Vũ Hán - những ngày sống trở lại

ANTD.VN - 8-4-2020 - khi bạn đọc cầm số báo này trên tay cũng là ngày thứ 4 trôi qua kể từ cái ngày “đặc biệt” không thể nào quên đối với người dân Vũ Hán. Thành phố Vũ Hán - tâm chấn của đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 - khi lệnh phong tỏa tại thành phố miền Trung Trung Quốc được chính thức dỡ bỏ sau 76 ngày áp đặt. Tuy nhiên, việc “sống lại” nơi đây chưa đồng nghĩa với việc kết thúc mọi khó khăn, lo lắng và cảm giác “giam cầm” bởi dịch bệnh.

Vũ Hán - những ngày sống trở lại ảnh 1Người Vũ Hán tấp nập đi lại sau khi lệnh phong tỏa thành phố được dỡ bỏ

Ngày “đặc biệt” không thể nào quên

Còn nhớ 4 ngày trước, sau khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ, rất nhiều người dân Vũ Hán ùa ra đường, đổ về các công viên trên khắp thành phố để đạp xe và chụp ảnh ghi lại niềm vui lịch sử khi chiến thắng bệnh dịch. Một trong những địa điểm được yêu thích chính là Công viên Hồ Đông nổi tiếng.

Tại đây, anh Li Xiaoxiong, chồng của một nữ y tá đang tận hưởng giây phút gia đình bên nhau, sau nhiều tháng vợ anh chiến đấu ở tuyến đầu phòng chống dịch Covid-19. “Vợ tôi cùng đồng nghiệp, sau khi hoàn thành nhiệm vụ đã phải cách ly 14 ngày. Giờ cô ấy mới được trở về với gia đình. Con trai tôi đã không gặp mẹ trong 2 tháng. Bởi vậy, khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ, chúng tôi quyết định đến Công viên Hồ Đông để đón lại không khí mùa xuân của năm mới” - anh Li Xiaoxiong cho biết.   

Trong khi đó, nhiều người Vũ Hán dành thời gian để đi thưởng thức món mì truyền thống “Re-gan” có vị cay nồng mà rất lâu họ không được ăn. “Suốt thời gian qua, chúng tôi hầu như ăn mỳ ăn liền và khi cửa hàng mỳ mở, tôi đã quyết phải tới đây bằng được” - anh Wang Yanbing, đứng trong hàng dài người xếp hàng tại một cửa hàng mỳ Re-gan tâm sự.

Hàng nghìn người đổ về sân bay, ga tàu, các tuyến đường bộ tại Vũ Hán. Theo Đài Truyền hình quốc gia CCTV, dựa trên thống kê số vé đã bán, chỉ trong ngày 8-4, có khoảng 55.000 người rời Vũ Hán bằng đường sắt, để trở về quê nhà hay thăm người thân sau bao nhiêu tháng ngày xa cách… Ông Hu Yabo, Phó Thị trưởng thành phố Vũ Hán cho biết đã có gần 94% doanh nghiệp tại đây hoạt động trở lại, đối với các doanh nghiệp lớn, tỷ lệ này là hơn 97%, còn đối với các công ty dịch vụ là 93%.

Mong và hy vọng một màu xanh khỏe mạnh

Đi bộ vào ga tàu điện ngầm Vũ Hán, Wu Shenghong - quản lý của một đơn vị sản xuất quần áo - giơ điện thoại thông minh (smartphone) lên, hướng camera tới một biển hiệu chứa “QR code” lớn đặt sẵn và quét. Màn hình điện thoại xuất hiện code màu xanh lá cây và một phần chứng minh nhân dân. Một bảo vệ mang khẩu trang và kính bảo hộ gần đó ra hiệu để Wu Shenghong bước qua. 

Được biết, đó là hệ thống nhận biết người mắc Covid-19 do các Tập đoàn công nghệ của Trung Quốc là Alibaba và Tencent phát triển. Theo quy ước, màu xanh là người khỏe mạnh, màu vàng là đã tiếp xúc với người nhiễm virus SARS-CoV-2 và phải ở nhà, còn màu đỏ là người đã bị nhiễm bệnh. Hệ thống này được sự chấp nhận của người dân Trung Quốc và được cài trên hầu hết smartphone cá nhân. Nhiều tòa nhà còn trang bị camera an ninh cảm biến nhiệt hoặc robot có cảm biến nhiệt để đo thân nhiệt từ xa nhằm xác định xem có ai bị sốt hay không. Và mỗi người dân đi ngang qua, đều mong QR của mình là một màu xanh khỏe mạnh. 

Những di chứng để lại 

Nỗi lo bùng phát dịch lần 2 sau ngày 8-4 vẫn đang đè nặng lên người Vũ Hán. “Tôi vẫn còn một chút lo lắng và sợ hãi. Dịch bệnh chưa hoàn toàn chấm dứt, vẫn còn rủi ro có thể bị nhiễm virus” - cô Song Huangqin (20 tuổi) cho biết. Ở khu nhà của cô Song Huangqin, mọi người vẫn chỉ được phép ra ngoài hai tiếng mỗi ngày dù toàn thành phố đã dỡ lệnh phong tỏa. Khuyến cáo về các biện pháp phòng chống Covid-19 vang lên khắp mọi nơi, bao gồm cả trên hệ thống GPS: “Hãy hạn chế tụ tập, rửa tay thường xuyên và luôn đeo khẩu trang”.

Nền kinh tế của địa phương vẫn trong tình trạng ảm đạm. Helen Ding (47 tuổi), làm việc tại một công ty thiết kế kiến trúc trong thành phố Vũ Hán cho biết đù đã mở cửa trở lại song ông chủ của cô đang lo lắng đến việc kinh doanh và tìm kiếm khách hàng trong tương lai. “Cả thế giới đang ở trong tình hình tồi tệ. Và trong tương lai không ai dám đặt hy vọng quá nhiều” - Helen Ding nói. Đối với nhiều doanh nghiệp nhỏ, việc không có nguồn thu sẽ dẫn đến nhiều rắc rối. Thiếu tiền mặt, nhiều công ty đã buộc phải sa thải nhân viên, giờ đây khó có thể phục hồi ngay lập tức.