Ai cô lập Công Phượng ở đội tuyển U23 Việt Nam?

ANTĐ - Không được đồng đội cung cấp bóng, Công Phượng ít có cơ hội thể hiện khả năng trong 45 phút được tung vào sân trận U23 Việt Nam gặp U23 Indonesia tối 9-3. Và nghi vấn tiền đạo của HAGL bị cô lập xuất hiện...

Trong 45 phút xuất hiện trên sân, Công Phượng có một tình huống đáng chú ý ở phút 51 khi đi bóng qua 2 cầu thủ đối phương, chuyền bóng cho Thanh Bình trước khi Huy Toàn bỏ lỡ cơ hội ghi bàn từ cú đánh đầu thiếu chính xác. Phần lớn thời gian còn lại, do hàng tiền vệ chơi chệch choạc, thường xuyên để mất bóng trong các pha tranh chấp và thực hiện nhiều đường chuyền hỏng, chuyền sai địa chỉ nên Công Phượng thường xuyên rơi vào tình trạng "đói" bóng.

Nhìn hình ảnh Công Phượng hò hét "xin" bóng, rồi thất vọng khi đồng đội thực hiện đường chuyền sai, nhiều người suy đoán anh đang bị cô lập và đặt dấu hỏi: Ai là người cô lập tiền đạo HAGL ở trên tuyển?

Ai cô lập Công Phượng ở đội tuyển U23 Việt Nam? ảnh 1

Công Phượng buộc phải tự thích nghi và vươn lên ở môi trường mới (ảnh Zing)

Cá nhân người viết cho rằng, sự cô đơn của Công Phượng trong trận đấu tối 9-3 là điều dễ hiểu.

Thứ nhất, các cầu thủ ở U23 hiện tại tuổi đời còn trẻ, đa số mới lần đầu lên tuyển nên rất muốn thể hiện mình, dẫn đến nóng vội, đôi lúc sa đà vào xử lý theo tính cá nhân, thay vì tuân theo đấu pháp mang tính tập thể. Cũng bởi còn non kinh nghiệm nên khó tránh tình trạng "khớp" tâm lý ở một trận giao hữu quốc tế. Đặt khả năng, nếu Indonesia hôm qua chơi nhỉnh hơn và dẫn trước thì sự chệch choạc của hàng tiền vệ - theo thừa nhận của HLV Miura sau trận - còn lớn hơn.

Thứ hai, do mới tập trung hơn 10 ngày nên sự lạc nhịp trong phối hợp, tổ chức tấn công giữa các tuyến hoàn toàn dễ hiểu.

Thứ ba, trận gặp Indonesia tiếp tục là cuộc thử nghiệm, xoay tua của HLV Miura. Quan sát những trận đấu hay những buổi tập vừa qua có thể thấy ông thầy người Nhật muốn xé lẻ nhóm 9 cầu thủ HAGL để tập cho họ thích nghi với phần còn lại của đội. Điều này thể hiện qua việc xếp các cầu thủ HAGL ở chung phòng cũng như đá cặp với cầu thủ lò đào tạo khác mà ông Miura đã áp dụng. Từ khi chơi bóng ở CLB lẫn trên tuyển U19, Công Phượng đã quen với việc được cung cấp bóng từ Tuấn Anh, Xuân Trường... nhưng ở màu áo U23, tiền đạo này không còn được sự hỗ trợ từ các "cạ cứng". Những phép thử Công Phượng với một số cầu thủ khác của HLV Miura thời gian qua là để tìm phương án dự phòng, cũng như thử thách sự thích nghi và giúp thể hiện khả năng tiềm ẩn của tiền đạo quê Nghệ An này.

Thứ tư, khả năng đồng đội cố tình cô lập Công Phượng có thể loại bỏ bởi tự thân mỗi người hiểu hơn ai hết, nếu không tuân thủ chiến thuật, tinh thần tập thể mà ông Miura thì chính họ đã tự loại mình khỏi danh sách rút gọn dự Vòng loại châu Á sắp tới. 

Nói thế để thấy, không ai cố tình cô lập Công Phượng ở tuyển U23 lúc này. Ngược lại, nếu không dốc hết khả năng và sửa chữa một số hạn chế cá nhân, Công Phượng sẽ tự cô lập bản thân mình khỏi tập thể mà ông Miura đang xây dựng để hướng đến những mục tiêu cao.