Thể thao Việt Nam: Làm gì để không bị bỏ lại phía sau?

ANTD.VN - Đánh giá 2016 là năm kỳ tích của thể thao Việt Nam song chuyên gia Nguyễn Hồng Minh - nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao cũng chỉ ra những thách thức cho tương lai.

Thể thao Việt Nam: Làm gì để không bị bỏ lại phía sau? ảnh 1Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh

- PV: Sau 36 năm dự Olympic, Việt Nam lần đầu có HCV nhờ công của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh. Ông có bình luận gì về thành tích lịch sử này?

- Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh: Olympic 1980, khi các nền thể thao phát triển đặt vấn đề chiến thắng, có Huy chương để hướng tới thì chúng ta mới bắt đầu tham gia qua các suất mời đặc cách với tâm lý học hỏi là chính. Quãng thời gian dài sau đó, việc tham dự Olympic vẫn phụ thuộc vào số suất đặc cách dành cho các nền thể thao đang phát triển. 

Nói vậy để thấy, chúng ta đã có một kỳ Olympic 2016 thành công hơn mong đợi, không chỉ về chất lượng với 1 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc mà còn ở việc có 23 vận động viên trải đều ở 10 môn tham dự. Thành công ấy khẳng định một điều rằng, nếu có sự chuẩn bị kỹ, đầu tư đúng thì người Việt Nam hoàn toàn có thể vô địch trong các môn thi đấu tại Olympic. Đó là động lực làm thay đổi tư duy, cách nghĩ và tôi cho đó là thành công lớn nhất.

- Còn những thất bại của cử tạ và Taekwondo tại Olympic Rio được nhìn nhận ra sao, thưa ông? 

- Với Taekwondo, nếu lấy thành tích Huy chương Bạc Olympic 2000 của Trần Hiếu Ngân và các đại hội sau chúng ta đều có đại diện tranh tài thì việc vắng bóng tại Olympic 2016 là một sự thụt lùi. Nhưng cần nhìn nhận đối thủ quá khứ và đối thủ hiện tại là khác nhau. Hiện chúng ta đang có các vận động viên Taekwondo trẻ triển vọng và hoàn toàn hy vọng ở tương lai. Còn về cử tạ, đây là môn được đầu tư mạnh nhất và “sáng cửa” nhất nhưng lại thất bại ê chề nhất. 

Tôi có quen Chủ tịch Liên đoàn Taekwondo Trung Quốc, sau khi họ giành Huy chương Vàng Olympic 2004, 2008 ông ấy nói với tôi rằng, Olympic tới các vận động viên Taekwondo Trung Quốc sẽ không thể tái lập thành tích đó và thực tế là vậy. Điều này cho thấy, trong thể thao, người ta phải luôn nỗ lực vươn lên phía trước. Thể thao không có quy luật ấn định rằng ngày hôm nay anh chiến thắng thì ngày mai anh sẽ lại chiến thắng.

- Phải chăng đó cũng là lời nhắc nhở với Hoàng Xuân Vinh, với bắn súng và với thể thao Việt Nam nói chung trong tương lai?

- Xuân Vinh đã hoàn thành sứ mệnh đoạt Huy chương Vàng Olympic cho Việt Nam. Chúng ta có thể hy vọng nhưng không nên đòi hỏi Xuân Vinh phải tái lập thành tích tại Olympic Tokyo 2020. Vấn đề là phải chuẩn bị thế nào để có những người kế cận đủ sức. Phải có nhiều thế hệ nhà quản lý giỏi, vận động viên giỏi nối tiếp nhau. 

Cân nhắc, tính toán đấu trường nào, bộ môn nào, nội dung thi đấu và vận động viên nào là sự đấu tranh với mọi nền thể thao. Nhà quản lý khôn ngoan phải dũng cảm quyết định. Nhưng theo tôi có một quy luật chung là đầu tư là phải trọng tâm, trọng điểm. Chỉ có đầu tư trọng điểm mới không bị bỏ lại phía sau trong đà phát triển chung của thể thao thế giới. 

Năm 2017 tham gia SEA Games, chúng ta vẫn sẽ gặp những khó khăn cố hữu như việc nước chủ nhà sẽ bỏ các môn thế mạnh của ta mà đưa môn, nội dung sở trường của họ vào. Nhưng tôi cho rằng, chúng ta không nên quá phụ thuộc vào đấu trường này mà cần tập trung các môn Olympic, có vậy mới mong Ánh Viên có Huy chương Vàng ASIAD hay tương tự là thể dục dụng cụ, bắn súng… 

Thể thao Việt Nam: Làm gì để không bị bỏ lại phía sau? ảnh 2Kình ngư trẻ Nguyễn Thị Ánh Viên là sản phẩm của sự đầu tư trọng điểm

- Sẽ thật thiếu sót nếu nhìn lại thể thao Việt Nam 2016 mà không nhắc tới bóng đá với một năm nhiều gam màu cảm xúc. Dưới góc nhìn của một người nghiên cứu thể thao, ông có chia sẻ gì?

- Thể thao nói chung và điển hình là bóng đá có sức ảnh hưởng lớn và đôi khi nó là biện pháp thúc đẩy một cộng đồng lớn. Trình độ là một vấn đề, chúng ta có sai sót, có điểm yếu trong chuẩn bị, nhưng tôi cho những trận như bán kết AFF Cup vừa rồi để lại xúc cảm lớn. Và tất cả đều thừa nhận rằng những chiến thắng của futsal, của U19 nỗ lực như thế đều tác động tích cực để bản thân những người làm thể thao thêm tin tưởng, nỗ lực vươn lên hơn nữa. 

Trong chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam mà tôi có nghiên cứu thì thấy rằng, chúng ta đặt ra lộ trình rất rõ. Chỉ đáng tiếc sự chỉ đạo của giới quản lý trong vấn đề này chưa được chặt chẽ. Dựa theo kinh nghiệm của các nền bóng đá tiên tiến thì có lẽ, chúng ta phải có biện pháp tích cực và kiên quyết trong việc xây dựng hệ thống đào tạo trẻ bài bản. Và tôi thấy những biện pháp đó đã dần tác động tới các CLB.

- Xin cảm ơn ông!