"Bà già khó tính" của tuyển vật Việt Nam

ANTĐ - Nỗ lực xuất thần của nữ đô vật Vũ Thị Hằng (SN 1992) đã giúp thể thao Hà Nội giải “cơn khát” giành suất dự Olympic 2016. Đằng sau chiến tích lịch sử ấy còn là những câu chuyện đời thường thú vị của người có biệt danh “bà già khó tính” ở tuyển vật Việt Nam.Giấu bố mẹ, đạp xe 10km đi học vật

"Bà già khó tính" của tuyển vật Việt Nam ảnh 1

Sinh ra trong một gia đình nghèo tại thôn Cầu Cần, xã Việt Lập, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, không có ai theo nghiệp VĐV, Vũ Thị Hằng đến với bộ môn vật một cách tình cờ. Ngay từ khi còn học THCS, Hằng đã thích thể thao và thường xuyên tham gia chơi bóng rổ, bóng chuyền, sau đó chuyển theo học lớp võ cổ truyền của huyện Tân Yên. Sau vỏn vẹn nửa năm tập luyện, Hằng đã xuất sắc đoạt giải Ba tỉnh Bắc Giang.

Bước ngoặt đưa Hằng đến với VĐV chuyên nghiệp khi cô được thầy Dương Văn Sản chấm chọn trong một lần đi tuyển quân cho xới vật mở tại nhà. “Thấy em nhanh nhẹn nên thầy Sản dắt sang lớp học vật tập thử. Nhìn các anh chị tập vật, có nhiều động tác lộn nhào thấy hay nên em theo học”, Hằng kể lại.

Con đường đến với VĐV chuyên nghiệp của cô bé Vũ Thị Hằng gắn với chuỗi ngày kiên trì đạp xe 10km từ nhà tới xới vật nhà thầy Sản và những cơn đau ê ẩm sau mỗi buổi tập. “Sợ bố mẹ lo lắng, không đồng ý nên em phải giấu gia đình đi tập, nói dối là đi học thêm văn hóa. Mãi sau này tới khi được Trung tâm đào tạo VĐV cấp cao Hà Nội tuyển chọn, bố mẹ em mới ngã ngửa”, nhà vô địch SEA Games 2013 vui vẻ kể về quãng thời gian nhập môn.

Biệt danh “bà già khó tính”

Những ngày đầu hòa nhập môi trường mới, cuộc sống mới ở Trung tâm đào tạo VĐV cấp cao Hà Nội đối với một cô bé nông thôn mới 16 tuổi như Hằng không hề dễ dàng. Theo lời kể của VĐV đàn chị Nguyễn Thị Lụa, thời gian đầu vào Trung tâm Hằng rất nhát, không dám nói chuyện với ai: “Phải vài tháng sau Hằng mới bắt đầu bắt chuyện, hòa nhập với các chị em ở đội” . Còn theo Hằng tự nhận thì cô là người trầm tính, có cậy mồm cũng không nói. “Ngày đầu vào đội vật Hằng hay bị thầy phạt vì chậm chạp. Buổi nào mà em nó bị kiểm điểm trước toàn đội thì phải mất cả tiếng đồng hồ vì hỏi mãi mới lí nhí thốt ra một câu”, Lụa kể và cho biết giờ Hằng đã “lột xác” thành “bà tám” của đội.

“Riêng Hằng nhận số 2 thì không ai dám nhận số 1”, Lụa dí dóm nói về người em và cũng là người bạn thân tại đội vật nữ. Cũng theo lời kể của nữ đô vật kỳ cựu này, ở đội tuyển vật, Hằng có biệt danh mới là “bà già khó tính”. Chuyện là ở tuyển vật, các VĐV đi trước có nhiệm vụ kèm cặp các em mới vào. Những VĐV trẻ còn ngô nghê, hay thực hiện sai động tác. “Thấy vậy là Hằng mắng luôn, nhưng mắng để cho các em tiến bộ rồi uốn nắn đến khi nào đạt mới thôi. Thế nên ở đội, Hằng được các VĐV trẻ quý bởi thẳng thắn, chỉ bảo tận tình”, Lụa nhận xét.

Có một câu chuyện mà cho tới tận bây giờ, Hằng mới tâm sự, đó là tại Đại hội TDTT toàn quốc năm 2010, Hằng thi đấu không tập trung, ảnh hưởng tới thành tích chung của đội. Hệ quả là cả đội vật nữ bị thầy phạt phải chạy giữa trời nắng suốt một tuần liền. “Hôm đó trước lúc thi đấu em có gọi điện về cho gia đình thì được báo tin bác ruột qua đời. Lúc đó em vẫn tập bình thường nhưng tâm lý bị ảnh hưởng, cũng không nói cho thầy biết, giữ kín chuyện đó cho tới tận bây giờ”, Hằng tâm sự. 

Chu cấp cho em học đại học

Gia đình không mấy dư giả nên ngay từ nhỏ, Hằng đã biết chắt chiu trong chi tiêu và tự lập để giúp đỡ bố mẹ. Từ khi được gọi lên đội tuyển quốc gia năm 2010 đến nay, ngoài tiền ăn, phụ phí, Hằng được 120.000 đồng/ngày tiền công theo quy định. Thời gian chuẩn bị cho Olympic 2016, cô được nâng lên mức 400.000 đồng/ngày do nằm trong nhóm 50 VĐV được đầu tư trọng điểm.

Số tiền ít ỏi nhưng nhờ chắt chiu, cộng với tiền thưởng từ các tấm huy chương, Hằng sắm sửa một số đồ đạc để cuộc sống của bố mẹ ở quê tươm tất hơn. Đáng nể hơn, dù lịch tập luyện, thi đấu dày đặc nhưng nữ đô vật vẫn thu xếp để theo học trường ĐH TDTT Bắc Ninh hệ chính quy, buổi tối còn tranh thủ học thêm tiếng Anh tại một trung tâm ngoại ngữ trên phố Chùa Láng, Hà Nội. “Em muốn có chút vốn ngoại ngữ, để khi đi thi đấu và có thể sau này theo đuổi công tác huấn luyện, có thể giao lưu và học hỏi với các đồng nghiệp quốc tế”, Hằng chia sẻ.

Là chị cả trong gia đình có 3 chị em, Hằng còn chu cấp toàn bộ để nuôi cô em gái hiện đang học năm thứ ba trường ĐH Kinh tế Quốc dân để đỡ đần cho bố mẹ. Trong mắt người thân và đồng nghiệp, Vũ Thị Hằng là tấm gương đáng để học hỏi.