Xã hội Israel chia rẽ bởi Luật ‘Người Do Thái thượng đẳng’

ANTD.VN - Việc ban hành Luật Quốc gia dân tộc Do Thái khiến Israel bị coi là kỳ thị chủng tộc, khiến người thiểu số phản đối gây tình trạng hỗn loạn trong xã hội.

IDF đối mặt với sự tẩy chay của binh sĩ dân tộc thiểu số

Quân đội Israel tiếp tục đối phó với những rắc rối từ binh lính thuộc các nhóm thiểu số sau khi đất nước thông qua một Luật Quốc gia dân tộc Do Thái, tuyên bố rằng người Do Thái và chỉ có người Do Thái mới có quyền tự quyết định đất nước.

Bộ luật này hạn chế đáng kể các quyền của người Palestine đang sống tại Israel - ông Masud Ghnaim, một thành viên của Ủy ban Israel - Ả Rập Quốc hội Israel (Knesset), nhận định với Sputnik News.

Nhưng người Palestine, cả người Hồi giáo và Kitô giáo, không phải là nhóm thiểu số duy nhất trong cả nước và do đó, họ cũng không phải là nhóm người duy nhất bị ảnh hưởng bởi Luật Quốc gia dân tộc Do Thái.

Trên lãnh thổ Israel còn có người Bedouins, Druze, Circassians, Arameans và một số dân tộc thiểu số nhỏ khác.

Bộ luật này cũng đã gây ra ảnh hưởng lớn đối với Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), bởi nhiều người dân tộc thiểu số, giống như những người Do Thái Israel, đã ký kết dịch vụ phục vụ trong quân đội.

Kể từ khi Bộ Luật này được thông qua, hàng loạt sự cố đã xảy ra xuất phát từ các binh sĩ người dân tộc thiểu số, đặc biệt là từ các quân nhân Druze, trong đó có cả những sĩ quan chỉ huy cao cấp. Sự kiện này đã làm chấn động các phương tiện truyền thông xã hội và gây ra mối lo ngại lớn cho giới lãnh đạo IDF.

Một đại úy người Druze của IDF là Amir Jmall tuyên bố rằng anh sẽ rời bỏ quân đội Israel. Anh cũng đã gửi một bức thư ngỏ cho Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo cộng đồng Druze thúc đẩy việc chấm dứt “sự hầu hạ bắt buộc này” - theo một bài báo hôm 31/7 trên tờ Haaretz của Israel.

"Tại sao tôi phải phục vụ cho nhà nước Israel, trong bối cảnh mà tôi, anh em và cha tôi đã phục vụ đất nước từ lòng ái quốc và tình yêu dành cho quê hương của chúng tôi... Nhưng chúng tôi có được gì? Chỉ là một công dân hạng hai" - Jmall đã viết như vậy trên Facebook.

Tờ Thời báo Israel (Times of Israel) cho biết, Đại úy Jmall đã bị đình chỉ công tác trong 14 ngày vì bài đăng trên Facebook của mình.

"Các chỉ huy của Jmall đã nói rõ rằng, họ hy vọng là anh sẽ không đăng tải bài viết này, với tư cách là một sĩ quan trong Lực lượng Phòng vệ Israel", phát ngôn viên IDF nói trong một tuyên bố và nhấn mạnh rằng: "Không có nơi nào trong IDF có chỗ cho bất kỳ loại ngôn ngữ chính trị nào".

Quân đội Israel đang đứng trước nguy cơ binh sĩ dân tộc thiểu số bỏ ngũ

Trong khi đó, một sĩ quan thứ hai người Druze của IDF là Shady Zidan, cũng đã tuyên bố ý định bỏ quân đội trên Facebook.

“Cho đến ngày hôm nay tôi đã dâng cho nhà nước linh hồn của tôi, tôi đã mạo hiểm cuộc sống của tôi. Cho đến ngày hôm nay tôi đứng cạnh lá cờ của nhà nước với niềm tự hào và chào nó. Cho đến ngày hôm nay tôi hát bài quốc ca 'Hatikvah', bởi vì tôi chắc chắn rằng đó là đất nước của tôi và tôi có quyền bình đẳng với mọi người. Nhưng hôm nay, lần đầu tiên tôi đã từ chối chào cờ, lần đầu tiên tôi đã từ chối hát bài quốc ca, trong suốt sự nghiệp phục vụ của tôi” - Zidan viết trên Facebook.

Hiện nay, vấn đề ưu tiên đầu tiên trong IDF là kiểm soát những thiệt hại không thể lường trước đến từ Luật Quốc gia dân tộc Do Thái.

Tham mưu trưởng IDF, Trung tướng Gadi Eisenkot gần đây đã gặp nhà lãnh đạo tôn giáo Druze là ông Shaykh Mowafaq Tarif. Sau cuộc họp, ông Tarif đã kêu gọi người Druze đưa các vấn đề chính trị, bao gồm cả các cuộc tranh luận về Luật Quốc gia dân tộc Do Thái, ra khỏi Quân đội.

Tuy nhiên, chỉ với người Druze, vấn đề này đã không hề dễ dàng, còn có hàng loạt tộc người khác ở Israel đang bất mãn với tư cách là “công dân hạng hai” của đất nước mà họ đã đổ máu để xây dựng và bảo vệ.

Luật Quốc gia dân tộc Do Thái gây chia rẽ đất nước Israel

Hôm 19/7, Quốc hội Israel (120 ghế) đã thông qua Luật Quốc gia dân tộc Do Thái với 62 phiếu thuận, 55 phiếu chống và 2 phiếu trắng, xác định: Israel là quê hương lịch sử của người Do Thái và chỉ người Do Thái mới có quyền tự quyết định vận mệnh dân tộc.

Bộ luật xác định việc thành lập các cộng đồng người Do Thái là lợi ích quốc gia, quy định tiếng Hebrew trở thành ngôn ngữ quốc gia và tiếng Arab - vốn từng là một ngôn ngữ chính thức, bị hạ cấp thành "trạng thái đặc biệt"; trong khi đó, người Arab chiếm tới khoảng gần 20%, trong số hơn 8,5 triệu dân của Israel.

Đại úy người Druze của IDF là Amir Jmall đã tuyên bố rời bỏ Quân đội Israel

Dự luật gây tranh cãi được thông qua sau lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập nhà nước Israel. Luật đã được thông qua trong tiếng vỗ tay của các đại biểu quốc hội thuộc liên minh dân tộc cầm quyền, ngược lại, các nhà lập pháp Ả Rập đã cáo buộc đây là một bộ luật phân biệt chủng tộc và xé các bản sao của dự luật trong một cuộc biểu tình.

Người đứng đầu đảng Liên minh Arab Ayman Odeh gọi dự luật mới là "cái chết của nền dân chủ".

Ngay cả Tổng thống Israel Reuven Rivlin và Thứ trưởng Bộ Tư pháp Raz Nizri cũng phản đối dự luật mới. Tổng thống Rivlin từng cảnh báo dự luật này "gây tổn hại cho người Do Thái ở Israel, người Do Thái trên toàn thế giới và cho chính nhà nước Israel".

Benny Begin, con trai của cựu thủ tướng Israel Menachem Begin, người sáng lập đảng cầm quyền Likud của Netanyahu, đã không tham gia bỏ phiếu, cảnh báo đảng này đang ngày càng xa rời nhân quyền.

Một số chính trị gia và nhà phân tích cũng kịch liệt lên án dự luật, coi đây là sự "vi phạm luật pháp quốc tế tồi tệ nhất", việc phê chuẩn dự luật này đã xóa bỏ mọi tuyên bố của Israel như là "nền dân chủ duy nhất ở Trung Đông". Việc thông qua dự luật này cho thấy, Israel đã tái khẳng định rằng chủ nghĩa phục quốc Do Thái đồng nghĩa với sự phân biệt đối xử hoặc thậm chí là phân bietj chủng tộc.

Thậm chí còn có người đã so sánh Bộ luật này của Israel với học thuyết tôn sùng “người Aryan là giống người thượng đẳng” của trùm phát xít Đức Hitler trước Chiến tranh Thế giới thứ 2 và Israel cũng đang đi theo con đường của đất nước đã từng thực hiện chính sách diệt chủng người Do Thái.

Ngay cả người dân Israel cũng đang chia rẽ bởi Bộ luật này. Theo một cuộc thăm dò dư luận xã hội mới đây, chỉ có 58% người dân Israel ủng hộ bộ luật đã gây ra nhiều tranh cãi về tình trạng đặc quyền của người Do Thái ở Israel - tờ báo Jerusalem Post đưa tin hôm 31/7, trích dẫn cuộc thăm dò dân ý do Viện Nghiên cứu Panels tiến hành cho Walla! News.

Kết quả cho thấy, Luật Quốc gia dân tộc Do Thái bị phản đối bởi 34% số người được hỏi, trong khi 8% không có ý kiến gì về vấn đề này. Tỷ lệ ủng hộ/phản đối này cũng tương ứng với việc hầu như toàn bộ các dân tộc khác Do Thái đều phản đối dự luật này.

Đối với bất cứ một chính sách lớn nào của đất nước, việc được đại đa số người dân ủng hộ cũng không đồng nghĩa với việc là nó sẽ dễ thực hiện. Còn với bộ luật này, việc chỉ có hơn nửa số người dân và các nghị sĩ ủng hộ sẽ là điều vô cùng khó khăn đối với Israel, có thể dẫn đến tình trạng đất nước bị chia rẽ.