Vũ khí quan trọng nhất có được "tung ra" để giải cứu nền kinh tế châu Âu đang "quỵ ngã"?

ANTD.VN - Các Bộ trưởng Tài chính Liên minh châu Âu (EU) đã không thống nhất được các biện pháp chống lại cú sốc kinh tế trước sự bùng phát của đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 trong cuộc thảo luận ngày 24-3. Vấn đề này sẽ được lãnh đạo các quốc gia tiếp tục xem xét tại Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến ngày hôm nay 26-3.

Đại dịch Covid-19 đang hoành hành ở châu Âu đến mức buộc các nước thành viên phải áp dụng những biện pháp chính sách lợi quốc gia và hại liên minh hoặc vì quốc gia mà bất chấp liên minh

EU chia rẽ về kế hoạch giải cứu kinh tế 

Italia mong muốn phản ứng rộng khắp từ các đối tác EU trong khi các nước phía Bắc, dẫn đầu là Đức và Hà Lan, tỏ ra không vội vàng vì cho rằng gói kích thích trước đó đã đủ cho thời điểm hiện tại. 

Dịch Covid-19 bùng phát đã khiến nền kinh tế châu Âu “quỵ ngã”. Italia - với sự hậu thuẫn của Pháp và Tây Ban Nha, mong muốn phản ứng rộng khắp từ các đối tác EU trong một hành động đoàn kết lịch sử về tài chính. Tuy nhiên, các nước phía Bắc, dẫn đầu là Đức và Hà Lan, tỏ ra không vội vàng vì cho rằng gói kích thích khổng lồ được Ngân hàng Trung ương châu Âu công bố là đã đủ cho thời điểm hiện tại.

Sau 2 tiếng bàn thảo mà không đạt đồng thuận, Chủ tịch Nhóm các Bộ trưởng Tài chính Khối sử dụng đồng Euro (Eurogroup) Mario Centeno tuyên bố các Bộ trưởng cam kết thăm dò mọi khả năng cần thiết để hỗ trợ các nền kinh tế của khối vượt qua thời điểm khó khăn này. Ông Centeno nói thêm rằng cuộc thảo luận mới chỉ bắt đầu và các bên cần làm việc thêm để có thể đi tới đích.

Tâm điểm chia rẽ là sự bất bình của các quốc gia phía Bắc châu Âu và các nước giàu đối với kỷ luật tài chính của các nước phía Nam, đặc biệt là kể từ những ngày đen tối của cuộc khủng hoảng nợ của Khối sử dụng đồng tiền chung Euro (Eurozone). 

Các quốc gia như Pháp, Tây Ban Nha và Italia từ lâu kêu gọi một phương án “trái phiếu Euro” ám chỉ một khoản vay chung của 19 thành viên Eurozone, có thể đóng vai trò nền tảng cho một nền kinh tế châu Âu an toàn và thống nhất hơn. Italia được Pháp hậu thuẫn, gần đây đã nhắc lại lời kêu gọi trên với đề xuất về “trái phiếu Corona” trên toàn EU. Nhưng trước cuộc họp ngày 24-3, Đức đã bác bỏ ý tưởng này vì cho rằng đây là sự trở lại của “trái phiếu Euro” dưới cái tên mới và điều này “độc hại về mặt chính trị”.

Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM) do 19 Bộ trưởng Tài chính Eurozone kiểm soát, có thể huy động hơn 400 tỷ Euro cho trường hợp khẩn cấp và con số có thể được tăng thêm. Nhưng Hà Lan cho rằng còn quá sớm để “đốt tiền” của quỹ, vốn là một trong những vũ khí tài chính quan trọng bậc nhất của EU sau Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Bộ trưởng Tài chính Hà Lan Wopke Hoekstra nhấn mạnh “chúng ta đang đi trong màn sương và không thể chắc chắn về những gì phía trước”. ESM là một trong những vũ khí quan trọng nhất của EU và phải được giữ cho các mục đích mà nó được tạo ra. 

Được thiết kế trong cuộc khủng hoảng nợ, Quỹ ESM có mục đích chính là giải cứu các quốc gia, theo đó có thể cung cấp bảo lãnh cho vay đối với các quốc gia có yêu cầu, song kèm theo điều kiện phải thực hiện các cải cách đau đớn. Một nguồn tin từ Eurozone cho biết cuối cùng việc khơi thông dòng tín dụng có thể sẽ được thông qua, dù không mấy dễ dàng.

Eurozone nỗ lực ứng phó với những tác động xấu 

Quyết định cuối cùng về việc sử dụng tiền từ ngân Quỹ 410 tỷ Euro của ESM chỉ có thể được đưa ra sau khi các nhà lãnh đạo EU tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến vào ngày hôm nay 26-3. Nhiều ý tưởng về việc vay khoản tín dụng tương đương khoảng 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) từ Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM), nhằm ứng phó với những tác động kinh tế tiêu cực từ dịch Covid-19. Các Bộ trưởng có chung quan điểm rằng khoản tín dụng từ ESM sẽ luôn sẵn sàng cho mọi thành viên Eurozone mặc dù không phải tất cả các nước đều phải đóng góp hoặc rút tiền từ quỹ này. 

Nhiều nước Eurozone hiện đang lo ngại, tình hình dịch bệnh lây lan và nền kinh tế bị đẩy vào suy thoái sâu hồi đầu năm có thể khiến các thị trường tài chính đòi hỏi Chính phủ đưa ra lãi suất cho vay cao hơn, tạo thêm sức ép cho một số quốc gia vốn đã phải gánh những khoản nợ lớn. Áp dụng một giới hạn tín dụng từ ESM sẽ giúp các nước có thể giữ lợi suất trái phiếu Chính phủ ở các mức độ có thể kiểm soát.

Trong một diễn biến khác, ngành nông nghiệp ở một số nước châu Âu được dự báo sẽ suy giảm trong năm nay do thiếu hụt một lượng lớn lao động nước ngoài làm việc theo mùa vụ. Những lao động này không thể làm việc do nhiều quốc gia châu Âu đã áp đặt hàng loạt các biện pháp cấm nhập cảnh và hạn chế đi lại do dịch bệnh Covid-19. Tại Đức, nhiều hộ nông dân đang lâm vào tình thế khó khi phải đối mặt với nguy cơ thiếu nhân lực thu hoạch vụ mùa. Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Nông dân Đức Udo Hemmerling, mỗi năm có khoảng 300.000 lao động thời vụ đến làm việc tại Đức, chủ yếu đến từ Ba Lan và Romania. Bộ trưởng Nông nghiệp Đức Julia Kloeckner cho biết nước này cần tới 30.000 lao động thời vụ tính riêng trong tháng 3-2020, và con số này tăng lên 85.000 lao động trong tháng 5-2020.

Đức không phải là nước châu Âu duy nhất khan hiếm lao động thời vụ trong bối cảnh hiện nay. Tại Áo, nước hiện thiếu 5.000 lao động trong ngành Nông nghiệp, Chính phủ đã thiết lập một trang web dành cho lao động tại các vùng khác tới đăng ký giúp thu hoạch mùa màng. Tại Thụy Sỹ, ngày càng có nhiều lo ngại về việc nước này năm nay chỉ có thể tiếp nhận một phần trong tổng số 33.000 lao động thời vụ cần thiết mỗi năm.

Kinh tế Anh “rơi tự do” trước khi có lệnh phong tỏa

Vũ khí quan trọng nhất có được "tung ra" để giải cứu nền kinh tế châu Âu đang "quỵ ngã"? ảnh 2

 Thủ tướng Anh Boris Johnson

Kinh tế Anh thực tế là đã ở trong tình trạng “rơi tự do” từ trước thời điểm Thủ tướng Boris Johnson công bố lệnh phong tỏa toàn quốc kéo dài 3 tuần. Khu Tài chính London đưa ra cảnh báo GDP sụt giảm với mức độ trầm trọng hơn cả thời kỳ Đại suy thoái diễn ra cách đây hơn 1 thế kỷ. Các nhà kinh tế nhận định dấu hiệu đi xuống chỉ mới bắt đầu nhận biết sau khi Chỉ số quản lý nhà mua hàng (PMI) tháng 3 cho thấy các nền kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đã thực sự sụp đổ do tác động của dịch Covid-19.

Nhà kinh tế trưởng Chris Williamson làm việc tại Công ty phân tích số liệu IHS Markit đã cảnh báo sự tụt dốc trong tháng 3 chỉ là phần nổi của “tảng băng chìm” mà sẽ nhìn thấy rõ hơn trong quý 2-2020. Theo Capital Economics, Anh dự báo trong quý 2-2020 GDP sẽ giảm 15% so với quý 1-2020. Liên đoàn Công nghiệp Anh cũng cho biết những dự báo sản lượng của các nhà máy Anh cũng xuống mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008. 

Sớm vực dậy nền kinh tế Đức sau dịch Covid-19

Vũ khí quan trọng nhất có được "tung ra" để giải cứu nền kinh tế châu Âu đang "quỵ ngã"? ảnh 3

Theo bức thư được Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz gửi tới các nhà Lập pháp thuộc Đảng Dân chủ Xã hội (SPD), đối tác chính trong liên minh cầm quyền của Thủ tướng Đức Angela Merken, Chính phủ Đức sẽ thực hiện các biện pháp để phục hồi kinh tế sớm nhất có thể ngay sau khi các doanh nghiệp được phép mở cửa hoạt động trở lại.

Trước đó, Đức đã thông qua gói cứu trợ trị giá 750 tỷ Euro (khoảng 811,13 tỷ USD) để giảm thiểu các tác động tiêu cực của dịch Covid-19 và đây cũng là lần đầu tiên kể từ năm 2013, Chính phủ Đức phải gánh một khoản nợ mới. Tuy nhiên, Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier cho biết gói cứu trợ mới được thông qua này chỉ là bước khởi đầu để giải quyết cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19 gây ra đối với nền kinh tế Đức. Chính phủ Đức dự đoán dịch Covid-19 sẽ khiến nền kinh tế nước này rơi vào suy thoái. 

Gói cứu trợ 56 tỷ USD ứng phó với dịch Covid-19 bị “tắc” tại Hạ viện Canada

Vũ khí quan trọng nhất có được "tung ra" để giải cứu nền kinh tế châu Âu đang "quỵ ngã"? ảnh 4

Gói kích thích kinh tế trị giá 82 tỷ đôla Canada (CAD) tương đương trên 56 tỷ USD, được Chính phủ Đảng Tự do “thiết kế” để ứng phó với dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, hiện đang bị “tắc” tại Hạ viện. Hạ viện Canada đã được triệu tập lại để xem xét thông qua gói kích thích trên. Tuy nhiên, các đảng đối lập ngần ngại khi một số biện pháp được lồng ghép trong gói kích thích kinh tế này, sẽ trao cho Bộ trưởng Tài chính Bill Morneau quyền được chi tiêu chưa từng có tiền lệ và “làm mờ đi” vai trò của Quốc hội. Phát biểu với báo giới, nhà lãnh đạo Đảng Bloc Québécois, ông Yves-Francois Blanchet cho biết, Đảng Tự do đã giảm bớt một số yêu cầu gây tranh cãi, chẳng hạn như yêu cầu tăng quyền quyết định của Chính phủ liên quan đến các biện pháp thuế và chi tiêu tới tháng 

12-2021. Theo nhà lãnh đạo này, dự luật về gói cứu trợ cần được biểu quyết thông qua để hỗ trợ hàng triệu người Canada đang tạm thời mất việc trong đại dịch toàn cầu này. Trong khi đó, lãnh đạo Đảng Bảo thủ, ông Andrew Scheer và lãnh đạo Đảng Dân chủ mới (NDP) Jagmeet Singh đang đề nghị Chính phủ Canada chỉnh sửa lại gói cứu trợ, tách riêng các yêu cầu về tăng quyền cho nội các trong vấn đề chi tiêu, vay mượn… thành một dự luật riêng để Hạ viện thảo luận sau.