Xây dựng châu Á-Thái Bình Dương thành khu vực hòa bình, hợp tác và phát triển

ANTĐ - Trong phiên họp toàn thể thứ 2 của Hội nghị An ninh quốc tế Moskva thường niên lần thứ 5 (tổ chức tại  Thủ đô Moskva, Nga) với chủ đề  “Những thách thức an ninh và khả năng hợp tác quân sự quốc tế tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương”, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch đã có bài phát biểu quan trọng  “Chung tay xây dựng châu Á-Thái Bình Dương thành khu vực hòa bình, hợp tác và phát triển”. 

Xây dựng châu Á-Thái Bình Dương thành khu vực hòa bình, hợp tác và phát triển ảnh 1

Đại tướng Ngô Xuân Lịch phát biểu tại hội nghị

Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch nhận định, châu Á-Thái Bình Dương là khu vực đang phát triển năng động và đầy tiềm năng, là nơi có thể chia sẻ nhiều lợi ích giữa các nước trong khu vực và với các nước ngoài khu vực. Tuy nhiên, châu Á-Thái Bình Dương cũng đang đối mặt với nhiều thách thức an ninh. Theo Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch, không quốc gia đơn lẻ nào có thể tự giải quyết được những thách thức mà không có sự chung tay hợp tác của tất cả các nước, đặc biệt là các nước trong khu vực; phát huy vai trò của các cơ chế an ninh khu vực, trong đó ASEAN đóng vai trò trung tâm. 

Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch đánh giá “Chiến lược phát triển ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Nga trong thế kỷ 21” đã xác định việc Nga tăng cường hợp tác với khu vực châu Á-Thái Bình Dương không phải là đối sách tạm thời, mà là quyết định có ý nghĩa chiến lược. Vì vậy, Việt Nam mong muốn LB Nga đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hữu nghị với các nước trong khu vực, cả song phương và đa phương nhằm bảo đảm môi trường quốc tế thuận lợi để mở rộng hợp tác.

Trước đó, ngày 27-4, tại nhà máy đóng tàu mang tên Gorky ở Zelenodolsk của Nga đã diễn ra lễ hạ thủy tàu hộ vệ lớp Gepard 3.9, đóng cho Hải quân Việt Nam. Tham gia sự kiện có Thủ tướng CH Tatarstan thuộc LB Nga Ildar Khalikov, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam Phạm Ngọc Minh, đại diện công ty xuất khẩu vũ khí Nga Rosoboronexport và nhiều đại biểu khác. 

Chiến hạm Gepard 3.9 được đóng theo đơn đặt hàng của Hải quân CHXHCN Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác kỹ thuật quân sự giữa hai nước. Trước đó, nhà máy đóng tàu Zelenodolsk đã đóng 2 tàu hộ vệ và tháng 10-2012 ký hợp đồng cung cấp thêm 2 chiến hạm khác cho Việt Nam. Con tàu trên được đặt ký tháng 9-2013. Tàu chiến lớp Gepard được thiết kế để đối phó với máy bay, tàu ngầm và tàu nổi của đối phương, hỗ trợ và bảo vệ các đoàn tàu trong xung đột, bảo vệ và tuần tra biên giới.

Trong một động thái khác, hãng Sputnik ngày 28-4 dẫn nguồn tin từ truyền thông Mỹ cho biết, Tổng thống Barack Obama có thể dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam trước chuyến thăm của ông tới Hà Nội vào tháng 5-2016. Washington và Hà Nội đang thảo luận về việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam, song các hợp đồng và việc chuyển giao quy mô lớn sẽ mất thời gian vì còn tùy thuộc vào một số yếu tố, trong đó có việc Việt Nam phải làm quen dần quy trình mua sắm với Mỹ, một nhà ngoại giao dẫn nguồn từ các quan chức giấu tên của Mỹ và Việt Nam cho biết.