“Vũ khí” lợi hại của Nga trước sự trừng phạt của phương Tây

ANTĐ - Xuất khẩu dầu lửa và khí đốt trị giá 160 tỷ USD mỗi năm của Nga sang châu Âu và Mỹ có thể sẽ đóng vai trò như một thứ “vũ khí” lợi hại nhất của Nga trước sự trừng phạt của phương Tây. Diễn biến mới về tình hình tại Crimea lại càng khiến Nga có thêm uy lực khi “vũ khí năng lượng” là khí đốt đã được bổ sung thêm nguồn cung mới từ mỏ dầu và khí đốt dưới Biển Đen nằm ngoài khơi Crimea.

Hôm 20-3, Tổng thống Putin triệu tập một cuộc gặp của các Bộ trưởng, yêu cầu lên kế hoạch các dự án về xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông ở Crimea. Bên cạnh việc đầu tư xã hội, Nga cũng sẽ phải đầu tư vào cơ sở hạ tầng nơi đây. Theo đó, Chính phủ Nga bắt đầu chuẩn bị việc xây cầu nối trực tiếp tới bán đảo Crimea. Một đường dây tải mới sẽ phải được xây dựng từ Nga qua eo biển Kerch để cung cấp cho Crimea. Theo tính toán của các chuyên gia, việc lắp đặt này sẽ có chi phí khoảng 18 tỷ rúp (490 triệu USD). Ngoài những chi phí phải đầu tư cho Crimea, kinh tế Nga cũng bị hao hụt ít nhiều nếu phương Tây quyết định áp đặt thêm các lệnh trừng phạt kinh tế. Tất nhiên, đây vẫn là cái giá có thể chấp nhận được đối với điện Kremlin khi những lợi thế về khí đốt chắc chắn sẽ giúp Nga hãm đà lao dốc kinh tế do thị trường xuất nhập khẩu bị thu hẹp.  

Cho đến nay, EU vẫn khá dè dặt trong việc trừng phạt Nga vì một lý do lớn “nguồn cung khí đốt”. Trừng phạt Nga cũng đồng nghĩa với việc châu Âu thiếu nguồn cung khí đốt, và đó sẽ là vấn đề rất nghiêm trọng. Với vị trí nước xuất khẩu dầu lửa lớn nhất thế giới, Nga đạt kim ngạch 160 tỷ USD đối với các mặt hàng dầu thô và khí đốt xuất sang châu Âu và Mỹ trong năm 2012. Năm ngoái, Gazprom cung cấp cho Liên minh châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 162 tỷ mét khối (bcm) khí đốt , một kỷ lục trong lịch sử, trong đó có tới 86 bcm đi qua Ukraine.

Gần đây Mỹ có ý định sử dụng nguồn khí đốt dồi dào của mình để thay thế cho khí đốt Nga xuất khẩu sang Ukraine và Tây Âu, tạo đối trọng về ảnh hưởng với Nga trong vấn đề Ukraine. Tuy nhiên, ngay cả khi khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ có thể xuất khẩu sang châu Âu thì hầu hết các nước ở khu vực này cũng không thể có khả năng mua nó. Bởi vì LNG từ Bắc Mỹ, sau khi hóa lỏng, quá cảnh, và tái khí hóa, sẽ có chi phí ít nhất là gấp đôi so với giá khí đốt của Nga được dẫn từ đường ống phía đông của châu Âu. Hơn nữa, không giống như ở Nga hay Trung Đông, ở Mỹ, các công ty tư nhân là đối tượng sở hữu và cung cấp khí đốt. Bởi thế, các nhà sản xuất thuộc khu vực tư nhân này nắm quyền ra quyết định đưa hàng tới đâu dựa trên các yếu tố thương mại như cung, cầu, và giá cả, thay vì tình hình địa chính trị.

Bên cạnh đó, vẫn có những người e ngại rằng, việc bán khí đốt cho nước ngoài có thể làm tăng giá năng lượng cho người tiêu thụ Hoa Kỳ. Mặt khác, dù có ra tay xuất khẩu khí đốt để bảo vệ đồng minh EU, cứu giúp Ukraine thì việc xuất khẩu khí đốt của Washington cũng không thể hoàn thành trong một sớm một chiều, chí ít cũng phải tới 2015.

Trong khi đó, tuần qua, Quốc hội Crimea đã thông qua nghị quyết tịch thu các tài sản tại Crimea của hai nhà sản xuất năng lượng Ukraina. Một trong số đó là tập đoàn Nhà nước Chernomorneftegaz đang có các giàn khoan ở ngoài khơi bờ biển phía tây Crimea và trong vùng biển Azov. Biển Đen và biển Azov ước tính có gần 60 nghìn tỷ mét khối khí. Theo Bloomberg, sản lượng ở khu vực ngoài khơi Crimea có thể lên tới 7 triệu tấn dầu/năm.

Tập đoàn năng lượng Nga Gazprom đang tìm cách tiếp cận các mỏ dầu và khí đốt trong vùng biển Crimea. Trước đó, Chủ tịch Hội đồng tối cao Crimea Vladimir Konstantinov tuyên bố việc thăm dò và khai thác dầu khí ở Crimea nên được dành cho các công ty của Nga. Như vậy, vũ khí lợi hại của Nga trong việc duy trì sức ảnh hưởng đối với EU đã được tăng cường “hỏa lực”!

Trước khi xảy ra biến động tại Ukraine, một số tập đoàn lớn như Exxon Mobil (XOM, của Mỹ) và Royal Dutch Shell (RDS.B) của Hà Lan và Anh đã từng ký kết thỏa thuận thăm dò các mỏ khu vực này. Họ đã dành khoảng 735 triệu USD để khoan thăm dò hai giếng ngoài khơi phía tây nam Crimea. Bloomberg đưa tin ông Chris Weafer của tập đoàn tư vấn đầu tư Moscow Macro Advisory cho hay, hiện thỏa thuận của Exxon và Shell đang ở trong tình trạng dở dang. 

Các công ty về dầu mỏ hiện vẫn rất quan tâm đến việc thăm dò khu vực biển ở Crimea. Exxon Mobil cho biết, họ vẫn muốn thăm dò và sẽ không đứng về phía nào trong cuộc tranh chấp giữa Nga và Ukraine về vấn đề tại Crimea. Tập đoàn năng lượng Eni (ENI: IM) của Ý, Tập đoàn đã từng có một thỏa thuận để thăm dò phía đông biển Criema, nói rằng hiện họ đang chờ đợi tình hình căng thẳng chính trị trở lại bình thường, và sau đó họ sẽ kết nối lại với chính quyền mới tại Crimea đã thuộc về Nga.

Rốt cục, “vũ khí” năng lượng đang thuộc về Nga vẫn khiến châu Âu lo sợ!

Trước những sức ép từ việc Nga sáp nhập Crimea, Chính phủ lâm thời Ukraine đã lên kế hoạch rút quân khỏi Crimea. Dự kiến sẽ có khoảng 25.000 binh lính cùng gia đình sẽ được tái bố trí tại các khu vực khác ở Ukraine. 
Đã có hàng nghìn binh lính và thủy thủ Ukraine bị vây hãm trong các căn cứ, đơn vị đồn trú trong suốt hai tuần qua bởi các lực lượng tự vệ Crimea. Tuyên bố rút quân của người đứng đầu Hội đồng an ninh Quốc phòng Ukraine Andriy Parubiy trên thực tế là sự “đầu hàng” của Ukraine trong vấn đề Crimea, ít nhất là về mặt quân sự. Tuy nhiên, đến nay chính quyền Ukraine vẫn không thể đưa ra được con số chính thức đã có bao nhiêu binh sỹ được rút khỏi Crimea nhưng Kiev thừa nhận đã có khá nhiều binh sỹ “đầu hàng” và chuyển sang phục vụ cho quân đội Nga tại khu vực này.