Vượt lên nỗi đau

(ANTĐ) - Hai ngày sau khi xảy ra thảm họa kinh hoàng trong lễ hội nước truyền thống ở Thủ đô Phnom Penh, nhà chức trách Campuchia vẫn đang nỗ lực hết sức để giải quyết hậu quả. Về nguyên nhân xảy ra thảm họa đau lòng này, Chính phủ Campuchia thừa nhận họ đã không lường hết được vấn đề kiểm soát đám đông trong lễ hội với sự tham gia của gần 3 triệu người dân từ khắp đất nước.

Campuchia sau đêm thảm họa:

Vượt lên nỗi đau

(ANTĐ) - Hai ngày sau khi xảy ra thảm họa kinh hoàng trong lễ hội nước truyền thống ở Thủ đô Phnom Penh, nhà chức trách Campuchia vẫn đang nỗ lực hết sức để giải quyết hậu quả. Về nguyên nhân xảy ra thảm họa đau lòng này, Chính phủ Campuchia thừa nhận họ đã không lường hết được vấn đề kiểm soát đám đông trong lễ hội với sự tham gia của gần 3 triệu người dân từ khắp đất nước.

>>>Phnompenh - đêm thảm họa

>>>Truyền hình An ninh - ATV ngày 24-11-2010

Giày dép, quần áo của nạn nhân la liệt trên “Cầu Vồng”

 Giày dép, quần áo của nạn nhân la liệt trên “Cầu Vồng”

Hàng trăm người đã được cứu sống

Khon Sros, 19 tuổi, người may mắn sống sót kể lại: “Quá đông người, mọi người xô đẩy nhau và tôi bị ngã, bị kẹp chặt giữa đám đông, tôi tưởng mình chết đi được vì nghẹt thở, rồi tôi thấy được nhấc bổng lên, một cảnh sát đã túm được tôi và kéo ra. Sát bên tôi là một người đàn ông đã chết, ông ta quá yếu sức và không có không khí để thở”.

Khon Sros  là một trong số hàng trăm người may mắn được cứu sống kịp thời bởi lực lượng cảnh sát phản ứng nhanh và nhân viên cứu hộ địa phương.

Ông Paul Hurford, nhân viên cứu hỏa ở Melbourne (Australia), tới Campuchia hơn 1 năm nay để tham gia lớp đào tạo lính cứu hỏa địa phương là một trong những người đầu tiên có mặt tại hiện trường nói rằng, đến giờ ông vẫn còn bị ám ảnh bởi những gương mặt nạn nhân bị chết, họ còn rất trẻ, mới khoảng 17-18 tuổi.

Ông Paul Hurford cũng cho biết, đội cứu hộ đã áp dụng chiến thuật cấp cứu nguy cấp, giải cứu những người còn sống trước. Nhờ vậy, hàng trăm người đã kịp thời được đưa ra khỏi đám đông trước khi họ cạn kiệt sức lực và không còn không khí để thở. Nếu không, con số nạn nhân chắc chắn còn lớn hơn rất nhiều.

Tình người trong hoạn nạn

Ngày 23-11, một ngày sau khi xảy ra thảm họa, các nạn nhân đã được chuyển tới những khu vực lều lán hay bệnh viện để chữa trị hay chờ nhận dạng. Trên cây cầu mang tên Cầu Vồng chỉ còn la liệt vật dụng của các nạn nhân, giầy dép, túi, những mảnh quần áo…

Một vài người nhà nạn nhân vẫn còn đi lại trên cây cầu thất thần, họ vẫn chưa tìm được con em mình mặc dầu đã đi khắp các bệnh viện và các lều dựng tạm để thi thể nạn nhân. Dưới sông, lực lượng cứu hộ vẫn tìm kiếm nạn nhân trong lớp bùn.

Đường phố bị tắc nghẽn nghiêm trọng vì có tới hàng chục nghìn người ở Phnom Penh và nhiều tỉnh lân cận đổ về các bệnh viện để tìm kiếm người thân bị mất tích, hoặc nhận dạng thân nhân.

Bầu không khí tang tóc tràn ngập khắp nơi, xung quanh các bệnh viện lớn của Thủ đô, nhất là Bệnh viện Calmette. Xác nạn nhân được xếp nằm la liệt trên những manh chiếu. Bà Boupha Lak ngồi cạnh thi thể con gái, gương mặt bà không lộ chút biểu cảm nào.

“Nó đi lễ hội với mấy người bạn. Lúc xảy ra hỗn loạn, những đứa bạn đã kịp thời thoát nạn, chỉ có mình nó kẹt lại do bị nhiều người khác đè lên, họ nói với tôi là thi thể con tôi nằm dưới cùng”. Những người như bà Boupha Lak còn chút an ủi khi đã tìm được thi thể con em mình.

Khắp các bệnh viện, người nhà nạn nhân mang theo tấm ảnh thân nhân hớt hải đi lại tìm kiếm. Bà Neing Kan, đến từ vùng nông thôn lân cận Thủ đô Phnom Penh kể, sau khi xem tivi biết xảy ra thảm họa trong Lễ hội nước, bà gọi điện cho con gái mình nhưng không thể liên lạc được.

Con gái bà cùng với 2 đứa cháu đã tới xem lễ hội này. Bà liền vội vã bắt xe tới đây để tìm kiếm, nhưng suốt cả ngày vẫn không tìm thấy con cháu. Gặp ai bà Neing Kan cũng chìa tấm ảnh -  hình cô con gái mặc áo trắng tươi cười đứng cạnh con sông -  để hỏi thăm.

Mãi cho đến khi bà Neing Kan gặp một người đàn ông, người này nói rằng đã nhận ra cô gái trong tấm ảnh, chính mắt anh đã thấy cô gái này nằm trong nhà xác ở một bệnh viện và chỉ đường cho bà. Bà Neign Kan lại không thuộc đường sá, nên người đàn ông này đã không ngần ngại dẫn bà tới tận nơi, xong anh lại tiếp tục đi tìm người thân của mình.

Những người dân tích cực tham gia cứu hộ
Những người dân tích cực tham gia cứu hộ

Anh Eng Sreymorn, 25 tuổi, đi xem lễ hội cùng bạn gái kể lại, anh đã cố gắng giữ tay bạn gái để kéo ra khỏi đám đông, nhưng dòng người quá đông nên đã bị tuột tay. Khi thoát ra được ngoài, anh đã hỗ trợ lực lượng cứu hộ  đưa những người bị thương tới bệnh viện, cho đến giờ, mặc dù tìm kiếm nhiều nơi nhưng anh vẫn chưa biết chuyện gì đã xảy ra với bạn gái mình.

Không lường được vấn đề kiểm soát đám đông

Chính phủ Campuchia đang nỗ lực hết sức để giải quyết thảm họa và thừa nhận họ đã không lường hết được vấn đề kiểm soát đám đông trong lễ hội với sự tham gia của gần 3 triệu người dân từ khắp đất nước.

Theo Bộ trưởng Thông tin Khieu Kanharith, nhà chức trách đã lường trước được những sự cố như lật thuyền, trộm cắp, móc túi và tăng cường lực lượng kiểm soát tốt những vấn đề này, nhưng không lường được khả năng xảy thảm họa do hội chứng đám đông chen lấn xô đẩy.

Bộ Y tế cho biết công tác chữa trị cho những người bị thương đang được tiến hành tích cực và việc khó khăn nhất là xác định danh tính những người thiệt mạng. Cảnh sát Campuchia vẫn đang tiếp tục điều tra nguyên nhân vụ thảm kịch.

Một số nhân chứng kể lại, trước đó đã xảy ra xô xát giữa một số nhóm thanh niên tham gia lễ hội, cuộc xô xát khiến nhiều người sợ hãi bỏ chạy tạo ra cảnh tượng hỗn loạn. Điều này cũng trùng với kết quả điều tra ban đầu của nhà chức trách, rằng thương vong trong thảm họa này không có dấu hiệu của khủng bố hay điện giật mà là do giẫm đạp lên nhau.

Nguyễn Hà

(Tổng hợp)