Vụ đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ: Mỹ, NATO liệu có hành động?

ANTĐ - Khi tình hình hỗn loạn diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ hôm 15-7 sau khi một nhóm binh sĩ thuộc quân đội nước này tiến hành đảo chính chống lại Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, hiện chưa rõ NATO và Mỹ có thể phản ứng như thế nào trước tình trạng bất ổn của một quốc gia thành viên.

Binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đứng gác tại Quảng trường Taksim ở Istanbul hôm 16-7

“Tôi kêu gọi bình tĩnh và kiềm chế, đồng thời tôn trọng đầy đủ các thể chế dân chủ và hiến pháp của Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ là một đồng minh quan trọng của NATO. Tôi đã thảo luận với Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu và tôi đang theo dõi sát sao các diễn biến ở nước này với sự quan ngại”, Tổng thư ký Jens Stoltenberg cho biết.

Tuy nhiên, ông Stoltenberg không nói rõ liệu NATO có hành động hay không.

Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập NATO vào năm 1952 và đã duy trì quy chế thành viên của nước này mặc dù xảy ra các cuộc đảo chính quân sự trong quá khứ và bất ổn thể chế khác.

Là một quốc gia thành viên, Thổ Nhĩ Kỳ đang được bảo vệ theo Điều 5 của hiệp ước, trong đó các quốc gia thành viên NATO nhất trí rằng một cuộc tấn công vũ trang chống lại một hoặc nhiều quốc gia thành viên sẽ được coi là một cuộc tấn công chống lại tất cả. Do đó, tất cả các thành viên đều đồng ý rằng, nếu một cuộc tấn công vũ trang như vậy xảy ra, mỗi nước thành viên sẽ hỗ trợ.

Nhưng điều đó không có nghĩa là các quốc gia thành viên NATO có nghĩa vụ đáp ứng hoặc can thiệp vào một cuộc đảo chính.

“NATO sẽ không can thiệp vào công việc nội bộ ở Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là một tổ chức được xây dựng để bảo vệ các thành viên của mình chống lại sự xâm lược từ kẻ thù bên ngoài lãnh thổ quốc gia”, Tiến sĩ Michael Werz, một thành viên cao cấp tại Trung tâm Vì sự tiến bộ Hoa Kỳ nhận định.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói rằng, Bộ Ngoại giao nước này đang theo dõi rất sát sao tình hình và “nhấn mạnh sự ủng hộ đầy đủ của Mỹ đối với chính phủ dân sự của Thổ Nhĩ Kỳ”.

Ông Recep Erdogan đã được bầu làm Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2014 trong cuộc bầu cử tổng thống trực tiếp đầu tiên của nước này, sau khi làm thủ tướng trong ba nhiệm kỳ.

“Đối với Mỹ, tình hình này tạo ra một tình thế khó xử. Mối quan hệ giữa ông Erdogan với (chính phủ Mỹ) hiện căng thẳng và sự nghi ngờ gia tăng”, Werz nói với NBC News.