"Vỡ mộng" từ tham vọng đường sắt cao tốc

ANTD.VN - Bất chấp những lời quảng cáo “có cánh” rằng công nghệ đường sắt của mình chẳng kém cạnh Nhật Bản - quốc gia có công nghệ đường sắt tiên tiến và an toàn bậc nhất trên thế giới, song Trung Quốc đã liên tiếp gặp phải thất bại với tham vọng xuất khẩu công nghệ này.

Tuyến đường sắt cao tốc Bắc Kinh – Thượng Hải từng được xem là niềm tự hào của Trung Quốc song đã liên tiếp gặp sự cố sau khi được đưa vào vận hành từ năm 2011

Thời báo Hoa nam Buổi sáng (Hồng Kông - Trung Quốc) ngày 2-4 dẫn lời phát ngôn viên của Công ty Qingdao Sifang, công ty con thuộc Tập đoàn Cổ phần Đường sắt Trung Quốc (CRRC) cho biết, cho tới hiện nay không có trường hợp xuất khẩu đường sắt cao tốc nào của Trung Quốc thành công. Lời than vãn này được đưa ra sau khi kế hoạch xây dựng các đoàn tàu cao tốc cho một dự án đường sắt ở Mexico của Công ty Qingdao Sifang bị quốc gia Bắc Mỹ này hủy bỏ.

Lý do dự án xuất khẩu công nghệ đường sắt cao tốc trên bị hủy bỏ được thông báo là do Mexico phải cắt giảm ngân sách nên không thu xếp được vốn cho dự án đường sắt cao tốc dài 210 km này. Việc gặp thất bại trong dự án đường sắt cao tốc ở Mexico là cú giáng mới nhất vào tham vọng xuất khẩu công nghệ đường sắt cao tốc vốn là một ưu tiên cao của quốc gia đang trỗi dậy này.

Là nước đông dân nhất, đồng thời có diện tích lớn bậc nhất thế giới, Trung Quốc từ lâu đã đẩy mạnh phát triển mạng lưới đường sắt, cho tới nay đã xây dựng được hệ thống đường sắt dài khoảng 124.000 km, trong đó đã có khoảng 22.000 km đường sắt tốc độ cao. Trung Quốc đặt mục tiêu nâng tổng chiều dài của mạng lưới đường sắt cao tốc lên 30.000 km vào năm 2020, kết nối hơn 80% các thành phố lớn nhất nước này.

Đồng thời với việc xây dựng hệ thống đường sắt cao tốc trong nước, Trung Quốc cũng đặt ra kỳ vọng lớn vào xuất khẩu công nghệ đường sắt cao tốc mà nước này cho rằng đã tiếp cận tới trình độ thế giới. Việc ký kết các thỏa thuận xuất khẩu về đường sắt cao tốc đã trở thành vấn đề được ưu tiên trong các chương trình nghị sự của các nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc trong các chuyến thăm nước ngoài.

Kết quả là Trung Quốc cũng đã ký được khá nhiều  hợp đồng về các dự án đường sắt cao tốc với nước ngoài. Những dự án đường sắt cao tốc của Trung Quốc đã được giới thiệu tại các nước đang phát triển ở khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia… cho tới Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico, thậm chí cả dự án tỷ đô tại nước công nghiệp phát triển nhất thế giới là Mỹ.

Thế nhưng, sau những buổi lễ ký kết thỏa thuận ghi nhớ và cả hợp đồng “trống giong cờ mở”, phần lớn những dự án đã bị hủy bỏ với nhiều lý do khác nhau. Ngoài lý do thiếu vốn như dự án ở Mexico, trước đó, dự án mà Trung Quốc rất kỳ vọng giúp nước này “đánh bóng” danh tiếng là dự án đường sắt cao tốc trị giá tới 5 tỷ USD tại Mỹ để xây dựng tuyến đường sắt cao tốc dài 370 km nối Las Vegas với Los Angeles đã bất ngờ bị đối tác Mỹ tuyên bố hủy hợp đồng vào tháng 6-2016 với lý do “khó khăn trong việc xin giấy phép”. Trước đó, hồi tháng 1-2016, Indonesia cũng đã dừng dự án đường sắt 5,5 tỷ USD với Trung Quốc bởi “không hoàn tất thủ tục giấy tờ” và “có những lo ngại mất an ninh”.

Với những lý do được cho là khó hiểu với những dự án tỷ đô, các chuyên gia cho rằng nguyên nhân sâu xa có thể là lo ngại về công nghệ đường sắt của Trung Quốc. Điều này xuất phát từ những sự cố “mất mặt” xảy ra liên tiếp với tuyến đường sắt cao tốc Bắc Kinh - Thượng Hải dài 1.318 km, tiêu tốn khoảng trên 30 tỷ USD, dù rằng khi cắt băng khánh thành vào tháng 6-2011, dự án đã được xem là “niềm tự hào của Trung Quốc”.