Yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông bị bác bỏ qua những Công hàm gửi Liên Hợp quốc

ANTD.VN - Tham vọng chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông bị giáng thêm một đòn nặng khi Mỹ gửi Công hàm tới Liên Hợp quốc để bác bỏ yêu sách đơn phương đòi chủ quyền của Trung Quốc trên vùng biển chiến lược trọng yếu toàn cầu này.

Yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông bị bác bỏ qua những Công hàm gửi Liên Hợp quốc ảnh 1Tàu khu trục USS Mustin của Mỹ ngày 28-5 đã đi vào phạm vi 12 hải lý quanh đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng để bác bỏ yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc 

Bác bỏ yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông

Hợp chúng quốc Hoa Kỳ ngày 2-6 tuyên bố đã gửi công hàm đến Liên Hợp quốc bác bỏ yêu sách đòi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông với khẳng định yêu sách của Bắc Kinh “không phù hợp với luật pháp quốc tế”. Động thái thể hiện lập trường mạnh mẽ của Mỹ về Biển Đông này được Ngoại trưởng Mike Pompeo thông báo khi viết trên Twitter rằng: “Mỹ phản đối yêu sách hàng hải phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông tại Liên Hợp quốc. Chúng tôi bác bỏ những yêu sách phi pháp và nguy hiểm này. Các nước thành viên phải đoàn kết tuân thủ luật pháp quốc tế và tự do trên biển”.

Công hàm của Mỹ đề ngày 1-6-2020 do Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp quốc Kelly Craft gửi Tổng thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres nêu rõ, công hàm của Mỹ nhằm đáp lại công hàm CML/14/2019 của phái đoàn thường trực Trung Quốc tại Liên Hợp quốc. Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp quốc nhấn mạnh, những yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông “mang mục đích can thiệp phi pháp vào quyền và tự do của Mỹ và tất cả các nước khác”, vì vậy Mỹ cho rằng cần phải nhắc lại “lập trường phản đối chính thức đối với những áp đặt bất hợp pháp này”. Ngoài ra, Đại sứ Craft cũng khẳng định Mỹ đặc biệt phản đối cái Trung Quốc gọi là “quyền lịch sử” ở Biển Đông, vốn vượt quá quyền được có trên biển mà Trung Quốc có thể tuyên bố theo luật quốc tế, xét theo UNCLOS 1982.

Công hàm trên được xem là tiếng nói chính thức của Mỹ, đồng thời là tiếng nói mới nhất của các thành viên Liên Hợp quốc phản đối yêu sách đòi chủ quyền ở Biển Đông của Trung Quốc theo công hàm CML/14/2019.  Ngày 26-5 vừa qua, phái đoàn thường trực của Indonesia tại Liên Hợp quốc cũng gửi công hàm số 126/POL-703/V/20 lên Tổng thư ký Liên Hợp quốc để phản đối một loạt công hàm có liên quan tới cái gọi là yêu sách “đường lưỡi bò” đòi chủ quyền ở Biển Đông của Trung Quốc.

Trước đó, Trung Quốc vào ngày 12-12-2019 đã gửi công hàm CML/14/2019 lên Ủy ban về Ranh giới thềm lục địa (CLCS) của Liên Hợp quốc, với nội dung phản đối bản đệ trình xin công nhận thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý của Malaysia. Tại Công hàm này, Trung Quốc cho rằng: Trung Quốc có chủ quyền đối với 4 nhóm đảo mà nước này gọi bằng 4 cái tên Hán hóa là Đông Sa, Tây Sa, Nam Sa và Trung Sa (gồm quần đảo Pratas, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và bãi ngầm Macclesfield); Trung Quốc có các vùng biển (nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa) từ các nhóm thực thể; và Trung Quốc có quyền lịch sử ở Biển Đông. Đây cũng là lần đưa yêu sách chủ quyền theo thuyết “Tứ Sa” vào văn bản chính thức gửi Liên Hợp quốc.

Yêu sách “đường lưỡi bò” hay “Tứ Sa” đều là bất hợp pháp

Sau khi Tòa trọng tài thường trực (PCA) ngày 12-7-2016 ra phán quyết bác bỏ đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông theo yêu sách “đường lưỡi bò” trong vụ kiện Trung Quốc của Philippines, Trung Quốc bắt đầu thúc đẩy yêu sách mới theo cái gọi là thuyết “Tứ Sa” nhằm thay thế yêu sách “đường lưỡi bò”. Sự điều chỉnh này xuất hiện ngay trong Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cùng ngày 12-7-2016, ngay sau khi PCA ra phán quyết và tiếp đó là Sách trắng “Trung Quốc kiên trì giải quyết tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines thông qua đàm phán” của Quốc Vụ viện Trung Quốc đưa ra chỉ một ngày sau đó (13-7-2016), trong đó lần đầu tiên Trung Quốc đề cập tới lập trường về cái gọi là “Các đảo ở Biển Đông” (Nam Hải chư đảo).

Thuyết “Tứ Sa”, yêu sách được Trung Quốc công khai nêu ra thay cho “đường lưỡi bò”, có những điểm đáng chú ý như Trung Quốc yêu sách chủ quyền đối với “Tứ Sa” mà theo 4 nhóm đảo này có đầy đủ các vùng biển: nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa từ các nhóm quần đảo này; đồng thời Trung Quốc cũng đòi quyền lịch sử ở Biển Đông.

So với “đường lưỡi bò” đòi chủ quyền với khoảng 80% diện tích Biển Đông, yêu sách chủ quyền theo cái  gọi là thuyết “Tứ Sa” còn bao phủ vùng biển rộng lớn hơn, trong đó có cả bãi Tư Chính vốn hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Vì thế, yêu sách phi pháp mang danh “Tứ Sa” được đánh giá là nguy hiểm vì kéo theo nhiều hệ luỵ nghiêm trọng hơn yêu sách “đường lưỡi bò”. 

Thế nhưng, dù nguy hiểm thế nào thì cũng như “đường lưỡi bò”, yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông theo yêu sách “Tứ Sa” đều là bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Việc Trung Quốc yêu sách chủ quyền đối với các bãi ngầm ở Biển Đông, bị họ bồi đắp và cải tạo trái phép để rồi quy thuộc thành quần đảo để từ đó đòi xác lập đầy đủ các vùng biển bao quanh là hoàn toàn trái với UNCLOS 1982, vốn xác định rất rõ rằng các bãi ngầm hoặc cấu trúc lúc chìm lúc nổi không phải là đối tượng thụ đắc lãnh thổ, không có vùng biển riêng. 

Bên cạnh đó, toan tính của Trung Quốc xác lập đường cơ sở quanh các đảo thuộc cái gọi là “Tứ Sa” cũng hoàn toàn không có cơ sở. Các Điều 46 và 47 UNCLOS 1982 chỉ được áp dụng với trường hợp quốc gia quần đảo, trong khi Trung Quốc là một quốc gia lục địa. Đặc biệt, Trung Quốc hoàn toàn không được phép xác lập hệ thống đường cơ sở đối với các thực thể thuộc chủ quyền của quốc gia khác bởi đây là sự vi phạm chủ quyền của quốc gia ven biển theo quy định của UNCLOS 1982. 

Chính vì thế, ngày 30-3-2020, Phái đoàn thường trực của Việt Nam tại Liên Hợp quốc đã gửi Công hàm số 22/HC-2020 tới Tổng thư ký Liên Hợp quốc để trình bày một cách có hệ thống về lập trường của Việt Nam đối với các vấn đề pháp lý chính trên Biển Đông. Công hàm thể hiện lập trường nhất quán, rõ ràng và toàn diện của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông, trong đó kiên quyết khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán cùng các quyền lợi chính đáng khác của Việt Nam ở Biển Đông.

Công hàm số 22/HC-2020 phản đối một cách hệ thống các yêu sách không phù hợp với luật pháp quốc tế của Trung Quốc, bao gồm yêu sách “đường lưỡi bò” và yêu sách “Tứ Sa”. Việt Nam nhấn mạnh, các yêu sách này của Trung Quốc hoàn toàn trái với quy định của UNCLOS 1982, đồng thời vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông. 

Cũng như Việt Nam, các quốc gia liên quan không chỉ bác bỏ các yêu sách “đường lưỡi bò” cũng như cái gọi là “Tứ Sa” về luật pháp mà còn bằng những hành động trên thực tế. Trong đó, Mỹ nhiều lần điều các tàu chiến, máy bay vào phạm vi 12 hải lý quanh các đảo, thực thể thuộc 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép như mới đây nhất là tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Mustin ngày 28-5 vừa qua đã đi vào khu vực 12 hải lý của đảo Phú Lâm và Hòn Tháp thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.