Vụ máy bay EgyptAir gặp nạn: Khả năng cao do khủng bố?

ANTĐ - Đêm 18 rạng sáng 19-5, thế giới lại một lần nữa bàng hoàng khi thêm một thảm họa hàng không đã xảy ra. Lần này, một chiếc máy bay của Hãng hàng không EgyptAir (Ai Cập), xuất phát từ Paris chở theo 66 người tới Cairo đã bị rơi ở vùng biển Địa Trung Hải. Giới chuyên gia hiện đang nghiêng về khả năng chiếc máy bay xấu số này đã bị tấn công khủng bố.

Thân nhân của các nạn nhân trên máy bay MS804 đang chờ đợi tin tức ở Ai Cập

Theo các nguồn tin từ Cơ quan Hàng không dân dụng Hy Lạp, chiếc máy bay Airbus A320, mang số hiệu MS804, chở 56 hành khách, trong đó có 3 trẻ em, cùng 7 thành viên phi hành đoàn và 3 sĩ quan an ninh. Những người trên máy bay chủ yếu là người Ai Cập (30 người) và Pháp (15 người). Máy bay đã cất cánh từ sân bay Charles de Gaulles vào lúc 22h45 (giờ Paris) và theo dự kiến phải đáp xuống Cairo vào lúc 3h05, giờ địa phương (1h05, giờ quốc tế).

Tuy nhiên, nó đã biến mất khỏi màn hình radar vào lúc 2h45, giờ địa phương (00h45 phút, giờ quốc tế) ở khu vực cách đảo Karpathos của Hy Lạp khoảng 130 hải lý. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Hy Lạp Panos Kammenos, tuy các số liệu chỉ ra rằng máy bay đã quay đột ngột và rơi từ độ cao 6.540m, nhưng theo các chuyên gia phân tích, MS804 đã bay theo đúng lộ trình trong không phận của Hy Lạp mà không hề có dấu hiệu bị lệch hướng. 

Vài tiếng sau khi xảy ra vụ việc, quân đội Ai Cập khẳng định đã phát hiện mảnh vỡ của máy bay MS804 ở khu vực cách thành phố cảng Alexandria khoảng 290km về phía Bắc. Nhà chức trách Ai Cập cũng thông báo đã tìm thấy bộ phận thi thể nạn nhân, nhiều ghế ngồi trên máy bay và thêm nhiều hành lý khác nghi là của các hành khách trên chiếc máy bay MS804. 

IS thừa nhận tấn công MS804?

Báo điện tử Realite.com của Tunisia ngày 20-5 đưa tin tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã thừa nhận thực hiện vụ tấn công khủng bố nhằm vào máy bay MS804. Theo báo này, IS cũng đe dọa thực hiện thêm nhiều cuộc tấn công khủng bố quy mô lớn nhằm vào các nước châu Âu nhân dịp EURO 2016 sắp khởi tranh tại Pháp. Tuy nhiên, Realite.com chưa đưa ra được thông tin nào cho thấy IS thực sự là thủ phạm tấn công máy bay MS804. 

Đến nay, vẫn chưa có kết luận chính xác về nguyên nhân máy bay MS804 bị rơi, song các chuyên gia hàng không cho rằng khả năng cao nhất là đã xảy ra một vụ tấn công khủng bố, bởi cả Pháp và Ai Cập đều là các mục tiêu hàng đầu của các phần tử Hồi giáo cực đoan. Bộ trưởng Hàng không Dân dụng Ai Cập Sherif Fathy cho rằng nhiều khả năng chiếc máy bay của hãng EgyptAir bị rơi là do bị tấn công khủng bố hơn là do lỗi kỹ thuật.

Các chuyên gia hàng không cũng đồng ý rằng có rất ít khả năng xảy ra lỗi kỹ thuật. Chuyên gia hàng không Gerard Feldzer, một cựu phi công của Hãng hàng không Pháp AirFrance nhấn mạnh: “Lỗi kỹ thuật lớn, ví dụ như nổ động cơ, là điều khó có thể xảy ra”. Thêm vào đó, máy bay A320 có lịch sử an toàn bay đáng nể và là dòng máy bay dân dụng tầm trung an toàn bán chạy nhất thế giới.

Các chuyên gia cũng nói rằng khó có khả năng máy bay này bị bắn từ mặt đất, như vụ việc máy bay MH17 của Hãng hàng không Malaysia Airlines bị rơi ở Ukraine tháng 7-2015, hoặc bị bắn từ trên biển tháng 7-1988 khi Hải quân Mỹ bắn nhầm máy bay dân dụng của Hãng Iran Air. Vị trí của máy bay này nằm ngoài tầm bắn của các bệ phóng rocket di động của một số nhóm phiến quân ở Trung Đông.

Bởi vậy, các chuyên gia cho rằng khả năng máy bay bị tấn công khủng bố là cao nhất, nhất là khi máy bay không gửi một tín hiệu khẩn cấp nào. Ông Troadec nói: “Lỗi kỹ thuật, như cháy hay hỏng động cơ, không gây ra tai nạn ngay lập tức và phi hành đoàn có thời gian phản ứng. Trong vụ việc này, họ không hề phát đi tín hiệu nào”. 

Nghi vấn an ninh tại các sân bay      

Nếu bị gài bom, câu hỏi đặt ra cho các nhà điều tra là làm cách nào một thiết bị nổ được đưa lên máy bay cất cánh từ sân bay Charles de Gaulle vốn đông người qua lại nhất của Pháp, nơi an ninh đã được đặt ở mức cao kể từ sau các vụ khủng bố của các phần tử thánh chiến ở Thủ đô Paris năm 2015.

Về vấn đề này, các chuyên gia nhận định việc đặt bom trên máy bay ở Paris hay Cairo là hoàn toàn có thể xảy ra bởi rất khó có thể kiểm soát an ninh 100% ở sân bay, thậm chí là ở sân bay được giám sát chặt chẽ như sân bay Charles de Gaulle. Điều đầu tiên cần làm là tìm lại các mảnh vỡ để có được một số manh mối về vụ việc… xem còn dấu vết nào của vụ nổ hay không.

Ngoài ra, việc rút ngắn thời gian dừng tại các sân bay trung bình từ 1h30 xuống còn 1h đối với một máy bay Airbus A320 cũng là yếu tố bất lợi đối với việc kiểm soát an ninh.

Theo báo Le Figaro, lịch trình bình thường của một chiếc máy bay với các chặng bay trung bình là từ 3-4 chuyến/ngày. Lịch trình tối đa có thể lên đến 5 chuyến/ngày. Việc các máy bay phải thực hiện nhiều chặng bay nằm trong chính sách của các hãng hàng không nhằm khai thác tối đa lợi nhuận. Tuy nhiên, việc này gây áp lực đối với các nhân viên mặt đất khi họ phải hoàn thành công việc nhanh nhất trong khoảng thời gian máy bay đỗ tại sân bay.    

Theo chuyên gia Feldzer, các hãng hàng không chủ trương thiết kế lịch trình với thời gian dừng ngắn nhằm giảm chi phí phải trả cho các sân bay. Tại mỗi điểm dừng, các nhân viên thuộc nhiều bộ phận như bảo trì, cơ khí, nhiên liệu, dọn dẹp… chịu áp lực phải hoàn thành thật nhanh phần công việc của mình để máy bay có thể cất cánh đúng giờ, do vậy không ai dám chắc rằng không có sơ suất trong các khâu thao tác.  

Cho dù nguyên nhân là gì, thì vụ rơi máy bay MS804 vẫn có thể làm sâu sắc hơn những bất ổn ở Ai Cập bởi quốc gia này đang vật lộn để khôi phục nền kinh tế “ốm yếu”, đặc biệt là ngành du lịch sinh lợi lớn của họ. Ai Cập đã bị nhấn chìm bởi các vụ đổ máu và khủng hoảng chính trị kể từ năm 2011 sau vụ lật đổ Tổng thống Hosni Mubarak.

Có cảnh báo khói trên MS804

Dữ liệu chuyến bay cho thấy, có cảnh báo khói trên máy bay mang số hiệu MS804 của Hãng hàng không EgyptAir chỉ vài phút trước khi nó bị rơi xuống Địa Trung Hải. Hãng tin CNN dẫn một nguồn tin từ Ai Cập cho biết, dữ liệu trên được gửi từ Hệ thống Cảnh báo và Xử lý liên lạc máy bay (ACARS). Đây là hệ thống truyền dữ liệu giữa máy bay với mặt đất.

Dữ liệu trên ghi nhận các mốc thời gian phù hợp với thời điểm khi máy bay bị nạn. “Có thể bộ phận cơ khí nào đó bị hỏng, một vụ chập mạch hoặc một thiết bị nào đó phát cháy”, nhà phân tích hàng không của CNN, David Soucie suy đoán.

Cũng theo ông Soucie, ACARS không cho biết nguyên nhân khiến máy bay rơi nhưng việc dữ liệu tiếp tục được gửi đi trong vòng 1-2 phút rất quan trọng. “Nếu bom nổ trên máy bay, chắc chắn nó sẽ làm rách thân máy bay ngay lập tức và không thể có chuyện dữ liệu vẫn được gửi đi trong hơn 2 phút”, ông Soucie khẳng định. 

Nguyễn Tuyên (Theo CNN/AP)