Vỡ mộng vì "thánh chiến"

ANTD.VN - “Tôi chỉ muốn chiến đấu vì đạo Hồi thực sự. Họ lừa chúng tôi. Những gì chúng tôi đã làm là thực sự sai lầm”. Gần 2 năm sau khi quân đội Philippines mở cuộc phản công giành quyền kiểm soát thành phố Marawi, Alex nói rằng những gì trải qua thật đau đớn và bạo lực, tất cả như “một cơn ác mộng”.

Binh sĩ Philippines tuần tra ở khu vực từng bị các tay súng IS kiểm soát năm 2017 tại thành phố Marawi

Nếu có thể quay ngược thời gian, Alex (tên nhân vật đã thay đổi) sẽ không mòn mỏi trông chờ vào đế chế Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và sẽ không cùng với đứa con trai 13 tuổi của mình cầm súng đứng trong hàng ngũ của nhóm Maute liên kết với IS tham gia cuộc xung đột kéo dài 5 tháng khiến thành phố Marawi bỗng chốc tan hoang.

“Họ nói rằng chúng tôi sẽ chiến đấu đến cùng để bảo vệ tôn giáo của mình và sẽ được tặng thưởng ở thế giới bên kia”, Alex, 38 tuổi, một trong những cựu chiến binh IS đầu tiên ở Philippines trả lời phỏng vấn tờ Guardian của Anh. Nhưng kết quả là gì? Con trai Alex đã chết trong cuộc bao vây thành phố Marawi. Anh ta cũng mất nhiều người thân và bạn bè, chưa kể quãng thời gian trốn chạy sau khi rời bỏ cuộc “thánh chiến” ảo tưởng đó.

Tiết lộ của những người Philippines từng chiến đấu dưới cờ IS

Thời điểm này, các chiến binh cuối cùng của IS ở thị trấn Baghuz của Syria đang bị siết chặt trong vòng vây của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd dẫn đầu cùng với lực lượng an ninh của Syria và Nga. Những ngày cuối cùng của IS ở Trung Đông đã đến. Nhưng ở Philippines, ký ức chiến tranh vẫn như vừa mới đây. Năm 2017, nhóm Maute đã bao vây thành phố Marawi dưới ngọn cờ của IS, dẫn đến cái chết của hơn 1.000 người.

Hơn một năm sau, quân đội Philippines vẫn tiếp tục truy tìm những kẻ chiến binh còn sót lại với quyết tâm tuyển mộ thêm người. Khu vực giao chiến vẫn là một thị trấn “ma” khi công việc cải tạo của chính phủ tiếp tục bị trì hoãn, trong khi khoảng 50.000 cư dân, tương đương 1/4 dân số thành phố vẫn chưa thể trở về nhà.

Alex kể anh ta đã rời khỏi cuộc chiến ở Marawi sau khoảng 2 tháng, vì cảm thấy tội lỗi khi thấy dân thường ngã xuống. Anh ta đã trốn thoát khỏi Marawi bằng cách đe dọa một người lái thuyền có nhiệm vụ giao đạn dược. Con trai anh nhất quyết không bỏ đi. Cho đến khi ra đầu thú vào năm ngoái, Alex nhận được tin con mình đã chết.

Alex được tuyển mộ để gia nhập nhóm Maute vào tháng 4-2016 theo lời mời gọi một thủ lĩnh tôn giáo địa phương ở thị trấn Piagapo, vùng sát với Marawi. Trước đó, anh ta đã 2 lần từ chối gia nhập IS nhưng cái chết của một người có chức vụ tôn giáo trong vụ đụng độ ở Piagapo đã khiến Alex và nhiều người bạn của anh ta có mong muốn trả thù. Asis - em họ của Alex, năm nay 29 tuổi cũng gia nhập đội quân này.

Asis kể, anh ta tình nguyện chiến đấu và trong vòng một tuần nổ ra giao tranh ở Marawi, Asis cùng với 9 người khác đi thuyền tới Marawi. Họ nói sẽ được nhận súng ở Marawi và gia đình họ sẽ nhận được 25.000 peso (khoảng 500 USD). Lúc đầu Alex và Asis đã chiến đấu quyết liệt. Có thể vì cả hai đều đã được huấn luyện bởi đội quân Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro (MILF), nên họ trở thành mục tiêu của các nhà tuyển dụng IS.

Giống như Alex, Asis cũng rời khỏi cuộc chiến ở Marawi sau khoảng 2 tháng, cùng với 16 chiến binh khác không đồng ý với quyết định giữ con tin là dân thường. Sau khi tranh cãi với các chiến binh khác, họ mạo hiểm lên thuyền trốn đi. 

Tái hòa nhập cộng đồng

Quảng thời gian lẩn trốn, Alex và Asis phải ẩn náu ở các thị trấn miền núi xung quanh Marawi trong khi bị người thân xa lánh. Tuy nhiên, họ “không còn lựa chọn nào khác” ngoài việc ra hàng khi các binh sỹ chính phủ gõ cửa từng gia đình để tìm con em họ. Họ biết những kẻ đứng trong hàng ngũ IS cũng săn lùng mình. “Họ gọi chúng tôi là kẻ phản bội. Họ sẽ giết tôi nếu họ nhìn thấy tôi”, Asis nói. 

 “Tôi đã mệt mỏi vì phải chạy trốn. Tôi chỉ muốn một khởi đầu mới và một cuộc sống bình yên”, Alex nói. Đó cũng là ý nguyện của 135 cựu chiến binh IS đã đầu hàng, hy vọng chính phủ Philippines thực hiện lời hứa rằng cho phép họ làm lại từ đầu nếu bỏ súng ra hàng.

Philippines đang tìm cách để các tay súng này tái hòa nhập cộng đồng, một trong những biện pháp nhằm ngăn chặn sự hồi sinh của IS ở nước này. “Tinh thần hòa giải là mấu chốt của những nỗ lực này”, Đại tá Romeo Brawner, một chỉ huy của quân đội Philippines nói.

Khi ra đầu thú, được giúp đỡ tài chính và làm lại từ đầu, cuộc sống của các cựu chiến binh này giờ đã khá hơn. “Giờ chúng tôi có thể ở cùng với gai đình mình. Tôi đã có bạn bè ở trong quân ngũ. Ai có thể nghĩ rằng tôi có thể kết bạn với những người lính mà tôi từng chiến đấu chống lại họ?”, Asis chia sẻ.