Xét xử đối tượng vừa là nạn nhân vừa là tội phạm chiến tranh

ANTD.VN - Hơn 2 thập kỷ trước, Dominic Ongwen bị một băng nhóm có tên Quân đội kháng chiến của Chúa (LRA) bắt cóc khi trên đường đi học ở phía bắc Uganda, cậu bé đã bị biến thành một chiến binh nhí. Sau 25 năm, Ongwen trở thành một trong những chỉ huy hàng đầu của nhóm này và bị cáo buộc thực hiện một số hành động tàn bạo nhất trong cuộc chiến tranh chống lại Chính phủ Uganda và các nước láng giềng. 

Người dân ở Lukodi, Uganda đang xem vụ xét xử Ongwen trên truyền hình 

Nạn nhân hay tội phạm?

Vừa qua, Ongwen đã có mặt tại Tòa án hình sự quốc tế (ICC) ở Hà Lan với 70 tội ác chiến tranh và tội chống lại loài người gồm giết người, hãm hiếp, tra tấn, nô lệ tình dục... hầu hết các tội danh này đều diễn ra trong cuộc tấn công vào các trại tị nạn.

Vụ án này đang làm đau đầu các nhà chức trách vì sự xuất hiện của Ongwen còn đặt ra một câu hỏi quan trọng: Vị chỉ huy lữ đoàn này là tội phạm gây tội ác chiến tranh, hay là một nạn nhân?

Ông Ledio Cakaj, tác giả của quyển sách ghi lại trải nghiệm của một người bảo vệ lãnh đạo của LRA cho rằng, phiên tòa cho thấy “một vấn đề rất khó, rất nhiều người của LRA được xem là kẻ xấu nhưng ban đầu họ cũng chính là nạn nhân”.

Lời biện hộ vô tội của Ongwen được truyền đi trực tiếp trên đài truyền hình ở Uganda và việc làm này của ICC được các nhóm nhân quyền hoan nghênh. 

Ongwen hiện khoảng 35-40 tuổi, vụ án xét xử ông ta lại khá phức tạp vì quá khứ là một binh sĩ nhí và bị bắt cóc khi 9-14 tuổi rồi bị buộc phải cầm súng. 

Trước phiên tòa của ICC, Ongwen cho rằng mình là một nạn nhân trong vụ bạo lực của LRA chứ không phải là thủ phạm.

Nhiều người Uganda cảm thông với tình cảnh của Ongwen. Sau khi bị tẩy não từ bé, làm sao cậu ta có thể chịu trách nhiệm cho những hành động sau này của mình? Tuy nhiên, những người khác cho rằng khi đến các cộng đồng, ông ta đã tấn công tàn bạo và họ muốn thấy ông ta phải hầu tòa.

Vụ án của Ongwen là nỗ lực quốc tế đầu tiên giành công lý chống lại LRA do Joseph Kony lãnh đạo. Tổ chức này được cho là đã cướp đi sinh mạng của gần 100.000 người, bắt cóc 60.000 trẻ em ở Uganda và các nước láng giềng. Khoảng 1,7 triệu người Uganda buộc phải ra khỏi nhà trong suốt 2 thập kỷ vì sợ hãi.

Mỹ đã gửi một nhóm Hoạt động đặc biệt đến Trung Phi năm 2011 để giúp tìm Kony, họ đã đưa ra tiền thưởng 5 triệu USD cho ai bắt được Ongwen. Khi bị bắt, Ongwen được coi như một Thiếu tướng của LRA.

Khó chống lại các cáo buộc

Hầu hết các tội danh chống lại Ongwen tập trung vào các cuộc tấn công trại tị nạn từ năm 2002 và 2005. Một trong những vụ tấn công tồi tệ nhất là cuộc càn quét 4 ngày của LRA nhằm vào các trại ở phía đông bắc Congo vào tháng 12-2009, trong đó 350 thường dân bị giết và 250 người khác, trong đó có ít nhất 80 trẻ em bị bắt cóc.

Các luật sư bào chữa cho rằng, nhiều bằng chứng chống lại Ongwen không đáng tin cậy và thân chủ của họ đã bị đánh đập và tổn thương tinh thần sau khi bị bắt cóc.

Tuy nhiên, công tố viên Fatou Bensouda nói với tòa án rằng, nạn nhân trong quá khứ chỉ như một đứa trẻ có thể là một yếu tố giảm nhẹ tội nhưng không phải là yếu tố bảo vệ đối với cáo buộc rằng Ongwen “hết lòng” nắm lấy quyền lực.

Ongwen đã trực tiếp tham gia vào nhiều cuộc tấn công nhằm vào dân thường. Ông ta biết rằng, tội mình gây ra nằm trong các cuộc tấn công trên diện rộng và có hệ thống. Ongwen đã đóng vai trò quan trọng trong việc bắt cóc trẻ em để duy trì sức mạnh chiến đấu của LRA.

Bensouda cho biết, các nhân chứng còn nhớ lại Ongwen ra lệnh “cắn và ném đá một người đàn ông cho tới chết” và đưa ra dẫn chứng rằng đa số trẻ em trong “tiểu đoàn” của Ongwen đều là những trẻ vị thành niên thường xuyên bị bắt tham gia vào việc tra tấn và giết người “để thuyết phục chúng rằng việc quay trở lại với xã hội là điều không chấp nhận được”.

LRA hiện chỉ có khoảng 100 chiến binh, nhưng vẫn khiến người dân các vùng xa xôi lo sợ. LRA còn truyền cảm hứng cho các nhóm quân sự khác muốn học hỏi các biện pháp tàn bạo của họ. 

Trong số 5 lãnh đạo của LRA mà ICC truy tố 11 năm trước, hiện chỉ có Ongwen và cựu lãnh đạo Kony còn sống. Khoản tiền thưởng 5 triệu USD cho ai cung cấp thông tin về Kony, hiện hắn vẫn đang ngoài vòng pháp luật.