Vụ nhân viên sân bay “rút ruột” hành lý gây chấn động nước Mỹ

ANTĐ - Người dân Mỹ đang rất sốc và phẫn nộ khi những hình ảnh từ các camera giấu kín cho thấy, nhiều nhân viên phụ trách hành lí của các sân bay lớn của nước này ngang nhiên sục sạo hành lý và lấy cắp những đồ có giá trị của hành khách. Vụ việc dấy lên những lo ngại về quy trình quản lý sân bay tại Mỹ. 


Những sân bay "khét tiếng"

Bên trong sân bay quốc tế Miami, Mỹ, các nhân viên xếp dỡ hành lý, những người lẽ ra phải có trách nhiệm bảo đảm an toàn đối với hành lý, thì lại trực tiếp lục tùng rồi ăn cắp tư trang của hành khách. Tuy nhiên, điều mà họ không thể ngờ tới là tất cả những hành động bất hợp pháp đó đều đã được camera bí mật ghi lại.

Những camera này đã được lực lượng cảnh sát hạt Miami-Dade, thành phố Miami, bang Florida cài đặt bí mật tại sân bay sau khi liên tục nhận được những phàn nàn, khiếu nại của người dân về việc mất đồ khi đi máy bay tại sân bay Miami.

Máy ảnh, đồng hồ, kính mắt đắt tiền là những tài sản kích thước nhỏ nhưng có giá trị

"Đó là vấn đề mà tất cả chúng ta đang phải đối mặt. Chúng tôi sẽ tiếp tục triệt phá mọi đường dây trộm cắp hành lý tại sân bay cho đến khi tình hình an ninh sân bay được cải thiện", Trung úy Pete Estis của Sở Cảnh sát hạt Miami-Dade cho biết. Cũng theo Trung úy Pete, đây là một phần trong nỗ lực của cảnh sát hạt Miami-Dade, nhằm triệt phá các đường dây đánh cắp và buôn bán trái phép hành lý bị đánh cắp tại sân bay.

Theo thống kê của cảnh sát, tại Miami, tính từ năm 2012 đến nay, cảnh sát đã bắt được 31 nhân viên sân bay vì tội trộm cắp đồ của hành khách, trong đó, riêng từ đầu năm tới nay đã có 6 trường hợp bị bắt giữ.

Tài sản ăn cắp bị thu giữ từ các đối tượng

Giám đốc sân bay quốc tế Miami Emilio T. González khẳng định, những trường hợp này chỉ là "con sâu làm rầu nồi canh" và những kẻ ăn cắp đó đã bị pháp luật xử lý. Tuy nhiên, điều đáng buồn là các vụ nhân viên sân bay trộm cắp hành lý của khách đi máy bay không chỉ diễn ra tại Miami.

“Khét tiếng” nhất về nạn “rút ruột” hành lý ký gửi phải kể đến sân bay quốc tế John F. Kennedy (JFK) tại New York, với số đơn trình báo nhiều nhất, tiếp theo là sân bay quốc tế Los Angeles và sân bay quốc tế Orlando.

Tại sân bay JFK, tình trạng ăn trộm đồ hành khách trở nên nghiêm trọng đến mức, hãng hàng không El Al Airlines từng buộc phải bí mật gắn camera theo dõi trong khoang hành lý tại sân bay này vào năm 2013. Từ đó, hãng này đã ghi lại được cảnh các nhân viên bốc xếp hành lý tại một chuyến bay đi Israel đã lục tung đồ và ăn cắp một chiếc đồng hồ Seiko trị giá 5.000 USD, điện thoại iPhone, iPad, máy chụp ảnh, nhẫn vàng cùng tiền mặt. 6 người trong nhóm nhân viên đó đã bị bắt giữ vì tội sở hữu tài sản ăn cắp hoặc trộm cắp vặt.

Cũng tại sân bay JFK, vào tháng 12-2014, 7 nhân viên sắp xếp hành lý của sân bay này đã bị buộc tội ăn cắp tài sản từ hành lý của khách hàng đã qua kiểm tra. Cảnh sát cho biết, trong số những tài sản của hành khách bị đánh cắp có 2 túi xách hàng hiệu trị giá hàng nghìn USD, bị móc ra từ một chiếc valy rồi được chào bán trên mạng. Các tang vật khác được tìm thấy đều là tài sản của hành khách đến và đi giữa nhiều thành phố như Johannesburg, London, Bangkok, Dubai, Milan.

Lỗ hổng an ninh

Thống kê cũng cho thấy, từ năm 2010-2014 tại Mỹ, tổng cộng có tới 30.621 đơn trình báo với Cơ quan An toàn giao thông Mỹ (TSA) về tình hình mất đồ tại sân bay, hầu hết là các trường hợp hành lý đã được đóng gói cẩn thận, phần còn lại là tại các điểm kiểm tra an ninh. Tổng trị giá số tài sản bị mất được trình báo là 2,5 triệu USD.

Nghiêm trọng hơn, chuyện ăn cắp vặt từ hành lý của khách hàng có thể dẫn đến những lỗ hổng an ninh. "Nếu chúng ta không ngăn chặn triệt để tình trạng này thì hậu quả lớn hơn tất yếu sẽ xảy đến. Tôi cho rằng có mối liên hệ giữa vấn đề trộm cắp sân bay và tình trạng khủng bố", Cảnh sát trưởng Patrick Gannon phụ trách an ninh sân bay quốc tế Los Angeles cho biết.

Theo ông Patrick Gannon, một khi an ninh không được đảm bảo và nhân viên dễ dàng lấy trộm đồ của khách thì chuyện phần tử khủng bố đặt bom trong máy bay cũng không phải là điều khó khăn. Tuy nhiên, đến nay, mặc dù nhiều sân bay đã thực hiện nhiều biện pháp ngăn chặn nhưng tình trạng trộm đồ hành khách vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Trong khi đó vấn đề về nhân sự tại Mỹ hiện không chỉ xảy ra ở các sân bay, mà còn trong chính cả TSA. Từ năm 2002, cơ quan này dã phải sa thải tới 513 nhân viên do có liên quan tới các hành vi trộm cắp.