Bất lực hay dĩ hòa vi quý

(ANTĐ) - Đại hội nhiệm kỳ VI VFF sắp diễn ra vào tháng 9 tới đây. Có thể coi nhiệm kỳ khóa V vừa qua là một nhiệm kỳ thành công với các quan chức VFF khi họ được “mát mặt” bởi những sự kiện mà FIFA công nhận, rồi ĐTQG và ĐT U.23 QG, ĐT bóng đá nữ QG và các đội tuyển trẻ đã làm được trên đấu trường quốc tế.

Bất lực hay dĩ hòa vi quý

(ANTĐ) - Đại hội nhiệm kỳ VI VFF sắp diễn ra vào tháng 9 tới đây. Có thể coi nhiệm kỳ khóa V vừa qua là một nhiệm kỳ thành công với các quan chức VFF khi họ được “mát mặt” bởi những sự kiện mà FIFA công nhận, rồi ĐTQG và ĐT U.23 QG, ĐT bóng đá nữ QG và các đội tuyển trẻ đã làm được trên đấu trường quốc tế.

Nhưng có một sự thực là ở ngay giải V.League năm nay khi gần cán đích, những sự cố liên tiếp xảy ra khiến cho BTC giải và VFF rơi vào thế khó xử. Làm mạnh tay cũng khó, mà làm theo kiểu hời hợt cũng khiến nhiều người không phục!

“Nể” hay “sợ” các CĐV “VIP” (?)

Sự cố ở sân Thiên Trường giữa 2 đội bóng GM.Nam Định và T&T.Hà Nội mới đây cho thấy, Ban kỷ luật, BTC giải và VFF không dám làm mạnh tay đối với những hành vi bạo lực và thiếu văn hóa trên sân cỏ.

Nhớ lại chuyện trước đây, một ông “bầu” có thế lực của  đội bóng như HAGL đã nói xằng nói bậy, xuống cả sân “đe nẹt” các trọng tài và không tiếc lời quát tháo BHL, cầu thủ đội khách.

Thế nhưng, BTC giải có dám “xử” đâu vì lấy lý do “ông này” không phải là lãnh đạo CLB, cũng chẳng phải là thành viên của BTC sân nên “không có quyền để xử”. Trở lại vụ sân Thiên Trường, ông Đỗ Thanh Xuân là Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL nhưng xét theo “ngạch” bóng đá thì ông giờ chẳng còn liên quan gì nữa và chỉ đơn thuần “giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha”. BHL T&T.Hà Nội tố cáo ông Xuân có lời “xằng bậy” và đòi xin lỗi công khai, nhưng Ban kỷ luật VFF lại không đủ chức năng để xử lý vì băng ghi hình của sân chỉ là… băng câm và có nghe thấy ai chửi đâu.

Ở giải năm ngoái, các cầu thủ HP.Hà Nội thi đấu với Thể Công, không đồng ý với quyết định của trọng tài nên một số lãnh đạo của CLB HP.Hà Nội đã có những lời lẽ tục tĩu, thậm chí dọa nạt cả tổ trọng tài ngay trước mặt các giám sát, các cơ quan thông tấn báo chí nhưng cũng bị làm ngơ và trôi vào dĩ vãng. Trong khi, những hành vi, lời lẽ thiếu văn hóa dù của bất cứ ai đi chăng nữa khi đã xuống sân bóng thì đều có thể bị xử lý theo “gia pháp” của sân chơi VFF.

Xử kiểu xoa dịu “cơn nóng”

Thực chất tất cả các quan chức VFF đều muốn cho 1 giải đấu về đích thành công để khỏi mang tiếng nhưng sự thực trong bóng đá luôn tiềm ẩn những nguy cơ khó lường, không phải lúc nào muốn là được. Đến nay, trong cách xử lý của VFF đều hướng đến việc các CLB tự dàn hòa, thu xếp với nhau. Bất đắc dĩ lắm mới phải đưa lên Ban kỷ luật để “làm rõ chuyện”. Cách làm đó có thể hiểu là VFF luôn mong “vo tròn” sự việc để hạ bớt tai tiếng cho sân chơi bóng đá nước nhà.

Đó chỉ là kiểu xử cho có để đưa ra một án phạt nhẹ nhàng nhằm xoa dịu “cơn nóng” của các bên có liên quan và cả người hâm mộ. Điều đó khiến nhiều người không phục và mang trong lòng sự ấm ức khó giải tỏa.

Một cách viện cớ dễ dàng nhất với Ban kỷ luật và BTC giải là “khẩu chứng vô bằng” - dù có kiện cáo gì thì tất cả đều phải dựa vào những chứng cứ sát thực. Thực ra, đâu phải chuyện nào cũng có đủ chứng cứ mà chỉ cần có biểu hiện, dấu hiệu nghi vấn là có thể đưa ra xử một cách công khai rồi. Rõ ràng, nhiều người có trách nhiệm ở VFF luôn vin vào cớ này để “giảm nhiệt” vụ việc. 

Đã rất nhiều sự cố xảy ra, nhưng điển hình là vụ ở sân Thiên Trường mới đây cho thấy, chỉ dựa vào chiếc băng hình mà BTC sân địa phương gửi đến thì chưa đủ chứng cứ. Dẫu vậy nhưng BTC giải vẫn chưa đưa ra hình thức mới, đó là yêu cầu các BTC sân phải ghi hình toàn bộ trận đấu, đồng thời cả sau trận đấu 15 phút nếu như những trận đấu có sự cố xảy ra. Không làm được điều này thì BTC sân phải chịu trách nhiệm lớn chứ không thể chỉ ở mức phạt tiền rồi… đâu lại vào đấy.

Bảo Ngân