Thể hiện chữ tâm của người thầy

ANTĐ - Liên quan đến việc thực hiện Thông tư 30/2014 của Bộ GD-ĐT về đánh giá học sinh tiểu học, nhiều giáo viên, phụ huynh cho rằng Thông tư đã có tác động tích cực trong hoạt động giảng dạy và học tập, songđể thực hiện tốt quy định này, rất cần cái tâm của người thầy...

Thể hiện chữ tâm của người thầy ảnh 1Học sinh tiểu học không còn bị áp lực về điểm số

Giáo viên cần nhận xét linh hoạt, sáng tạo

Cô giáo Phạm Thu Hiền - giáo viên trường Tiểu học Hoàng Diệu, quận Ba Đình, Hà Nội cho rằng, về cơ bản, việc đánh giá học sinh theo hướng dẫn mới thực sự không gây nhiều xáo trộn, mặc dù lượng công việc có thể nhiều hơn và tâm lý giáo viên có vẻ e dè khi mới  thực hiện. Tinh thần của Thông tư 30 thực sự rất tiến bộ và nhiều ý nghĩa tích cực, song để giáo viên có thể đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, có thêm thời gian.

Trong quá trình triển khai thực hiện, một số giáo viên cho rằng, theo Thông tư 30, giáo viên phải có quá nhiều sổ sách như sổ họp hội đồng, họp chuyên môn, họp Công đoàn, sổ bồi dưỡng thường xuyên, sổ tích lũy kinh nghiệm, sổ dự giờ rút kinh nghiệm, sổ nghị quyết… khiến họ trở nên quá tải. Về vấn đề này, ông Phạm Ngọc Định - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học - Bộ GD-ĐT cho biết, Bộ đã có chỉ đạo cụ thể về các loại hồ sơ, sổ sách và cách sử dụng sao cho giáo viên vừa đủ dùng. Cụ thể là tại Điều lệ trường tiểu học đã quy định chỉ có 4 loại sổ sách gồm: giáo án (Bài soạn); sổ ghi chép sinh hoạt chuyên môn, dự giờ; sổ theo dõi kết quả kiểm tra, đánh giá học sinh; sổ chủ nhiệm. Tiếp theo đó, Bộ GD-ĐT đã ban hành Công văn số 68, trong đó nêu rõ: “Một giáo viên dù dạy một hay nhiều môn, có thể chỉ cần một cuốn sổ theo dõi chất lượng. Mẫu sổ do Bộ hướng dẫn chỉ là gợi ý, không bắt buộc giáo viên phải thực hiện theo mẫu đó…”, ông Phạm Ngọc Định nói. Bộ cũng đã chỉ đạo các cấp quản lý thực hiện nghiêm túc các biện pháp giảm thủ tục hành chính, hồ sơ, sổ sách…

Ngoài ra, một số giáo viên còn băn khoăn: “Thầy cô sao có thể nhận xét được hết vở 50 học sinh trong 1 tiết?”. Về vấn đề này, ông Phạm Ngọc Định khẳng định, Thông tư 30 không quy định tiết học nào cũng viết nhận xét và viết nhận xét cho đủ tất cả vở của học sinh. Công văn của Bộ cũng đã nêu rõ, trong đánh giá thường xuyên bằng nhận xét, giáo viên “được quyền chủ động vận dụng một cách linh hoạt, có thể bằng “lời nói” hoặc là “viết” phù hợp với học sinh và nhà trường”. Thực hiện việc đánh giá đúng theo Thông tư 30 không chỉ xác nhận học sinh học được gì, mà còn đánh giá quá trình các em học như thế nào, tư vấn hướng dẫn, giúp đỡ, động viên cụ thể phù hợp với từng đối tượng  học sinh. 

Về vấn đề này, cô giáo Nguyễn Mai Thu - giáo viên một trường tiểu học ở quận Tây Hồ đưa ra giải pháp, để tránh mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến công tác giảng dạy, mỗi người cần sắp xếp ghi nhận xét vào vở học sinh một cách khoa học, tránh làm lấy lệ, mang tính đối phó. Không nhất thiết hết 1 tháng, giáo viên phải ghi đủ nhận xét cho 100% học sinh vào sổ mà tùy theo giai đoạn kiến thức để  nhận xét cho phù hợp. Việc đánh giá học sinh bằng nhận xét thay cho đánh giá bằng điểm số như trước đây giúp giáo viên gần gũi với học sinh. Học sinh không còn áp lực điểm số, tâm lý thoải mái hơn.

Tạo điều kiện cho cả cô và trò

Có thể nói, việc đổi mới cách đánh giá kết quả học tập của học sinh tiểu học từ điểm số bằng lời nhận xét đòi hỏi người thầy phải huy động, chắt lọc, lựa chọn từ ngữ phù hợp với kết quả đạt được của từng em học sinh, để cho việc đánh giá không bị trùng lặp giữa học sinh này và học sinh khác, giữa tuần này và tuần khác, tháng này với tháng khác và giúp các em nhận thấy ưu khuyết điểm để khắc phục, phấn đấu. Mỗi lời nhận xét của người thầy dù bằng lời hay viết ra cũng phải hết sức thận trọng. Vì vậy, đòi hỏi người giáo viên khi ghi vào vở học sinh không những cẩn trọng về cách đánh giá mà phải trong từng nét chữ, thể hiện cái tâm của  người thầy.

Chị Nguyễn Thu Hoài - phụ huynh học sinh có con đang học lớp 3 chia sẻ, trước đây con gái chị rất nhút nhát, ngại phát biểu trong giờ học, không tích cực thảo luận nhóm. Tuy vậy, nhờ sự khích lệ bằng những lời nhận xét tích cực của giáo viên mà chỉ sau một thời gian ngắn, con gái chị tiến bộ rõ rệt, đã tự tin, mạnh dạn hơn, biết chia sẻ kiến thức với bạn. Như vậy, thông tư 30 đã tạo điều kiện cho cả cô và trò cùng nhau tạo ra những tiết học mang tính gợi mở, khám phá, sáng tạo... chứ không phải chạy theo khối lượng kiến thức để thi. Việc học tập trong không khí thoải mái như vậy sẽ đem lại niềm vui, sự thích thú cho học sinh.