Vụ bê bối làm xấu mặt ngành giáo dục Ấn Độ

ANTĐ - Sau khi bị hủy kết quả “quán quân” trong kỳ kiểm tra cuối năm học lớp 12, Ruby Roy, nữ sinh 17 tuổi - tâm chấn của bê bối “mua điểm” ở bang Bihar, Ấn Độ đã bị tạm giữ 14 ngày. Đến ngày 28-6, số đối tượng bị bắt do liên quan đến vụ việc đã lên tới 20 người.

Nữ sinh “quán quân” lớp 12 ở bang Bihar, Ấn Độ bị bắt trong vụ bê bối gian lận điểm

Bắt giữ hàng loạt học sinh “xuất sắc”

Ruby Roy, nữ sinh của trường Cao đẳng Vishun Roy ở Vaishali, bang Bihar - tâm chấn của vụ gian lận đã đạt 444/500 điểm trong kỳ kiểm tra cuối năm học lớp 12 tổ chức vào đầu năm nay, là thí sinh có điểm môn nghệ thuật cao nhất kỳ thi. Tuy vậy, trong bài kiểm tra lại trong vòng 30 phút, nữ sinh này không trả lời đúng bất kỳ câu hỏi nào, khiến hội đồng buộc phải hủy bỏ kết quả thi trước đó. “Thí sinh thiếu những kiến thức cơ bản nhất. Vì vậy, hội đồng đã quyết định hủy bỏ kết quả thi vĩnh viễn”, Chủ tịch Hội đồng thi Bihar (BSEB) Anand Kishor nói. 

Ngay sau quyết định trên được công bố, một nhóm thuộc Đội điều tra đặc biệt của Cảnh sát Bihar đã tạm giữ Ruby Roy. Sự việc nổi lên hôm 30-5 khi một video lan truyền chóng mặt trên mạng. Khi được một phóng viên truyền hình hỏi, Rubi Roy không phát âm chính xác môn “khoa học chính trị” mà cô đã được học, thậm chí còn trả lời đó là môn liên quan đến nấu ăn.

Ruby Roy cùng 3 “quán quân” các môn khác đều đang theo học tại Cao đẳng Viashun Roy ở Bhagwanpur, quận Vaishali. Theo hệ thống giáo dục Ấn Độ, học sinh học hết lớp 10 trải qua kỳ thi tú tài, sau đó là cấp dự bị đại học lớp 11, 12. Tùy theo điểm một số môn học lớp 12 mà học sinh được xét tuyển vào đại học. Sự việc khiến nhiều người nghi ngờ về chất lượng thí sinh hàng đầu cũng như về một đường dây gian lận thi cử. Sau khi vụ việc vỡ lở, ít nhất 14 học sinh đã phải kiểm tra lại trình độ và bị cảnh sát đưa vào diện điều tra.

Giao dịch ngầm quanh “điểm ma”

Trong số 20 đối tượng liên quan đã bị bắt, những kẻ đứng đầu đường dây này phải kể đến Lalkeshwar Singh - cựu Chủ tịch Hội đồng thi Bihar (BSEB), vợ ông này - Usha Singh và Hiệu trưởng trường Cao đẳng Viashun Roy - Bachcha Rai.

Điều tra ban đầu cho thấy, Bachcha Rai đã trả 15 lakh rupee (khoảng 22.000 USD) cho bà Usha Sinha để Shalini Rai, con gái ông này và Ruby Rai, họ hàng xa của ông Bachcha Rai đứng top đầu kỳ thi. Số tiền này đã được giao dịch tại nơi ở của bà Usha Sinha tại Patna. Sau đó, bà Usha Sinha rỉ tai chồng giao việc chấm thi cho trường Cao đẳng Vishun Roy, nơi ông Bachcha Rai làm hiệu trưởng.

“Tại trung tâm chấm thi ở Vishun Roy, một số bài kiểm tra viết và bảng chấm thi bị làm giả. Qua điều tra, bảng chấm điểm của Shalini không có bất kỳ con số nào trên đó. Tuy nhiên, bài kiểm tra viết của nữ sinh này lại được lưu ở Hội đồng thi BSEB. Điều này cho thấy, kết quả thi của thí sinh này là “tự chế”, sỹ quan cảnh sát cao cấp của Patna, ông Manu Maharaj cho biết.

Ngay sau khi từ chức Chủ tịch BSEB hôm 8-6 do liên quan đến vụ bê bối này, ông Lalkeshwar Prasad Singhwas cùng vợ đã trốn biệt và 11 ngày sau mới bị bắt. Còn với Hiệu trưởng Bachcha Rai, thực hiện lệnh khám xét văn phòng làm việc và nhà của ông ta, cảnh sát đã tìm thấy một số chứng cứ của vụ gian lận. Ngoài việc phát hiện 20kg nữ trang, hiện cảnh sát cũng đang điều tra 12 tài khoản ngân hàng của Bachcha với những khoản giao dịch lớn.

Một thành viên của Đội điều tra đặc biệt, cảnh sát Bihar cho biết, Usha và chồng bà này cũng cấu kết với những người khác tạo một đường dây “chạy” giấy công nhận đối với các trường cao đẳng. Cụ thể, BSEB có vai trò đánh giá cấp phép cho các trường cao đẳng ngoài công lập.

Người ta cho rằng, vợ chồng Usha cùng các cộng sự đã thu “hoa hồng” của hầu hết 230 trường cao đẳng đã được công nhận hoạt động ở bang Bihar. Ngoài ra, trường cao đẳng ngoài công lập nào nếu sinh viên có kết quả thi tốt, sẽ được nhà nước hỗ trợ. Tuy vậy, nhóm quyền lực nói trên đã nhận tiền của các trường cao đẳng, “thổi” điểm kiểm tra và khi tiền tài trợ chuyển về, họ sẽ tự động cắt hoa hồng”. 

 Tân Chủ tịch Hội đồng thi Bihar cho biết, ngành giáo dục của bang này đang nỗ lực hết sức để quét sạch tiêu cực vốn nổi lên thời gian gần đây, nhất là sau vụ người nhà thí sinh bao vây trường thi ném bài trợ giúp hồi năm ngoái.