Giải bóng đá quốc gia mùa 2009
Bạo lực gia tăng, SOS!
(ANTĐ) - Phải thừa nhận, các cuộc đọ sức ở V.League ngày càng hấp dẫn hơn, kịch tính và quyết liệt hơn với những cuộc chơi sòng phẳng. Tuy nhiên, nhiều cuộc chơi đã nhuốm màu bạo lực ở cả trong và ngoài sân cỏ khiến những nhà tổ chức phải lo lắng.
Sân cỏ trở thành… võ đài
Kể từ mùa giải 2008, BTC V.League chính thức ra quy chế mới áp dụng cho mỗi cầu thủ phải nhận 3 thẻ vàng trong 3 trận mới phải nghỉ thi đấu 1 trận để ngăn chặn việc “chém đinh chặt sắt” song tình trạng các cầu thủ phạm lỗi lại xảy ra nhiều hơn, nghiêm trọng hơn.
Những cái đầu nóng và những sự ăn thua quá đáng đã vô tình biến sân bóng - nơi các nghệ sỹ sân cỏ trổ tài trở thành một... võ đài không hơn không kém. Chỉ qua 7 vòng đấu với 49 trận, các trọng tài đã phải rút ra tới 229 thẻ vàng và 12 thẻ đỏ, điển hình cho sự bạo lực là ở vòng 7 vừa diễn ra tuần qua với... 3 thẻ đỏ, 37 thẻ vàng.
Ở trận đấu XM.HP với B.Bình Dương, thủ môn Tuấn Điệp đã lao tới giáng cho Đức Thiện một cú đấm trời giáng, thế nhưng “còi Vàng” Dương Văn Hiền cũng chỉ dám rút thẻ vàng. Bản thân Chủ tịch HĐTT Nguyễn Văn Mùi cũng thừa nhận: “Chất lượng trọng tài ở thời điểm này mới chỉ đạt mức trung bình (22 trọng tài điều khiển tại V-League, 4 trọng tài cấp FIFA)” cũng là nguyên nhân khiến tình trạng bạo lực sân cỏ gia tăng.
Dường như, việc phạm lỗi đã trở thành bản năng ở một sân chơi cao nhất quốc gia. Các cầu thủ cứ tha hồ phạm lỗi, tội vạ đâu đã có CLB chịu trách nhiệm nộp phạt. Còn các trọng tài ngoài liệu pháp rút thẻ phạt, không còn cách nào khác để hạn chế va chạm, xô xát, chơi tiểu xảo... Thế nhưng, thực tế bóng đá Việt Nam đang không biết làm gì để bảo vệ hình ảnh của mình.
Bởi mỗi khi có sự việc thì VFF, CLB mới vội vã sửa chữa, như vụ Hồng Sơn, Sỹ Mạnh, Hồng Minh và cuộc ganh ghét “Thanh Hóa - Nghệ An”, hay phạt ai đó để xoa dịu dư luận. Rồi khán giả đến sân ngày càng đông, CĐV quá khích cũng bằng nhiều cách “khích lệ”, gây áp lực với cầu thủ nhà, BHL… trong các trận cầu nóng... Và bạo lực đã gia tăng tại V-League 2009, nhất là khi tiền thưởng ngày càng cao, áp lực chiến thắng càng lớn.
Cầu thủ thiếu đạo đức
Sự kiện Quả bóng Vàng 2008 Dương Hồng Sơn từng có “tì vết” “đá cuội” và đánh người trên sân những năm trước khi còn thi đấu cho SLNA. án kỷ luật đẩy xuống đội trẻ 10 tháng của CLB xứ Nghệ tưởng như đã cho Sơn một bài học, không ngờ khi về với T&T.Hà Nội, Sơn đã vi phạm, trốn khách sạn đi uống rượu đêm, dẫn Sỹ Mạnh (từng dính vụ sử dụng thuốc lắc ở một vũ trường TP.HCM tháng 3-2008) về khách sạn quậy phá đánh Hồng Minh và Minh Đức. Vậy đâu là gốc của vấn đề?
Ai cũng biết, hàng nghìn con người trong mỗi giải đấu với mỗi tính cách khác nhau, không phải ai cũng là một cầu thủ chuyên nghiệp thực sự. Lối sống, sinh hoạt của các cầu thủ từ trước đến nay vẫn được coi về là một thế giới riêng. ở đó, họ phải tuân thủ những quy tắc, nội quy của CLB và chịu sự quản lý của quy chế bóng đá VFF.
Ngay từ khi được huấn luyện bóng đá từ nhỏ, các CLB đã không chú trọng đến những bài giảng về cách xử sự, đạo đức, kinh nghiệm sống mà chỉ chú tâm đào tạo ra những người biết đá bóng giỏi, thiếu trách nhiệm với những cầu thủ và tương lai của cầu thủ. Không có kiến thức tự bảo vệ hình ảnh của mình, không được học hành bài bản thì làm sao cầu thủ có cách cư xử đúng mực khi gặp những biến cố?! Và kết quả sai lầm của Quyến, Vượng, Quốc Anh vẫn là bài học về đạo đức cầu thủ.
Khi cuộc đua tranh những cầu thủ giỏi đã biến họ thành những người quá nhiều tiền, được nuông chiều; không HLV nào, ông bầu nào “dám” trừng phạt họ. Đấy là lý do họ không đủ bản lĩnh kháng cự lại những cám dỗ. Bên cạnh đó, sức ép của đấu trường V-League buộc họ quên đi những yếu kém về thể chất, sự đi xuống của phong độ dẫn đến những cuộc vui để quên thất bại, cãi cọ, đổ lỗi, hay đánh “hội đồng” để... hạ bệ nhau... Đáng lẽ VFF phải có quy chế, chế tài và chủ động xử lý những hành động như thế này trong việc bảo vệ hình ảnh của bóng đá Việt Nam với công chúng và định hướng tương lai của bóng đá Việt Nam. Song thực tế, chuyện này lại chưa...
Phương Linh