Thế kẹt của Libya

ANTĐ - Phe nổi dậy Liya và đại diện chính quyền của nhà lãnh đạo M. Gaddafi vừa tổ chức cuộc đàm phán bí mật tại Tunisia. Một lần nữa hy vọng gỡ thế bế tắc cuộc xung đột ở Libya lại nhen lên. 

Đảo Djerba - nơi diễn ra cuộc gặp bí mật giữa hai phe đối đầu ở Libya

Một nguồn thạo tin giấu tên tiết lộ cho báo chí rằng “Các đại diện của phe nổi dậy và của ông M. Gaddafi đã gặp nhau”. Cuộc hội đàm này diễn ra bí mật vào tối 14-8 tại một khách sạn trên đảo Djerba ở miền Nam Tunisia, gần biên giới với Libya. Tuy nhiên ông này không nêu đích danh bất cứ ai tham gia cuộc đàm phán trên, còn Chính phủ Libya thì phủ nhận thông tin mà tiết lộ trên đưa ra. 

Có thể nói kể từ khi Libya bị chia cắt làm hai miền Đông - Tây, chưa bao giờ chính quyền của ông M. Gaddafi lại rơi vào tình thế khó khăn như hiện nay. Không chỉ Mỹ và các nước phương Tây, mà ngay người đồng minh thân cận một thời là Nga hôm 12-8 cũng bắt đầu áp dụng các biện pháp trừng phạt nhằm vào ông M. Gaddafi cùng các quan chức cao cấp của Libya, đồng thời cho phép kiểm tra tàu thuyền từ Libya hoặc tới Libya nếu có thông tin những tàu thuyền đó vận chuyển hàng hóa bị cấm, vũ khí, lính đánh thuê.

Trong khi đó trên chiến trường, lực lượng đối lập bắt đầu đẩy mạnh hoạt động quân sự và tuyên bố đã chiếm được hàng loạt các thị trấn như Surman ngay sát thành phố    Zawiyah và đang tấn công vào thị trấn Garyan, cửa ngõ phía Nam tiến vào Tripoli. Nếu như lực lượng này kiểm soát được con đường cao tốc huyết mạch nối Thủ đô Tripoli tới nước láng giềng Tunisia, chính quyền của ông M. Gaddafi sẽ bị cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài.

Tuy nắm thế chủ động trên chiến trường và được sự chi viện tối đa của NATO nhưng tình cảnh của phe đối lập lại không khả quan là mấy. Sau vụ Tướng Younis, Tổng Tư lệnh lực lượng quân đối lập, bị sát hại một cách bí ẩn, nội bộ lực lượng chống chính phủ ngày càng chia rẽ. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp A. Jalil đã bị tấn công tại khách sạn khi đang tổ chức một cuộc họp báo tuyên bố về cái chết của Tướng Youni. Con trai của Tướng Youni thậm chí còn yêu cầu Chính phủ Libya giúp mang lại sự ổn định cho thành phố Bengazi, thành trì của phe đối lập.

Trong những ngày gần đây, làn sóng phản đối Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp (NTC) đã nổ ra tại nhiều thành phố thuộc quyền kiểm soát của lực lượng chống chính phủ. Tại các thành phố như Bengazi, Darnah và Tobruk, người dân địa phương đã đứng lên chống lại NATO và các băng nhóm vũ trang thuộc NTC, yêu cầu chấm dứt sự cầm quyền bất hợp pháp của NTC bất chấp việc NATO sử dụng máy bay trực thăng để uy hiếp những người biểu tình.

Trong thế bế tắc như vậy, những cuộc gặp gỡ bí mật thường được hai bên đối đầu coi như biện pháp thăm dò nhau, trước hết là để kéo dài thời gian hòa hoãn, tạo cơ hội củng cố lực lượng cho các đợt phản công mới. Không bên nào thực bụng với nhau mà đều muốn giữ thể diện để không bị đối phương, và nhất là dư luận cho rằng mình đang ở thế yếu. Chính vì thế mà Chính phủ Libya mới phủ nhận tin đàm phán bí mật, còn phe đối lập thì không tuyên bố gì. 

Chính vì thế, các cuộc gặp như vậy chưa thể là giải pháp đi đến chấm dứt xung đột ở Libya. Bước ngoặt chỉ xảy ra ở Libya khi mà một bên xung đột giành thế áp đảo tuyệt đối trên chiến trường, hoặc là một giải pháp chính thức được hai bên ký kết với vai trò trung gian hòa giải từ bên ngoài, chẳng hạn như Liên hợp quốc hay Liên minh châu Phi (AU).