“Ao làng” và những bài học

(ANTĐ) - Ít ai nghĩ rằng, điền kinh “rụt rè” lo ngại với mục tiêu chỉ giành 5-6 HCV rồi làm một cuộc đột phá khi đoạt tới 8 HCV - bằng với thành tích của SEA Games trước cho dù lực lượng của chúng ta thiếu hụt đi một số nhân tố vàng. Trong số 8 HCV này, có tới 4 kỷ lục SEA Games được các VĐV Việt Nam phá vỡ: Trương Thanh Hằng (2 kỷ lục), Vũ Văn Huyện và Nguyễn Đình Cương. Thành công của các đô vật Việt Nam cũng đem về 8/9 HCV của đại hội. Sự chênh lệch về đẳng cấp giữa VĐV Việt Nam và các nước trong khu vực sẽ là tiền đề cho vật Việt Nam giữ vững ngôi đầu trong nhiều năm nữa.

Tạm biệt SEA Games 24:

“Ao làng” và những bài học

(ANTĐ) - Ít ai nghĩ rằng, điền kinh “rụt rè” lo ngại với mục tiêu chỉ giành 5-6 HCV rồi làm một cuộc đột phá khi đoạt tới 8 HCV - bằng với thành tích của SEA Games trước cho dù lực lượng của chúng ta thiếu hụt đi một số nhân tố vàng. Trong số 8 HCV này, có tới 4 kỷ lục SEA Games được các VĐV Việt Nam phá vỡ: Trương Thanh Hằng (2 kỷ lục), Vũ Văn Huyện và Nguyễn Đình Cương. Thành công của các đô vật Việt Nam cũng đem về 8/9 HCV của đại hội. Sự chênh lệch về đẳng cấp giữa VĐV Việt Nam và các nước trong khu vực sẽ là tiền đề cho vật Việt Nam giữ vững ngôi đầu trong nhiều năm nữa.

Đúng 18h chiều qua trên SVĐ trung tâm mang tên Kỷ niệm 80 năm ngày sinh Đức vua Thái Lan, lễ bế mạc SEA Games 24 đã diễn ra. 475 bộ huy chương của 43 môn thi đấu đã có chủ và đoàn Việt Nam dù không hoàn thành chỉ tiêu 65 HCV (203 huy chương trong đó 64 HCV, 58 HCB và 82 HCĐ chấp nhận đứng thứ 3 toàn đoàn sau Thái Lan và Malaysia) nhưng có thể coi là thành công trước nhiều bất công do BTC cố tình gây sức ép hoặc “lỗi” từ phía trọng tài.

Chuyện có những nội dung thi đấu quá ít VĐV tham dự nhưng vẫn buộc phải tổ chức để nước chủ nhà... có Vàng, là bình thường ở SEA Games lần này. ấy vậy mà Việt Nam còn suýt bị tước mất HCV ở Aerobic sport dù các VĐV của chúng ta hơn hẳn điểm nghệ thuật. Thái Lan còn áp dụng chiêu khác là... đánh tráo đối thủ, đổi hẳn phân cặp đấu, hoặc rỉ tai trọng tài yêu cầu phải có HCV.

BTC cũng chính thức thông báo những sự điều chỉnh giờ thi đấu, điều chỉnh sự thay đổi vô lý chỉ sát giờ thi đấu khiến các nước tham dự bất bình, tranh cãi quyết liệt và bị ức chế tâm lý thi đấu. Đấy là lý do Malaysia, Singapore và cả Việt Nam nhiều lần dọa bỏ thi đấu, và thực tế họ đã không tham gia một số nội dung. Indonesia thì “khôn” hơn khi cho rằng nước này không coi trọng sân chơi quá nhỏ và đầu tư thích hợp cho những đại hội lớn châu Á, Ôlympic.

Đã có những dấu hiệu cho thấy trong tương lai rất gần, SEA Games sẽ mất chất và biến thành một phong trào thể thao chứ không phải là đại hội thể thao đỉnh cao nữa. Thế mà các quan chức thể thao Việt Nam lại dồn hết tâm sức, tiền của để quyết đua tranh ở một sân chơi quá nhiều tệ hại ấy.

Một vấn đề nữa đối với thể thao Việt Nam, như Trưởng đoàn Hoàng Vĩnh Giang, việc đưa ra chỉ tiêu thấp hơn so với thực lực khiến lãnh đạo, HLV và VĐV nhiều bộ môn chưa cố gắng hết sức sau khi đã giành đủ số huy chương dự tính, trong khi thực lực các nước tham dự đã lớn mạnh hơn rất nhiều. Rồi sự “chạy đua” thành tích được hiểu rõ hơn khi ông HLV A.Riedl bộc bạch với hãng tin nước ngoài.

Ông ta đã phải chịu áp lực quá lớn phải thắng sau sự khởi sắc của U.23 Việt Nam tại Asian cup 2007 và đó là lý do các tuyển thủ đã bị vắt kiệt sức trên tất cả các mặt trận, rồi chơi vô hồn và không có nổi một khát khao, một niềm tin đem vinh quang cho Tổ quốc tại SEA Games này.

Biểu tượng của SEA Games 2009 được thiết kế với hình một ngọn tháp Pha That Luang linh thiêng ở Viêng Chăn nằm trên 3 đường cong uốn lượn thể hiện dòng sông Mê Kông hiền hòa. Linh vật của SEA Games là 2 chú voi Champa và Champi - hình ảnh tiêu biểu của đất nước triệu voi. Và thông điệp của SEA Games 25 là “Sự tương phản của cuộc sống” diễn tả một quá khứ chiến tranh và sự đổi thay từng ngày, từng giờ của đất nước Lào và các nước ĐNÁ hiện nay.

Vẫn biết “ao làng” ĐNA chỉ là cuộc chơi ở vùng trũng và không thực sự tạo nên đẳng cấp cho thể thao khu vực. Do đó, khi màn ca múa, đồng diễn có chủ đề “Thông điệp từ trái tim” thể hiện tình cảm đặc biệt của người dân Nakhon Ratchasima với bạn bè khu vực đã xua đi những đắng cay, tiếc nuối và cả tự trách mình.

Hơn 6.000 nghệ sĩ, diễn viên và các học sinh trung học ở tỉnh đông bắc Thái Lan đã tham gia màn biểu diễn, chào mừng thành công của đại hội. Một không khí chan hòa, thắm tình đoàn kết tràn khắp SVĐ cùng màn pháo hoa rực rỡ. Nỗ lực của BTC SEA Games 24 quả là đáng khen ngợi khi họ đã đầu tư không ít tiền của, công sức cho công tác tổ chức, lễ khai mạc, bế mạc hoành tráng; người dân Thái Lan ở Korat cực kỳ thân thiện, phục vụ nhiệt tình và hiếu khách...

Trước đó, Thủ tướng Thái Lan, Surayud Chulanont tuyên bố bế mạc SEA Games 24, hạ cờ SEA Games và trao lại cho Lào, nước chủ nhà SEA Games 25 - năm 2009. SEA Games 24 đã kết thúc. Tạm biệt Nakhon Ratchasima, xin chào Viêng Chăn, Lào 2009.

Hà Trung  - Phi Điệp

(Từ Nakhon Ratchasima)

Trước SEA Games 24, Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ đã nói rằng: “Chưa bao giờ đội U.23 Việt Nam được quan tâm và đầu tư lớn như năm nay. Thực lực của chúng ta khá mạnh, không vô địch bây giờ thì bao giờ mới vô địch”. Thế nhưng, kỳ vọng và sự giao nhiệm vụ ấy của ông Hỷ lại không trở thành sự thực. Chưa bao giờ, bóng đá Việt Nam thi đấu bết bát và trở thành một trò đùa. Đáng tiếc trò đùa ấy do chính VFF và A.Riedl cùng một phần lỗi từ các tuyển thủ U.23 Việt Nam tạo ra. Bên cạnh đó, bóng đá nữ Việt Nam cũng mang một nỗi buồn. Nhưng ít ra, dù không bảo vệ thành công ngôi vô địch nhưng các cô gái Việt Nam đã giành quyền vào tới tận chung kết và đã thi đấu bằng tất cả nỗ lực, niềm tin cũng như tâm huyết đang có.

SEA Games 25 sẽ được tổ chức tại Lào tháng 12-2009 tại 3 địa điểm Viêng Chăn, Luang Prabang và Savan Nakhet. SEA Games 25 chỉ có 25 môn thể thao được đưa vào chương trình thi đấu, trong đó có các môn ưu thế của nước chủ nhà là petanque và các môn võ. Ngược lại, một số môn như thể dục hay bóng rổ đã bị loại khỏi SEA Games 25. Các phóng viên cũng gợi ý với các quan chức Lào về việc bổ sung môn xe đạp bởi nước này có địa hình đồi núi rất thuận lợi cho việc tổ chức. Các quan chức Lào cho biết họ cũng nhận được sự trợ giúp của các nước láng giềng Việt Nam, Trung Quốc trong việc xây SVĐ chính sức chứa khoảng 20.000, trung tâm huấn luyện thể thao và 4 nhà thi đấu.