Xuống thang quân sự, leo thang trừng phạt

ANTD.VN - Bất chấp việc Triều Tiên đã bước qua “lằn ranh đỏ” khi tiến hành thử bom nhiệt hạch, cộng đồng quốc tế, bao gồm cả Mỹ và Hàn Quốc, cho đến nay vẫn khẳng định ưu tiên siết chặt cấm vận chống quốc gia Đông Bắc Á này chứ chưa phải là một giải pháp quân sự.

Xuống thang quân sự, leo thang trừng phạt  ảnh 1Mỹ muốn leo thang trừng phạt kinh tế nhằm buộc Triều Tiên phải từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa 

Trong động thái mới nhất liên quan tới cuộc khủng hoảng hạt nhân và tên lửa trên bán đảo Triều Tiên, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mà Mỹ giữ vai trò chi phối ngày 6-9 đã ra tuyên bố kêu gọi tất cả các quốc gia trên thế giới tăng cường nỗ lực áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên, buộc nước này dừng những hoạt động thử vũ khí. Liên minh quân sự lớn nhất thế giới này cho rằng, thực thi triệt để và minh bạch những lệnh trừng phạt sẵn có của Liên hợp quốc là chưa đủ mà còn phải “tăng cường đưa ra những biện pháp dứt khoát” buộc Triều Tiên từ bỏ con đường gây đe dọa và bất ổn.

Cùng ngày 6-9, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã đề nghị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc áp đặt thêm các lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Triều Tiên cũng như phong tỏa tài sản của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un... Đây được xem là những đề xuất nhằm đáp trả vụ thử bom H (bom nhiệt hạch), cũng là vụ thử hạt nhân thứ sáu của Bình Nhưỡng, vào ngày 3-9 vừa qua.

Việc hết NATO rồi đến Mỹ cùng nhấn mạnh tới việc siết chặt trừng phạt Triều Tiên sau vụ thử bom nhiệt hạch gây chấn động cho thấy Washington và những đồng minh then chốt đang ưu tiên cho giải pháp phi quân sự nhằm đối phó với Bình Nhưỡng. Đây cũng là điều được đích thân Tổng thống Donald Trump khẳng định trong cuộc điện đàm ngày 6-9 với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi tuyên bố hành động quân sự chống Triều Tiên không phải là lựa chọn đầu tiên của Mỹ. 

Đối sách mới nhất của chính quyền Tổng thống Donald Trump khác xa với những phản ứng đầu tiên vào thời điểm Triều Tiên vừa vượt “lằn ranh đỏ” hạt nhân ngày 3-9 vừa qua. Lúc đó, trong khi Tổng thống Donald Trump để ngỏ khả năng tấn công Triều Tiên thì Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis tuyên bố thẳng rằng, Washington sẽ bị đáp trả bằng “phản ứng quân sự dữ dội”. 

Mỹ đã xuống thang trong giải pháp quân sự đối phó với cuộc khủng hoảng hạt nhân và tên lửa Triều Tiên, song rõ ràng đang trù tính “leo thang” bằng đòn trừng phạt kinh tế nặng nề. Theo giới thạo tin tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Bảo an do Mỹ chắp bút soạn thảo đề xuất cấm việc xuất khẩu sang Triều Tiên các loại sản phẩm xăng dầu đã tinh chế, hóa đặc và khí đốt tự nhiên.

Dự thảo nghị quyết cũng yêu cầu phong tỏa tài sản cũng như áp đặt lệnh cấm đi lại đối với nhà lãnh đạo tối cao của Triều Tiên Kim Jong-un. Dự thảo này còn cấm Triều Tiên xuất khẩu hàng dệt may, cấm hoàn toàn việc tuyển dụng lao động Triều Tiên ở nước ngoài, tài sản của hãng hàng không Air Koryo do quân đội Triều Tiên kiểm soát sẽ bị phong tỏa.... 

Theo các chuyên gia, nếu được thông qua, nghị quyết mới sẽ ảnh hưởng lớn tới toàn bộ nền kinh tế Triều Tiên bởi gây ra tình trạng thiếu hụt trầm trọng năng lượng. Triều Tiên cũng mất nguồn thu ngoại tệ rất lớn bởi ngành dệt may hiện là lĩnh vực xuất khẩu lớn thứ hai sau khoáng sản với kim ngạch xuất khẩu năm 2016 đạt 752 triệu USD.

Tuy nhiên, bước leo thang trừng phạt của Mỹ còn phụ thuộc vào quan điểm của Trung Quốc và Nga - hai nước ủy viên có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an, đồng thời là những đối tác kinh tế quan trọng bậc nhất của Triều Tiên.