ăn, uống “leo thang” một cách chóng mặt. Cụ thể, một chai nước tăng giá từ 1 euro lên tới 3 euro (khoảng 100.000 đồng), trong khi đồ ăn cũng tăng “nhẹ”, gấp đôi so với hai ngày trước đó.

Bánh mì và các món bánh ngọt khác là đặc sản nổi tiếng của Paris nói riêng và nước Pháp nói chung. Tuy nhiên, mức giá 7-10 euro (khoảng 200.000-300.000 đồng) cho một khoanh bánh nhỏ đủ làm “chùn bước” du khách, dù đang cồn cào ruột gan sau khi hòa mình vào bầu không khí sôi động ở Fanzone. Việc các nhà hàng quanh sân hay phải phải đóng cửa vì an ninh là lý do mà du khách không có nhiều lựa chọn sau khi phải “cuốc bộ” một chặng đường dài để mua đồ ăn và nước uống giữa thời tiết nắng nóng. 

Cùng với đồ ăn uống, đồ lưu niệm ở Paris trong những ngày này đồng loạt tăng giá. Chiếc khăn lưu niệm với cờ nước Pháp cùng logo EURO 2016 cách đó vài ngày chỉ có giá 5 euro/chiếc thì đã được “đội” lên gấp đôi, vào khoảng hơn 10 euro. Dịch vụ vẽ cờ cổ vũ lên mặt cũng tăng giá gấp rưỡi, từ 10 lên 15 euro/lần. Có thể thấy, EURO 2016 đang đáp ứng đúng kỳ vọng của chính phủ Pháp, như một “cú hích” về kinh tế cho quốc gia đón 89 triệu du khách mỗi năm này. Tuy nhiên, theo cách này thì thật không ổn chút nào.