Y tá Ấn Độ qua đời sau 42 năm sống thực vật vì bị hiếp dâm dã man

ANTĐ -Một nữ y tá người Ấn Độ đã qua đời sau 42 năm nếm trải bao đau đớn, khổ ải của cuộc sống thực vật vì bị một người đàn ông hãm hiếp và bóp cổ đến gần chết.

Cách đây 42 năm, Aruna Shanbaug được biết đến như một nữ y tá xinh đẹp, tài năng. Cô đang vào 25 tuổi, độ tuổi mặn mà về sắc đẹp và toàn vẹn về trí tuệ. Tuy nhiên, tai ương kinh hoàng đã ập đến với Shanbaug ngay tại bệnh viện mà cô đang công tác. Một người đàn ông đã hãm hiếp, đánh đập và dùng dây chuyền thắt cổ Shanbaug.

Mặc dù thoát chết nhưng Shanbaug buộc dành cả phần đời còn lại trong chiếc giường ở bệnh viện. Cô được chẩn đoán bị tổn thương não nghiêm trọng, liệt toàn bộ cơ thể và rơi vào trạng thái không nhận thức. Các nhân viên chăm sóc Shanbaug đã buộc phải cho cô ăn qua đường mũi trong suốt hơn 40 năm qua.

Cuối cùng, Shanbaug qua đời lúc 8 giờ 30 phút sáng nay 18-5, tại một bệnh viện ở Mumbai sau 6 ngày phát bệnh viêm phổi nặng, kết thúc một cuộc đời u ám và buồn tức tưởi.

Trong khi đó, Sohanlal Bharta Walmiki, kẻ tấn công Shanbaug chỉ bị giam 7 năm tù vì tội cướp của giết người, thậm chí tội danh hiếp dâm cũng không được xét đến, vì thời điểm đó, luật pháp Ấn Độ không công nhận hành vi của tên này là cưỡng hiếp.
Y tá Ấn Độ qua đời sau 42 năm sống thực vật vì bị hiếp dâm dã man ảnh 1Aruna Shanbaug năm 25 tuổi 

Trường hợp của Aruna Shanbaug đã làm dấy lên một cuộc tranh luận về “cái chết nhân đạo” của Ấn Độ. "Thật đau lòng, cuối cùng cô gái của chúng tôi cũng được giải thoát. Cô đã cho thấy sự thụ động bảo thủ của luật pháp Ấn Độ”, Pinki Virani, một nhà văn viết về câu chuyện của Shanbaug cho biết.

Năm 2011, nhà văn Virani đã nộp đơn lên tòa án tối cao cầu xin cho Shanbaug được chết. Cô lập luận rằng “tình trạng của nạn nhân như người chết và cần phải được chết”. Tuy nhiên, tòa án đã bác bỏ lời kêu gọi này.

Y tá Ấn Độ qua đời sau 42 năm sống thực vật vì bị hiếp dâm dã man ảnh 2Bà Shanbaug đã phải sống một cuộc đời thực vật kéo dài 42 năm trong bệnh viện
Cô Virani cũng nói rằng cha mẹ của nạn nhân đã qua đời nhiều năm trước đây, trong khi những người thân khác cũng không duy trì liên lạc. Cô mong muốn tòa án ban hành lệnh đến bệnh viện để bà Shanbaug được hưởng một cái chết nhân đạo.

Nhưng lãnh đạo bệnh viện lại nói với tòa án rằng bà Shanbaug "vẫn có thể ăn và đáp ứng bằng nét mặt cũng như phản ứng liên tục bằng cách phát ra âm thanh”.

Sau sự ra đi của người phụ nữ bất hạnh, luật sư Shekhar Nafade, người đại diện cho nhà văn Virani tại Tòa án tối cao, nói với BBC rằng ông cảm thấy "nhẹ nhõm cho bà Aruna".

Không chỉ riêng ông Nafade, một làn sóng cảm thông cho bà Aruna Shanbaug đang diễn ra trên mạng xã hội Twitter. Nhiều người nói rằng “bà ấy nên được ra đi sớm hơn”. Hầu hết người dùng Twitter đồng ý rằng sự vắng mặt của “quyền được chết” trong hệ thống luật pháp Ấn Độ chính là nguyên nhân chính dẫn đến sự khổ đau của bà Shanbaug.