Ban tổ chức V-League đau đầu vì... thu bộn tiền phạt từ pháo sáng

ANTD.VN - Việc xử phạt hành vi đốt pháo sáng qua 6 vòng đấu tại V-League mang về cho ban tổ chức giải số tiền 275 triệu đồng, thế nhưng chẳng ai có thể lấy đó làm vui.

Thống kê cho thấy, 4 trong tổng số 6 vòng đấu đã qua của V-League 2018 xuất hiện tình trạng đốt pháo sáng.

Ở vòng 1, CLB Hải Phòng và CLB Hà Nội cùng chịu phạt 20 triệu đồng do để cổ động viên đội khách đốt hơn 30 quả pháo sáng trên sân Hàng Đẫy. Tới vòng 3, CLB Hà Nội bị phạt tới 40 triệu đồng do tái phạm, trong khi 4 đội bóng khác là Sài Gòn, Nam Định, TP.HCM, Hải Phòng cùng nộp phạt 20 triệu đồng.

Sau 6 vòng đấu, Ban kỷ luật VFF đã phạt tổng cộng 275 triệu đồng với hành vi đốt pháo sáng nhưng vấn nạn này vẫn cứ tái diễn ở V-League

Sang tới vòng 5, CLB Nam Định bị phạt 15 triệu đồng do để cổ động viên đốt pháo sáng ném vào sân vận động. Và mới nhất trong quyết định xử phạt vòng 6, Ban kỷ luật VFF đã phạt tổng số tiền 100 triệu đồng cho ba CLB với cùng vi phạm pháo sáng gồm Than Quảng Ninh (30 triệu đồng), Hải Phòng (50 triệu đồng) và TP.HCM (20 triệu đồng).

Có thể thấy cổ động viên Hải Phòng là đối tượng được nhắc tới nhiều nhất trong các vụ đốt pháo sáng, với 3 lần vi phạm trên sân khách, khiến không chỉ đội nhà (CLB Hải Phòng bị phạt tổng cộng 90 triệu đồng sau 6 vòng đấu) mà ba đội khách khác bị liên lụy.

Tình trạng đốt pháo sáng phổ biến trong các trận đấu V-League đang khiến những nhà làm giải đau đầu, dù số tiền thu về từ việc xử phạt đang tăng mạnh với tổng cộng 275 triệu đồng sau 6 vòng đấu.

Hành vi đốt pháo sáng làm thỏa mãn sự quá khích của một bộ phận rất nhỏ cổ động viên, thế nhưng lại đang gây khó chịu với phần đông người hâm mộ và đó cũng là một trong những lý do khiến họ phải cân nhắc có hay không đến sân xem V-League.

Những quả pháo sáng rực đỏ, tạo khói mù mịt, gây gián đoạn trận đấu và khó chịu cho người xem (cả xem trực tiếp lẫn gián tiếp qua truyền hình) nguy cơ kéo tụt lượng khán giả đến sân - vốn đã rất ít ỏi, đồng thời tạo hình ảnh xấu xí trong mắt nhiều người. Đây là điều buộc các doanh nghiệp đang và dự định tài trợ cho V-League phải cân nhắc quyết định của mình.

Những thiệt hại khó thể đong đếm hết từ nạn pháo sáng khiến nhà tổ chức giải thực sự đau đầu. Giải pháp mềm mỏng từng được đưa ra ở vòng 1, khi cổ động viên Hải Phòng đốt tới hơn 30 quả pháo, ném xuống sân làm gián đoạn trận đấu song Ban kỷ luật VFF chỉ đưa ra án phạt "cho có" là 20 triệu đồng, kết hợp với kêu gọi sự vào cuộc từ UBND TP Hải Phòng lẫn lãnh đạo đội bóng đất Cảng.

Thế nhưng bẵng đi 1 vòng đấu, pháo sáng lại xuất hiện ở vòng 3 rồi đến vòng 5, 6. Không còn là trường hợp cá biệt của cổ động viên Hải Phòng, nó đã lan sang cổ động viên nhiều đội bóng khác.

Giải pháp mềm mỏng thất bại, thay vào đó là biện pháp cứng rắn, điển hình là quyết định phạt 50 triệu đồng với CLB Hải Phòng, gắn trách nhiệm đội bóng này sau khi để cổ động viên liên tục tái phạm. Thế nhưng, đây vẫn chỉ là giải pháp bề nổi, không giúp giải quyết được cốt lõi vấn đề.

Ban tổ chức các sân V-League đều thừa nhận kinh phí ít ỏi nên không thể lắp đặt các thiết bị điện tử hiện đại nhằm kiểm soát triệt để các quả pháo sáng. Tới nay, tất cả các sân đều chỉ kiểm tra pháo sáng bằng phương pháp thủ công và kết quả là pháo sáng vẫn vào sân trót lọt bằng nhiều cách thức tinh quái của cổ động viên quá khích.

Còn Ban kỷ luật VFF sau khi vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ quyết định "cấm cổ động viên Hải Phòng đến sân khách", nay quay sang xử phạt đội bóng chủ quản mỗi khi có cổ động viên đội đó đốt pháo sáng, bất chấp việc một số CLB ở V-League (trong đó có Hải Phòng) không có Hội CĐV chính thức.

Có vẻ như từ ban tổ chức sân đến ban tổ chức giải và Ban kỷ luật VFF đều đang cùng một trạng thái bế tắc trước bài toán: "Làm sao để V-League không còn pháo sáng?".